7 thg 12, 2014

Chuyện một ông giám đốc ngân hàng về làm nghệ nhân

Ông tên Võ văn Tạng. Hơn 10 năm trước ông là giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp huyện Thoại Sơn, An Giang, còn bây giờ ông là nghệ nhân vẽ tranh trên lá thốt nốt ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn.

Thật ra từ bé và trong thời gian làm quản lý ngân hàng, ông Tạng đã đam mê vẽ tranh rồi, thế nhưng cơ duyên dẫn ông đến chuyện làm tranh bằng lá thốt nốt bắt nguồn từ một chuyến tham quan cơ sở đề xét cho vay vốn cho một hộ nông dân Khmer ở xã Vọng Thê năm 1998. Người nông dân này vay vốn để làm quạt bằng lá thốt nốt. Ông Tạng nhận thấy lá thốt nốt đẹp, bền, có thể làm tranh được. Rồi khi đến chùa Skvong ở Tịnh Biên, ông thấy những bộ kinh xưa viết trên lá thốt nốt đã hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn. Thế là ông quyết tâm vẽ tranh bằng lá thốt nốt.


Cây và lá thốt nốt

Bức tranh đầu tiên do ông Tạng vẽ trên lá thốt nốt là tranh đàn hạc đậu trên cành cây, hoàn thành năm 1998 làm mọi người sửng sốt, vì không ngờ với lá thốt nốt tầm thường có thể làm tranh đẹp như vậy. Thế nhưng mãi đến năm 2004, khi nghỉ hưu, ông Tạng mới có thể toàn tâm mở ra một phòng tranh chuyên vẽ tranh bằng lá thốt nốt, cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho một số thanh thiếu niên ở Núi Sập.

Các công đoạn để từ lá thốt nốt thành tranh như sau:

Lá thốt nốt (lá non) được mua về phơi khô rồi phân loại theo màu: vàng, vàng đậm, trắng... và tách nhỏ ra. Nghệ nhân sẽ phác họa bức tranh trên nền ván ép rồi ghép từng sợi nhỏ được tách ra từ lá thốt nốt lên nền đó.


Giai đoạn đòi hỏi tính mỹ thuật là chấm phá tạo hình cho bức tranh. Không dùng cọ, không dùng sơn, chỉ với mỏ hàn điện ông Tạng đã thổi hồn cho tranh lá. Tùy theo độ nóng mà chỗ đốt có sắc độ khác nhau: đen, nâu, vàng... để tạo thành bức tranh sống động.

Một em gái đang dùng mỏ hàn để tạo hình cho tranh


Hình ảnh một vài bức tranh đã hoàn thành

Hiện nay phòng tranh của ông Tạng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mua tranh. Đó thường là các mẫu tranh phong cảnh - nhất là phong cảnh An Giang - được khách du lịch mua làm quà lưu niệm, như tranh Miễu Bà Chúa Xứ, khu lưu niệm Bác Tôn... Ngoài ra bạn có thể gửi ảnh chân dung của mình đến để các nghệ nhân vẽ lại trên lá thốt nốt.

Ảnh chân dung do khách hàng gửi đến, được vẽ lại thành tranh lá thốt nốt. Một bức như thế này giá khoảng 300.000 đồng, thực hiện trong 2 -3 ngày.

Cậu thanh niên này đang vẽ tranh chân dung theo ảnh của khách hàng gửi đến. Bạn thấy chiếc iPhone bên cạnh chứ? Ảnh ở trong đó đó bạn!

Kể ra ông Võ văn Tạng cũng hạnh phúc thật. Trong lúc bao nhiêu đồng nghiệp ngân hàng của ông đang quay cuồng với những vòng xoay của đồng tiền (có thể rất giàu và cũng có thể rơi vào vòng tù tội) thì ông đang an hưởng tuổi già bằng cách làm điều mình yêu thích.


Xin chia vui cùng ông, và ước gì cũng được như ông.

(Quên nữa, nếu bạn muốn liên lạc với ông Võ văn Tạng, xin đến số 48 đường Hùng Vương, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, hoặc gọi điện thoại: 091.3972179).

Phạm Hoài Nhân

4 nhận xét: