3 thg 4, 2015

Trường điên

Biên Hòa không chỉ có Nhà thương Điên, mà còn có... Trường Điên. Đó là ngôi trường mang tên Trường Tiểu học Cộng đồng Dưỡng Trí Viện, ngôi trường do chính Dưỡng Trí Viện Biên Hòa lập ra. Điều này không mấy người biết, kể cả... tôi, người đã sống ở Biên Hòa hơn 30 năm. Giờ thì bạn hãy nghe chính một người học trò trường điên này kể về ngôi trường của mình nhé. À, dĩ nhiên người kể không... điên, đó là nhà văn Thu Trân.
PHN

Trường điên
Ký của Thu Trân 

Tôi thích hoài niệm. Quê tôi có sông Đồng Nai nhiều khúc quanh, lên thác xuống ghềnh theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Con sông cũng ôm trọn những vòng đời, chứa chan tình đời và tha thiết ơn đời. Má tôi bảo, nhờ có sông thiêng Đồng Nai nên đất Biên Hoà là “đất phật”. Chiến tranh ác liệt thế nào, đến địa đầu Biên Hoà thì tiếng súng im bặt, các bên giải quyết hằn thù với nhau theo kiểu ôn hoà chứ không phải bắn giết nhau nữa. Đất còn “phật” ở chỗ có Nhà thương điên Biên Hoà (bây giờ là Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1915. Người địa phương cố cựu gọi đây là “nhà thương ơn phước”. “Ơn phước” bởi luôn có hàng trăm người bệnh tâm thần bị bỏ rơi được bệnh viện cưu mang và chăm sóc cho đến hết đời. Cũng nhờ chuyện ơn phước này mà bọn nhỏ chúng tôi trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được học một ngôi trường ơn phước. Trường tiểu học cộng đồng Dưỡng Trí Viện.

Trường Dưỡng Trí Viện (DTV) còn được người dân Biên Hoà gọi là trường nhà thương điên. Bởi đây là ngôi trường nằm trong khuôn viên đất bệnh viện, được bác sĩ giám đốc Nguyễn Văn Hoài (giám đốc người Việt đầu tiên của bệnh viện, các thời trước đó toàn người Pháp) cho xây dựng để dạy dỗ con em y bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Trẻ con các vùng lân cận cũng được vô tư cho vào học, không vấn đề gì (chuyện học hành ngày xưa dễ lắm thay!). Tôi là một trong vài chục học trò thuộc diện “trái tuyến” ấy. Trường luôn có mười lớp, từ lớp một đến lớp năm, năm lớp A dành cho con trai, năm lớp B dành cho con gái. Con trai và con gái luân phiên nhau học tuần sáng tuần chiều. Tuần học buổi sáng, hầu như không học trò lớp năm nào thích nghỉ học vì được hát quốc ca và kéo cờ.

Học trường nhà thương điên chỉ buồn mỗi tội là, đi thi thố gì với các trường khác trong tỉnh Biên Hoà (thời ấy) cũng bị gọi “mấy đứa trường điên”. Thiệt thòi chút xíu nhưng bọn tiểu học cộng đồng cả tỉnh đều phải ngả mũ chào “bọn điên” chúng tôi trên nhiều phương diện: học giỏi, ngoan, lễ phép và năng động. Có người lớn xấu miệng bênh “phe đối lập” của trường tôi trong các cuộc thi bảo: “Tụi nó có... máu điên hay sao mà thi cái gì cũng hăng quá trời!”. Hề gì. Thầy Thạch Đông chuyên đi chiếc Vespa xanh cũ mèm là hiệu trưởng trào cuối cùng trước ngày miền Nam giải phóng yêu thương xoa đầu chúng tôi bảo: “Họ nói gì kệ, các con học giỏi và ngoan là thầy vui rồi!”. Chúng tôi thương thầy hiệu trưởng như thương cha. Bao giờ thầy cũng nghiêm khắc và vui đùa đúng mực. Đứa lười học bị thầy kêu lên văn phòng dạy dỗ, lấy cây thước dài khẻ hai cái vào hai lòng bàn tay đỏ rần mà sợ... tới già! Giờ chơi, sân trường rộng, chúng tôi túa ra như bầy ong vỡ tổ đúng nghĩa (không “giả định” như trong những bài văn mẫu bây giờ) chơi lò cò, chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm, chơi nhảy nụ... Thầy đi loanh quanh nhìn bọn nhỏ chơi đùa, đôi khi “phụ ăn gian” bốc đứa chơi trò nhảy nụ bé hạt tiêu bay qua mấy tầng bàn tay bàn chân của đám nhỏ ngồi bên dưới. Ê, thầy ăn gian... thế là thầy rụt đầu, le lưỡi chạy mất. Bây giờ không biết thầy có còn khoẻ. Ít gì, năm nay chắc thầy cũng phải tám mấy chín mươi tuổi rồi!

Bệnh viện Tâm thần TW 2 ngày nay

Bị kêu là “trường điên” nhưng chưa bao giờ tôi thôi tự hào về ngôi trường be bé xinh xinh được xây theo kiến trúc kiểu Pháp nằm hiền hoà bên dòng suối Săn máu róc rách chảy suốt ngày đêm. Ngay lúc bọn học trò nhỏ mới cắp cặp đến trường, thầy hiệu trưởng đã dạy: “Học trò DTV phải độ lượng, khoan dung và học giỏi”. Học giỏi thì nhất định rồi. Còn sao phải độ lượng, khoan dung?

Chúng tôi đã có một tuổi thơ dài “chơi” với những người điên. “Chơi” với những người khốn khổ, không bình thường ấy phải độ lượng và khoan dung. Thầy hiệu trưởng đã dạy chúng tôi độ lượng, khoan dung theo kiểu tuổi thơ mình. Trước tiên thầy bảo phải biết thương yêu, chia sẻ với người bệnh; không được hỗn hào, “chơi xấc” người bệnh.

Ngày xưa, DTV Biên Hoà chữa bệnh tâm thần theo kiểu hướng ngoại nhiều hơn là dùng biệt dược như bây giờ. Đây cũng là chủ trương của bác sĩ Hoài, ông yêu thương người bệnh tâm thần như người thân trong gia đình (hiện tên ông được đặt cho con đường băng ngang bệnh viện). Sau thời gian dùng thuốc và sốc điện, người bệnh chuyển sang giai đoạn “ổn tạm thời” được cho hoà nhập cộng đồng (người bệnh tâm thần không bao giờ hết hẳn bệnh, đây cũng là lý do khiến nhiều người bị gia đình bỏ rơi). Có cả một xưởng thủ công trong bệnh viện dành cho người bệnh chằm nón, đan dây, xay lúa... Ngoài giờ lao động, các quí vị “ngoài vùng phủ sóng” được đi lang thang khắp nơi. Tất nhiên, trường DTV bên cạnh là một trong những điểm đến hấp dẫn. Tiếp xúc với trẻ con hồn nhiên, người bệnh dễ quân bình tâm trí hơn, mau hết bệnh hơn- thầy hiệu trưởng bảo thế.

Giờ chúng tôi học, họ đi tới đi lui ngoài hành lang, người tréo chân ngồi đọc sách, người ngồi thu lu một góc ngủ gà ngủ gật. Vậy mà thầy hiệu trưởng nói, họ nghe hết: “Các ông các bà đi khẽ nói nhẹ cho bọn nhỏ học hành nghen!”, gật đầu dạ dạ rồi xoè tay xin thầy cục kẹo hoặc điếu thuốc. Họ ngồi chồm hỗm thành hàng ngoài hành lang lớp tôi, phà khói thuốc mù trời, tuyệt nhiên không tiếng xì xầm, không bất cứ tiếng động nào chi phối bọn trẻ chúng tôi học hành, thương vậy!

Giờ ra chơi thì đủ kiểu. Ông leo cây bả đậu (thân gai mà leo được mới hay!) trong sân trường hái trái khô đập ra, dùng dao lam khắc múi trái thành hình con cá con tôm cho bọn trẻ. Bà năn nỉ đứa nhổ tóc sâu rồi hát cho nghe một bài. Có đứa đòi cả múa, bà chiều luôn. Đám đông đứng quanh người bệnh xem hát múa là chuyện rất thường trong sân trường tôi. Có ông Thông râu quai nón chuyên nhặt chuột gà chết về làm “đại tiệc” trong góc hàng rào rậm rì dây leo của trường. Vừa nấu ăn ông vừa đọc Kiều hoặc Lục Vân Tiên, giờ chơi chúng tôi bu quanh nghe, riết rồi đứa nào cũng nhập tâm vài câu. Ăn chuột gà mắc dịch mắc toi suốt năm suốt tháng vậy mà ông Thông vẫn ngày càng mập mạp, phương phi! Có ông đi ba bước lùi hai bước đi hoài không hết một vòng sân trường, cứ đi hoài đi hoài như một sứ mệnh thiêng liêng. Hôm tôi bệnh nghỉ học, nằm sốt mê man ở nhà, nhắm mắt lại là thấy ông đi ba bước lùi hai bước đi vòng vòng cột cờ, đi mãi đi mãi đến nỗi tôi có cảm giác chóng mặt tuột luôn xuống giường. Không biết tên ông, chúng tôi cứ gọi là “ông đi ba bước lùi hai bước”. 

Bệnh nhân trong Bệnh viện Tâm thần TW 2

Sự cố thỉnh thoảng vẫn xảy ra giữa đám trò nhỏ và những người bệnh tâm thần tội nghiệp. Nga, nhỏ học trò phá như con trai lớp tôi, có lần bôi xác kẹo chewing gum lên tóc bà cụ chuyên lấy nước cổ trầu (bà nhai) bôi đầy mặt đầy tay bà. Ngồi gỡ xác chewing gum mãi không được, bà khóc hu hu như đứa trẻ. Sự việc vỡ lỡ, thầy hiệu trưởng bắt Nga vòng tay xin lỗi bà, xong cô bạn phải nằm xuống giữa sân trường, thầy đét cho hai roi vào mông nhớ đời. Thầy răn dạy chúng tôi: “Người bệnh tâm thần cũng là những người cần được đối xử công bằng. Các con không được xúc phạm họ”. Chính thầy đã dắt tay bà cụ lên trại, xin lỗi bác sĩ phụ trách trại và nhờ người cắt tóc cho cụ. Được quan tâm, bà cụ tâm thần càng khóc to, khóc như chưa bao giờ được khóc. Đêm ấy trời mưa dầm rả rích, tôi ngủ mơ thấy thầy hiệu trưởng dắt tay bà cụ vào một vườn cây đầy hoa trái... Vài tháng sau, ông đi ba bước lùi hai bước băng ngang đường trước trường tôi bị xe GMC to đùng của Mỹ cán chết. Nga mếu máo giải thích giữa đám bạn bè trèo lên bậc hàng rào ngóng ra ngoài xem tai nạn: “Ổng chết vì tội tiến có một bước mà người lái xe tưởng ổng bước những ba”. Rồi ôm mặt khóc oà. Thầy hiệu trưởng đứng sau bước đến ôm nó vỗ về: “Đừng khóc, ông nhẹ nhàng rồi con ạ!”.

Ký ức tuổi thơ tôi vương vấn hoài chuyện giờ chơi cả bọn rủ nhau trốn thầy hiệu trưởng nhảy qua con đập ngăn suối sau trường. Đó là những tảng bê-tông phẳng rộng, cách đều nhau một bước chân người lớn. Suối có dòng chảy sâu, trong xanh mát mẻ bốn mùa. Tức cảnh sinh tình, bọn trẻ rủ nhau nhảy chơi thôi. Tuổi nhỏ ngu khờ dại dột đâu biết chuyện mình làm nguy hiểm. Có lần một đứa hụt chân rơi xuống đập bị nước suối cuồn cuộn cuốn đi. Nhanh như cắt, một chú điên đang tắm gần đó đã bơi ào ra quắp lấy nó mang vào bờ. Nó sợ tái xanh mày mặt, trán va vào đá máu tuôn xối xả. Tay chân chú điên cũng rướm máu vì chà xát phải bọn đá nhọn ven lòng suối. Lần đó thầy hiệu trưởng gửi thư cảm ơn chú thông qua bác sĩ phụ trách trại và tặng cho chú một bộ đồng phục mới. Khi bọn trẻ chúng tôi tán dương chú như tán dương một anh hùng thì chú chẳng biết, chẳng quan tâm gì; thong dong mặc bộ đồng phục mới, bước sải chân trên đường, nghển cổ hát vang đầy phấn khích: Ai đang đi trên đường đi, hãy hát vang lên câu hò lâm ly, vô đây em, dù trời mưa anh vẫn đưa em về, anh vẫn đưa em về...

Cảm giác bọn trẻ cả trường xếp hàng đôi dắt nhau lên trại để chích ngừa các bệnh nguy hiểm với chúng tôi ngày ấy quả thật lạ lùng! Bận chích nào cũng có một cô điên hay chú điên tỉnh nhiều, tương đối sạch sẻ ôm lấy đứa chuẩn bị được chích. Trong vòng tay chắc nịch của người bệnh, chúng tôi nép một bên mặt vào ngực họ và nhắm mắt lại... chờ chích, thế là không thấy đau gì cả!

Thân thương, trìu mến với những người bệnh khốn khổ, bất hạnh như thế mà chúng tôi lớn lên và trưởng thành tự bao giờ. Tất nhiên là dưới chiếc đũa điều khiển tài hoa của nhạc trưởng- thầy hiệu trưởng. Cứ thế cứ thế, hết tốp này đến tốp khác làm rạng ngời danh tiếng học trò trường điên.

Bao năm qua rồi nhưng chuyện tuổi thơ tôi gắn bó với người bệnh tâm thần vẫn mồn một như mới ngày hôm qua. Nó đẹp rạng ngời như viên ngọc càng mài càng sáng. Tôi kể hai con nghe. Chúng mê như nghe chuyện cổ tích. Có lúc còn hỏi: “Nước mình còn có một trường điên nào như vậy không mẹ?”. Con chị ra vẻ thạo đời, nạt nộ thằng em: “Lại kêu trường điên, trường điên sao mẹ viết văn làm báo nuôi mày khôn lớn?”. Nói chuyện viết văn mới nhớ, bọc lóc nhóc trường DTV ngày xưa sau này lắm người thành đạt. Khi chuyển lên trung học, thi vô “trường oách” nhất tỉnh như Ngô Quyền là chuyện nhỏ. Còn bây giờ, khối nhà văn nhà báo kỹ sư bác sĩ nguyên... mài mòn đũng quần trên ghế trường điên! Dù không... điên, nhưng chúng tôi cũng lắm lắm tự hào với mái trường điên nằm trong khuôn viên nhà thương điên với các “nguyên bệnh nhân” là những bậc tiền bối tài năng được cả nước ngả mũ kính chào: nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Nguyễn Ngu Í... Trẻ hơn một chút có nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, không biết điên thiệt hay giả thời chinh chiến mà cũng từng “nằm vùng” nhà thương điên với sự ra đời tập thơ Thiên tai nổi tiếng.

Tiếc là trường điên của tôi bây giờ đã bị xoá sổ.

Sau ngày miền Nam giải phóng, hoạt động trường không còn dính líu gì đến bệnh viện nữa. Phương pháp trị liệu hướng ngoại của bệnh viện thu hẹp dần, người bệnh ổn định không còn được cho lang thang như ngày xưa. Sau giải phóng, trường được rào tách hẳn với bệnh viện. Suối sau trường không được nạo vét, để lâu ngày, đất và rác bồi còn dòng chảy nhỏ xíu; suốt ngày xông lên mùi hôi thối bởi các làng làm tinh bột trên thượng nguồn xả chất thải gây ô nhiễm. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, trường ngập lênh láng. Mùa mưa, thầy trò kéo nhau nghỉ dạy và học liên miên.

Một lần chạy xe ngang trường, tay lái tôi bỗng quýnh quáng khi thấy người ta... đập trường. Mấy đầu rồng đầu cá làm bằng gốm phủ men sứ Đông Dương xanh lóng lánh được đính trang trí trên đầu mái ngói các lớp học bị đám người lực điền dùng búa đập rơi lả tả. Mớ cột kèo gỗ lim bóng loáng được gom lại kêu thương lái tới định giá. Tôi bần thần dừng xe ngoài bờ cỏ, hai mắt nóng lên, nghe tuổi thơ mình rơi rơi...

Sau về nghĩ lại bỗng thấy cái có lý trong muôn trùng cái vô lý ở thời mà người ta hay mượn danh núp bóng để thực hiện sự phát triển không bình thường: thời công nghiệp hoá- hiện đại hoá. Bất lực bởi không phục hồi được dòng suối cỏn con chưa chắc là lý do người ta đập bỏ không thương tiếc một mái trường xưa để thay vào đó là cây xăng của một doanh nghiệp hoành tráng!

Cũng đâu có gì phải băn khoăn nhỉ, khi Đồng Nai để trôi tuồn tuột nhiều giá trị phi vật thể còn đáng giá gấp bao nhiêu lần mái trường điên của tôi.

Trại giam Tân Hiệp một thời khắc cốt ghi xương với chiến công phá khám lẫy lừng của các chiến sĩ cách mạng từng được bàn bán rẻ để phá bỏ xây công ty hay doanh nghiệp gì gì đó. Khi ngăn chặn được chuyện bán chác động trời này thì nhiều công trình trại giam đã bị phá bỏ. Nay một phần nhỏ khuôn viên trại giam được giữ lại trên tinh thần “phục hiện di tích”, phần lớn đất còn lại được bán cho ngân hàng.

Cũng như cụm di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức- một trong Gia Định tam gia, công thần của triều Nguyễn- ở phường Trung Dũng, Biên Hoà được xếp là Di tích lịch sử quốc gia. Cụm di tích rất đặc biệt với lăng mộ ông cùng hai người vợ, mộ các cận thần, mộ tuỳ tùng, mộ ngựa... nhưng nằm rải rác, xen kẻ với nhà ở, quần áo, ngũ cốc phơi khắp nơi của người dân địa phương. Mãi không tổ chức giải toả, khoanh vùng được nên chỉ có phần mộ ông và hai bà là được tôn tạo, nhang khói. Còn mộ các cận thần, tuỳ tùng, mộ ngựa... vẫn nằm chơ vơ như những nấm mồ hoang. Tiếc cho một di tích “không đụng hàng”- mà không phải quốc gia nào cũng có!

T.T

1 nhận xét: