29 thg 4, 2015

Giếng Gia Long

Ở Việt Nam có... hơi nhiều giếng Gia Long. Ngay ở Biên Hòa, trên chùa Bửu Phong cũng có giếng Gia Long. Tương truyền rằng khi Nguyễn Ánh (chưa là vua Gia Long) lẩn trốn quân Tây Sơn, đến ngôi chùa trên núi này đã cho đào một giếng nước để nuôi quân, đời sau gọi là giếng Gia Long.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng có giếng Gia Long. Sự tích ra đời giếng này khác hơn: sau khi lên ngôi, vua Gia Long đi thăm các hòn đảo dọc bờ biển miền Trung và ghé Cù Lao Ré (nay là đảo Lý Sơn). Thời điểm này, nhân dân trên đảo đang lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng giữa mùa khô hạn. Thương cho dân tình gặp đại hạn, vua cho lập đàn tế trời cầu mưa. Hôm sau vua sai quân đào giếng xuống hơn một mét đã thấy mạch nước phun trào. Nhớ ơn vua, nhân dân đã đặt tên là “giếng Gia Long” hay giếng "Vua ban". Hiện giờ giếng vẫn còn, và đây là giếng nước ngọt, dù ở sát biển.

Nhưng ly kỳ và nổi tiếng hơn cả có lẽ là giếng Gia Long ở Phú Quốc, hay còn gọi là Giếng Tiên, giếng Ngự.

Giếng Gia Long hiện thuộc thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn, đến Phú Quốc thì nước ngọt đã hết, lương thực cạn kiệt, lòng quân dao dộng, xung quanh là biển cả. Giữa cảnh hiểm nghèo đó, Nguyễn Ánh đã cắm mũi kiếm xuống đá, ngửa mặt lên trời kêu lên: “Nếu trời cho làm vua thì hãy ban cho nước ngọt và lương thực”

Dứt lời, chỗ mũi kiếm cắm xuống, đá nứt ra, theo kẽ hở, nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ra. Kế đó, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp quân có lương thực. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm.

Chỗ mũi kiếm Nguyễn Anh cắm xuống đầu tiên trên đảo được người dân dựng bệ đánh dấu.


Cạnh đó là giếng nước và đền thờ



Ngày nay giếng nước này vẫn còn, nằm sát bờ biển, chỉ sâu khoảng 50 cm. Điều khá lạ lùng là khi thủy triều lên thì nước biển tràn vào giếng, nhưng khi thủy triều xuống thì nước giếng vẫn là nước ngọt. Chính vì thế, nhiều người tìm đến uống nước giếng này, cho là nước tiên (tui đến, nhưng chỉ chụp hình, không có uống!).


Ngoài huyền thoại ly kỳ, thì di tích Giếng Tiên, đền thờ, bệ tưởng niệm đều khá thô thiển, như bạn có thể thấy trong ảnh. Ngoài ra, người dân còn chỉ ra những vết tích như:ngai vua quay lưng ra biển, dấu chân chúa Nguyễn còn in lên đá... Mấy chuyện này thì chắc chắn chỉ nhìn hình thù đá mà tưởng tượng ra thôi.

Ấy, nhưng bãi biển ở đây thì hoang sơ và đẹp tuyệt. Rất đáng công tới để chiêm ngưỡng.




Và thêm nữa, là thưởng thức những món hải sản Phú Quốc rất là hấp dẫn, ngay trên bờ biển.

Con nhum, món đặc sản "ông ăn bà khen"

Hải sản Phú Quốc

Nào, cùng ăn!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét