14 thg 12, 2014

Chuông Đá - Đến quán cà phê không phải để uống cà phê

Cà phê Chuông Đá nằm trên lộ 14, đường vào Buôn Ma Thuột. Khi còn cách trung tâm thành phố khoảng 3 km, bạn nhìn bên tay phải có một cổng vào nhỏ, rậm dây leo với 2 phiến đá trắng như thế này:




Nếu xét theo tiêu chuẩn quán cà phê thì Chuông Đá hơi bị chảnh. Giờ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thứ hai nghỉ!


Bảng ghi lịch tiếp khách của Chuông Đá. Xin để ý bảng "Bán nhà" gắn ở trên, sẽ có chuyện nói ở cuối bài.

Tôi đến quán lúc 4g30 chiều, thấy bảng để vậy vội tranh thủ vào kẻo bị đóng cửa!

Chuông Đá không giống như một quán cà phê, mà là một khu vườn triển lãm các dạng hóa thạch và văn hóa Tây nguyên.

Ở ngay cổng vào là 2 tảng đá granit trắng, mà theo tôi nghĩ là cùng loại với hàn băng thạch Tiểu Long Nữ đã nằm trên đó để luyện công trong Cổ mộ (tôi định xin về, nhưng chủ quán không cho, vả lại tôi cũng chưa có Tiểu Long Nữ để nàng nằm trên đó luyện công).


Ở giữa sân quán là một khúc gỗ hóa thạch có niên đại đến hơn 500 triệu năm.



Và đây là điều tạo nên tên quán là Chuông Đá.



Một tảng đá rất to, khi ta gõ vào thì sẽ ngân lên như tiếng chuông. Một kỳ quan!

Đây là cây vả sai trái (giống trái sung không? tục ngữ có câu Lòng vả cũng như lòng sung đấy mà).




Tôi nhởn nhơ tham quan, chưa chịu gọi nước uống thì... chủ quán xuất hiện. Thay vì hỏi chúng tôi uống gì, thì anh lại... say sưa giải thích về những hiện vật mình sưu tầm được trong khu vườn của mình.

Anh diễn giải những giả thuyết về nguyên nhân khối đá lại ngân như tiếng chuông, về cơ duyên khiến anh có nó.

Anh nêu lý do tạo nên khối gỗ hóa thạch và anh đã mang về như thế nào.

Một kỳ công nữa của anh là ngôi nhà sàn Tây nguyên với rất nhiều hiện vật mang đậm nét văn hóa Tây nguyên. Từ cầu thang đến những bộ cồng chiêng, khung dệt, ché rượu...




Đặc biệt là bộ Kpan, bộ ghế dài làm bằng gỗ sao với cả chân và mặt ghế được đẽo liền khối từ một thân cây gỗ. Bộ Kpan ở Chuông đá có chiều dài 10 met, bề rộng khoảng 1 met, cao khoảng 50 cm.

Và những con ốc hóa thạch, có niên đại hàng triệu năm...




Vô số hiện vật hóa thạch được bài trí khắp vườn

Đến đây, chúng tôi sực nhớ là mình đang tới... quán cà phê, vì thế nên tôi mời... chủ quán ngồi xuống để uống cà phê và trò chuyện tiếp

À quên, tôi chưa giới thiệu về anh. Anh tên Hoàng Thành, sinh năm 1959 (bằng tuổi tôi), người gốc Huế nhưng sinh sống ở Daklak đã lâu và say mê văn hóa Tây nguyên. Anh đã tự nguyện bỏ nghề cơ giới của mình để sống với niềm đam mê. (Thật ra nghề kỹ thuật cơ giới này là cơ duyên dẫn anh đến với những khối đá cổ, những hóa thạch lâu năm).




Tôi hơi ngại, hỏi anh: Hút thuốc có được không anh?

Anh cười: Hút thì được (nếu có đem theo), nhưng ở đây không bán thuốc lá, không bán rượu bia.

(Lại thêm một chuyện chảnh nữa của quán cà phê!)




Tôi lại hơi ngại, hỏi anh: Tôi thấy quán để bảng bán đến 5 giờ, mà giờ này đã 6 giờ rồi. Có phiền gì anh không?

Anh lại cười: Tại tôi không thích ồn ào, không thích chộn rộn kinh doanh nên... chảnh vậy đó. Còn anh em mình đã gặp nhau thì cứ hàn huyên, tới mấy giờ cũng được...

---

Thế là chúng tôi lại tiếp tục trò chuyện, về niềm đam mê cuộc sống, về văn hóa Tây nguyên...

Tôi tạm biệt anh khi thành phố đã lên đèn. Anh kéo tôi trở vào vườn, hái một bịch trái vả, bày cho cách làm món ăn với thịt luộc. Ra tới cổng, anh lại quay vào, cầm cho tôi một cây gừng gió để mang về trồng, một loại thảo dược mà theo anh giải thích có tác dụng trị liệu đường tiêu hóa rất tốt, hơn hẳn gừng bình thường...

À quên, cũng cần nói thêm rằng cà phê ở đây rất ngon, rất Buôn Ma Thuột - mà giá thì rẻ hơn nhiều lắm so với những ly cà phê đắt tiền ở Sài Gòn.


Tôi muốn kể nhiều về anh và quán cà phê Chuông Đá lắm, nhưng tôi nghĩ các bạn phải đến tận đây, vào quán, gặp anh và nghe anh kể mới thật là thú vị. Địa chỉ và số điện thoại của anh ở trong bức ảnh cổng quán đấy các bạn.

Phạm Hoài Nhân
2010

Câu chuyện kể ở đây xảy ra đầu năm 2010, nếu như bạn để ý sẽ thấy trên tấm bảng ghi giờ tiếp khách của Chuông Đá có gắn một tấm bảng nhỏ thông báo "Nhà bán hoặc cho thuê". Tôi khá ngạc nhiên vì rõ ràng đây là một công trình tâm huyết cả đời của anh Thành, lẽ nào lại sang nhượng cho ai. Tôi hỏi anh xem có đúng là anh muốn bán hoặc cho thuê Chuông Đá hay không. Anh gật đầu xác nhận nhưng không nói lý do (có lẽ là về kinh tế), chỉ trầm ngâm cho biết đang tìm người có tâm huyết để sang nhượng lại.
Từ ấy đến nay đã gần 10 năm, tôi chưa có dịp thăm lại cà phê Chuông Đá và anh Thành, trong lòng vẫn băn khoăn không biết khu vườn văn hóa Tây nguyên này có còn của anh không hay đã thuộc về ai. May thay, qua những thông tin trên mạng, tôi được biết Chuông Đá và anh Thành vẫn còn đó, không sang nhượng lại cho ai.
Có lẽ một ngày rất gần nào đó tôi sẽ rủ thêm một số bạn bè đến đây, đến quán cà phê nhưng không phải để uống cà phê!

17/9/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét