25 thg 1, 2017

Ví dầu cầu ván đóng đinh...

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Hai câu ca dao này hầu như người miền Nam nào cũng biết, cũng từng được nghe má hát ru từ nhỏ và nếu có hát khác đi thì chỉ vài chữ mà thôi. Thế nhưng hai câu sau thì lại... có chuyện để nói.




Phạm Tường Nhân qua cầu tre ở Bến Tre năm 2002

Từ hồi tui còn nhỏ xíu xìu xiu đã từng nghe má, bà ngoại hát:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi

Không chỉ tui, mà hỏi ra nhiều bạn bè khác cũng từng biết câu ca dao trên như vậy. Bên cạnh đó, nhiều người lại hát câu khác như sau:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học, mẹ thi trường đời

Câu này nghe có ý tứ hơn, có vần hơn (câu trên bị lạc vận từ câu 2 chuyển sang câu 3) nên được nhắc nhở nhiều hơn, nhất là được trích dẫn trên báo, trên mạng.

Tui cũng không để ý tới chuyện này lắm, cho rằng ca dao mà, có thể có nhiều dị bản khác nhau. Tóm lại là cả 2 bài đều là ca dao, chỉ là miền này miền nọ (ở Nam bộ) hát khác nhau thôi.

Vậy rồi hôm qua uống cà phê với anh Hà Duy Đức, ảnh ngọt ngào hát cải lương Tuyệt tình ca cho nghe, gợi nhớ lại một thời vở tuồng này đi vào lòng người từ giữa thập niên 1960. Tui mới nhớ lại hồi đó mình thường được nghe tuồng này trên radio với những nhân vật Ông cò quận 9 - Út Trà Ôn, Lê thị Trường An - Bạch Tuyết... 

Trong lúc ngẩn ngơ nhớ lại quá khứ như vậy tui bỗng phát hiện ra một điều: Lần đầu tiên tui nghe câu "Khó đi mẹ dắt con đi/Con thi trường học, mẹ thi trường đời" chính là nghe trong tuồng cải lương Tuyệt tình ca! Đó là lúc cậu Long Hồ (con của ông cò Hương và bà vợ nhỏ tên Lan) nói chuyện với mẹ nhắc lại thời niên thiếu, người mẹ dẫn đứa con trai nhỏ đi thi trong buổi sớm tinh sương trên con đường lộ đất, xa xa có tiếng người hát ru con bằng câu ca ấy. 

Hai câu "Khó đi mẹ dắt con đi/Con thi trường học, mẹ thi trường đời" quá hay, quá hợp với 2 câu đầu "Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi". Tuồng cải lương cũng quá hay, đi vào lòng người biết bao nhiêu năm nên người ta (trong đó có tui) nhập tâm, cho rằng nó là câu ca dao, mà không hề nhớ rằng nó là câu hò trong tuồng cải lương Tuyệt tình ca của soạn giả Hoa Phương - Ngọc Điệp..

Tui tin tới 90% rằng câu "Khó đi mẹ dắt con đi/Con thi trường học, mẹ thi trường đời" không phải ca dao từ thuở xa xưa, mà chỉ có từ khoảng 1965 qua tuồng cải lương của Hoa Phượng - Ngọc Điệp. 10% còn lại, có thể nó là ca dao từ thuở xa xưa thiệt, và Hoa Phượng - Ngọc Điệp chỉ vận dụng nó để đưa vào tuồng cải lương của mình thôi. Các anh chị, các bạn nào có ý kiến gì xin góp ý thêm cho nhé!


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. tui công nhận cái tên nó vận vào người bạn là Hoài Nhân nên hay nhắc chuyện làm người. Theo tui không cần lạm bàn về 2 câu cuối đó. Nó xứng đáng là ca dao, còn có từ thuở nào chứ chắc chắn không phải thuở này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, nhất trí với anh, những câu thơ đi vào lòng người qua thời gian, bất kể xuất xứ từ đâu đều xứng đáng là ca dao. Lại nhớ đến câu thơ của Bàng Bá Lân: "Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?", từ lâu rồi vẫn được mọi người xem như ca dao...

      Xóa