Cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh được ghi là bắt đầu từ năm 1627, lấy sông Gianh chia đôi Đàng Ngoài và Đàng Trong. Thiệt ra là cuộc phân tranh có từ trước đó nữa - chắc là năm 1600, khi Nguyễn Hoàng trốn về Nam, không theo lệnh Trịnh Tùng nữa. Nhưng thôi, cứ lấy mốc 1627 khi có con sông chia đôi đất nước vậy.
Ta cũng lấy luôn mốc 1627 là mốc khởi đầu của Nam bộ đi cho gọn, vì cùng lúc đó các chúa Nguyễn mới mở mang bờ cõi về phương Nam, còn trước đó làm gì có!
Từ đó, cho dù lưu dân Nam bộ có gốc gác từ Đàng Ngoài, nhưng các thế hệ người dân lớn lên mà không hề có sự giao tiếp văn hóa với phía Bắc, bởi vì đôi miền đã bị ngăn cách bởi sông Gianh. Điều này kéo dài mãi tới năm 1802, khi Gia Long thống nhất giang sơn. 1802 trừ đi 1627 là 175 năm. Trong 175 năm đó vì không có giao lưu văn hóa, nên nếp sống, tâm tính, suy nghĩ của cư dân Nam bộ đâu có giống Bắc bộ.
Cứ tạm cho là trong triều đại nhà Nguyễn đất nước thống nhất đi, Bắc Trung Nam cùng nhau gặp gỡ đi, thì thời kỳ kéo dài bao lâu? Tới năm 1858 Pháp đã xâm lược Việt Nam. 1862 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông. 1867 chiếm tiếp 3 tỉnh miền Tây. Từ 1867 Nam kỳ là xứ thuộc địa, nghĩa là tách hẳn ra khỏi Bắc và Trung, giống như là một đất nước khác, theo chính sách chia để trị của Pháp. Nếu tính mốc 1867 thì thời kỳ 2 miền Nam Bắc giao lưu văn hóa tự do với nhau là 1867 - 1802 = 65 năm.
Thời kỳ thuộc địa Nam kỳ theo sử sách là tới năm 1945, là năm độc lập. Thế nhưng thật ra ngay sau đó vẫn là chiến tranh và 2 miền không thông thương được mãi cho đến 1954. Rồi từ 1954 đến 1975 vẫn là phân chia Nam - Bắc. 1975 - 1867 = 108 năm. Hơn một thế kỷ ấy, Nam vẫn đi đường Nam, Bắc đi đường Bắc.
Tính suốt từ 1627 tới 1975 là 348 năm thì có tới 283 năm miền Nam được sinh ra và lớn lên tách biệt hẳn với miền Bắc, chỉ có 65 năm có giao lưu văn hóa mà thôi.
Nếu tính tới bây giờ, 40 năm thống nhất đất nước thì có 105 năm giao lưu văn hóa Bắc Nam và tới 283 năm không có giao lưu, gần gấp 3 lần!
Tui không nói miền Bắc tốt hơn hay miền Nam tốt hơn, Hà Nội văn minh hơn hay Sài Gòn văn minh hơn. Tui chỉ muốn nói là với thời gian cách biệt lâu như vậy thì Nam là Nam, Bắc là Bắc, đâu có giống nhau đâu!
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi"
Dạ, hổng dám cãi, Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một chắc chắn đúng rồi, nhưng trong nước Việt Nam ấy thì Nam là Nam, Bắc là Bắc, phải hông à?
Còn hỏi rằng tui thích Nam hay thích Bắc, thì tui là dân Nam bộ, câu trả lời dễ biết quá mà!
Phạm Hoài Nhân
chính xác, Nam là Nam, Bắc là Bắc trộn lại là tui hổng có chịu đâu àh nha, tui tơ gốc Bắc nhưng ghét Bắc tự dzì tui sinh ra dzà lớn trong Nam nên tui yêu Nam hơn.
Trả lờiXóadzậy nhe Bắc.
hihihi
Bắt tay Bố Susu cái! :-)
Xóa