4 thg 1, 2017

Qua đèo Khánh Vĩnh ngày mưa giông

1.
Trước kia, từ Nha Trang qua Đà Lạt phải đi hành trình Nha Trang - Phan Rang theo quốc lộ 1, rồi theo quốc lộ 27 qua đèo Ngoạn Mục để tới Đà Lạt, lộ trình dài khoảng 220 km.

Năm 2002, chính quyền 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng thống nhất mở tuyến đường mới nối liền thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Đà Lạt. Con đường được khởi công năm 2004 và hoàn tất tháng 4 năm 2007. Con đường này đi tắt, vượt qua những dãy núi cao, rút ngắn lộ trình chỉ còn 135 km. Vì đi qua núi nên cung đường qua một con đèo dài, rất dài, dài nhất Việt Nam: 33 km (con đèo dài thứ nhì Việt Nam là đèo Pha Đin, dài 32 km). Chẳng những dài, đèo này còn cao nữa. Ở phía Nha Trang, đèo bắt đầu ở độ cao 200 met tại Khánh Lê, và lên dần đến độ cao gần 1.700 met, sau đó xuống dần một chút về phía Lạc Dương (Lâm Đồng) tới độ cao 1.500 met là hết (Đà Lạt ở độ cao này).


Đèo Khánh Vĩnh. Ảnh Panoramio.com


Tên của con đường không thống nhất, ở phía Khánh Hòa gọi nó là tỉnh lộ 652 nối dài, ở phía Lâm Đồng gọi là tỉnh lộ 723 nối dài. Nghe đâu Cục Đường bộ đặt cho nó tên là quốc lộ 27C (phân biệt với quốc lộ 27 từ Phan Rang đi Đà Lạt, quốc lộ 27B từ Cam Ranh nối qua quốc lộ 27), nhưng trên Google Maps vẫn thấy ghi là tên tỉnh lộ 652 và 723.

Tên đèo lại càng... lung tung hơn nữa, vì nó quá dài, chạy qua nhiều vùng nên mang nhiều tên. Ở phía Khánh Hòa, nó chạy qua Khánh Lê nên gọi là đèo Khánh Lê, sau đó chạy tiếp qua Khánh Vĩnh nên gọi là đèo Khánh Vĩnh. Ở phía Nha Trang nó được gọi là đèo Hòn Giao theo tên dãy núi Hòn Giao nằm phía bắc con đèo (đỉnh Hòn Giao cao 2.062m nằm trên cao nguyên Lang Biang của Lâm Đồng), nó cũng được gọi là đèo Bidoup theo tên đỉnh núi Bidoup cao 2.287m của cao nguyên Lang Biang Lâm Đồng mà con đèo cắt qua gần đó. Dân phượt thì thấy nó uốn lượn như chữ Omega (
ω)nên gọi là đèo Omega!


2.
Đèo Khánh Lê - Khánh Vĩnh - Hòn Giao - Bidoup - Omega - à, mà thôi, ta chọn một tên là Khánh Vĩnh để đọc cho gọn đi nghen - là một con đèo dài, uốn lượn quanh co, hùng vĩ; ở độ cao trên 1.000 met ta đi vào trong cõi chập chùng mây trắng; là con đường nối biển và hoa; là bài thơ tuyệt mỹ hùng tráng của thiên nhiên; là nỗi xúc động khi vượt qua cheo leo hiểm trở.

Thuở ấy, khoảng năm 2000 đến 2005, do nhu cầu công việc tui vẫn thường đi lại Nha Trang - Đà Lạt, nhưng lúc ấy chưa có đèo Khánh Vĩnh nên tui thường qua Phan Rang rồi qua đèo Ngoạn Mục sang Đà Lạt. Bẵng đi hàng chục năm, chưa có dịp nào tui đi tuyến Nha Trang - Đà Lạt nên chưa hề có dịp chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, nên thơ của đèo Khánh Vĩnh. Nghĩ coi có tức hông?

3.
Tháng 12/2016, vợ chồng bạn Giang Huỳnh từ Mỹ về thăm Việt Nam. Tui đưa bạn đi du lịch theo lộ trình: Về thăm quê Long Khánh - Phan Thiết - Phan Rang - Nha Trang - Đà Lạt, trong đó chặng cuối sẽ là cung đường qua đèo Khánh Vĩnh để tới Đà Lạt rồi theo quốc lộ 20 về Sài Gòn. Trời quá "thương" tụi tui nên mưa như trút nước ngay từ ngày khởi hành, mưa không dứt. Thậm chí, khi tới Nha Trang còn bị lũ lụt, nhiều chỗ ngập nước không đi được.

Dự kiến trưa ngày 17/12 tụi tui từ Nha Trang đi Đà Lạt thì chiều ngày 16 tin tức trên mạng cho biết: sạt lở nghiêm trọng trên đèo Khánh Vĩnh, tắc nghẽn giao thông tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt.


Trời đất! Hổng lẽ quay về Phan Rang để qua đèo Ngoạn Mục đi Đà Lạt? Mà trời cứ mưa như vầy hoài hay là bỏ điểm Đà Lạt quay về SG quách cho yên? Phương án nào thì cũng không qua đèo Khánh Vĩnh. Còn nếu liều mạng đi đại thì tới chỗ sạt lở cũng phải quay lại, chưa kể.. nguy hiểm.

Tui trấn an mọi người: Ráng chờ tới trưa mai. Đường này quan trọng, chắc họ phải cố thông xe sớm.

Sáng ngày 17, không có tin tức gì mới về tình hình sạt lở trên đèo Khánh Vĩnh. Tui nghĩ ra một cách kiểm tra, và bấm số gọi xe khách Phương Trang Nha Trang: 
  • Alô, tui muốn mua vé đi Đà Lạt. Xe mình có chạy không ạ?
  • Dạ có ạ, anh đi chuyến mấy giờ?
  • Vậy hả, sau trưa có chuyến mấy giờ?
  • Có chuyến 3 giờ ạ.
  • Cảm ơn nghe, để tui bàn với mấy người bạn rồi quyết định mua vé sau nghen.
Vậy xe Phương Trang đi được. Mà nó đi được thì mình đi được. Bỗng sực nhớ ra một điều, tui gọi lại:
  • Alô, cho tui hỏi thêm một chút. Xe mình đi đường nào? Đi đường đèo Ngoạn Mục lâu lắm, tui hổng chịu đâu.
  • Dạ không ạ, vẫn đi đường đèo Khánh Vĩnh ạ.
Rồi, vậy là ok. Buổi trưa trả phòng khách sạn, ăn trưa và lên đường đi cung đường nối biển và hoa.

4.
Cung đường Nha Trang - Đà Lạt qua đèo Khánh Vĩnh quả là danh bất hư truyền. Lại thêm mưa gió ì ầm và nhiều chỗ sạt lở (đã được khắc phục) càng tạo thêm cảm giác mạnh. Đặc biệt nhất là ở vách núi trên đèo những dòng nước chảy ào ào thành thác. Ngày thường có lẽ cũng có những dòng suối nho nhỏ chảy ở vài nơi theo sườn núi, nhưng chắc chắn không nhiều và mạnh như vậy. Nước lũ làm cho dọc đường đèo có nhiều thác nước hơn bao giờ hết.

Thôi, không nói nhiều nữa, coi hình đi nha.


Một điểm dừng chân trên lưng đèo để chụp hình.


Nước lũ từ trên cao đổ xuống tạo thành nhiều thác dọc đường đèo


Con đường uốn cong, vách đá sừng sững, nước tuôn ào ạt, mây trắng chập chùng

Xe cơ giới vẫn đang phải san ủi những chỗ bị sạt lở, đất đá từ trên núi đổ xuống đường

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét