7 thg 4, 2015

Đình Phong Phú

Thành phố Hồ Chí Minh có 2 ngôi Đình Phong Phú.

Đình Phong Phú nằm trên đường Phong Phú, thuộc quận 8.

Đình Phong Phú nằm trên đường Đình Phong Phú, thuộc quận 9.

Dễ lộn ghê chưa?

Thiệt ra tui biết những thông tin này trong một trường hợp rất tình cờ. Một hôm tui đang đi trên đường Dương Đình Hội ở quận 9, TPHCM thì trời đổ mưa. Tui dừng chân trú mưa ở một quán nước ven đường và phát hiện một điều: ở đoạn này đường Dương Đình Hội đổi thành đường Đình Phong Phú. Ngộ thiệt, tên đường không phải tên danh nhân mà là tên đình.

Đối diện quán nước là một ngôi đình lớn. Ngôi đình lớn ở đường Đình Phong Phú còn là đình gì nữa nếu không phải là... đình Phong Phú?

Bên ngoài Đình Phong Phú

Tò mò, khi ngớt mưa tui bước qua để chụp hình ngôi đình mặc dù chưa biết gì về nơi này hết!

Về nhà, search Google tui tim ra đình Phong Phú là một ngôi đình cổ nổi tiếng ở đường Phong Phú, quận 8, TPHCM. Ờ, đường Đình Phong Phú chắc họ viết gọn thành đường Phong Phú, nhưng sao lại ở quận 8 hè? Hóa ra không phải, Đình Phong Phú ở đường Đình Phong Phú quận 9 là ngôi đình cổ khác!

Cổng đình

Những thông tin về đình Phong Phú sau đây được lược trích từ website của UBND quận 9. Hình ảnh trong bài thì do tui chụp trong buổi trú mưa hôm ấy.

Đình Phong Phú tọa lạc trên khu đất rộng 4.2 ha thuộc ấp Phong Phú xã Tăng Nhơn Phú (nay là khu phố 3 phường Tăng Nhơn Phú B), được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX để thờ Thành Hoàng..

Khi mới xây dựng, đình còn lợp lá, vách ván. Năm 1937, đình được lợp lại ngói âm dương, xây tường gạch. Vào năm 1948, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình bị phá, đến năm 1952 thì được xây dựng lại trên nền đất cũ. Do bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ chiến tranh, năm 1969 đình được xây dựng lại lần thứ hai. Sau 1975, đình lại được trùng tu sửa chữa và được nhân dân, hội đình chăm sóc, bảo quản giữ gìn cho đến ngày nay.



Là một trong những ngôi đình lớn, nổi tiếng trên địa bàn thành phố, mỗi năm đình Phong Phú đón hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan cúng tế. Đặc biệt, vào dịp lễ kỳ yên là dịp lễ chính yếu trong năm của đình diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch hằng năm.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Phong Phú là một trong những cơ sở hoạt động quan trọng của quân cách mạng. Trong đình có một hầm bí mật, là nơi che giấu các cán bộ, chiến sĩ của ta tránh khỏi sự truy bắt, săn lùng của địch. Năm 1960, toàn bộ hội đình bị bắt vì bị tình nghi có tiếp tế và quan hệ với Cách mạng. Ở trong tù, mặc dù bị khảo tra, dọa nạt các cụ chức sắc hội đình vẫn cương quyết không khai. Khi ra tù, các cụ vẫn tiếp tục ủng hộ hết mình cho Cách mạng.

Dù ngày nay đã được trùng tu, sửa chữa tạo vẻ uy nghi và rực rỡ hơn xưa song các chi tiết và cách bài trí vẫn theo phong cách cổ. Sau 1975, bên cạnh chánh điện được xây dựng thêm một nhà truyền thống để trưng bài một số hình ảnh, tư liệu về quá trình tham gia cách mạng của hội đình và một số nhân vật địa phương có công với cách mạng. Ngày 7/1/1993 đình Phong Phú đã được Bộ VHTT chính thức công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia.



Mặt tiền đình Phong Phú

Chính điện

Võ ca

Một ngôi miếu trong đình

Cổng đình thấp thoáng bên cây xanh

Bạch mã trấn cổng đình

Nhận xét riêng của cá nhân tui: Khuôn viên đình rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh.  Đây không phải ngôi đình rất cổ, kiến trúc cũng không thật đặc sắc, nhưng cũng đáng để ai quan tâm đến đình làng Nam bộ vào tham quan, tìm hiểu. Và nhất là đến để biết có một ngôi đình mà tên đình được đặt làm tên đường!

Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. hay quá! Cảm ơn anh vì thông tin rất bổ ích <3

    Trả lờiXóa
  2. Ngày 16 âm lịch là nghỉ cúng rồi. Hôm nay 16/11 âm lịch nè, đóng cửa.

    Trả lờiXóa