16 thg 3, 2015

Giá trị một con người

Hồi xưa tui có đọc một câu (hình như là của Lev Tolstoi) như thế này: 

Giá trị của mỗi con người là một phân số mà tử số là năng lực mà họ thực sự có được còn mẫu số là năng lực mà họ nghĩ rằng mình có. 

Tui tin câu này như một định đề toán học và hí hoáy dựa vào định đề này để tính toán giá trị của mỗi con người (kể cả của chính mình, than ôi, cứ theo định đề này thì giá trị của chính tui bao giờ cũng nhỏ hơn 1!).


Tui tính ra ông này bằng 1,2 – thằng kia bằng 1,5, gã nọ là 0,7 – còn ông quan lớn ấy là tuy ngầu vậy mà chỉ bằng… 0,1 thôi, v.v… Tính chơi cho vui thôi, giống như... chơi game vậy mà, chớ làm sao đúng được! 

Mới đây, một anh bạn tui, vốn là chuyên gia lập trình, nhắc rằng: Nếu ai đó nghĩ rằng mình chẳng là cái quái gì cả - tức là bằng 0 - thì bài toán tính giá trị con người này sẽ bị lỗi division by zéro và chương trình sẽ báo lỗi Run time error! 

Ừa phải, như vậy nếu lập trình để tính giá trị con người thì phải đặt điều kiện: cấm ai đó nghĩ rằng năng lực của mình bằng 0.

Nhưng tui nghĩ anh bạn tui có thể hoàn toàn yên tâm rằng lỗi này cực kỳ hiếm gặp, vì hổng mấy ai cho rằng mình hoàn toàn vô dụng đâu.

Ngược lại, số người tự cho rằng tài năng của mình rất ư là siêu việt, thậm chí tiến tới vô cực thì nhiều vô cùng. Lúc bấy giờ giá trị của họ tiến tới zéro, bất kể năng lực thật sự của họ bằng bao nhiêu.

Thời nay, người người đều tự tin tuyên bố mình nhất thế này, nhất thế nọ, nghĩa là giá trị tự sướng của họ lớn vô cùng. Thế cho nên trò chơi tính giá trị con người của tui cho ra rất nhiều đáp số gần bằng 0. Bạn có thích chơi thử không?


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: