30 thg 6, 2017

Đi thăm làng cổ ở gần Sài Gòn

Nếu bạn thích ngắm nhìn, chụp ảnh những ngôi nhà cổ mà không có điều kiện đi xa, thì có một nơi chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 40 km thôi. Nơi đó, không chỉ có một mà rất nhiều nhà cổ, gọi là làng cổ luôn.

Nơi tui muốn nhắc tới là Làng cổ Phước Lộc Tho, ở Đức Hòa, Long An. Từ Sài Gòn, bạn đi theo đường Võ văn Kiệt về hướng Tân Tạo - Chợ Đệm rồi theo tỉnh lộ 10 tới ngã tư Đức Hòa, rẽ trái khoảng hơn 3 km là tới.


Cổng vào Làng cổ Phước Lộc Thọ 


26 thg 6, 2017

Thư viện Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa

Hồi xưa, tui mê chơi tem, và mê họa sĩ Vi Vi. Tem thư VNCH phát hành hồi xưa thường thông qua các cuộc thi vẽ tem, mà Vi Vi đoạt giải hơi bị nhiều (vì anh vẽ đẹp quá mà), với tên thật là Võ Hùng Kiệt. Bộ tem Thư viện Quốc gia phát hành ngày 10/04/1974 gồm 2 tem mệnh giá 10 đ và 15 đ, trong đó tem giá 15 đ là của Vi Vi - Võ Hùng Kiệt, đạt giải nhất.


Tui ngắm hình ảnh Thư viện Quốc gia lần đầu tiên qua con tem do Vi Vi vẽ và thích mê luôn. Vì kiến trúc tòa thư viện này quá đẹp, và vì tài vẽ của Vi Vi nữa (cứ so sánh 2 con tem, sẽ thấy trên tem của Võ Hùng Kiệt Thư viện Quốc gia đẹp hơn hẳn). 

Là trẻ con dân tỉnh lẻ Long Khánh, chẳng mấy khi được đi Sài Gòn, nhưng trước 1975 tui cũng có dịp được đi ngang qua đường Gia Long và được chỉ: Thư viện Quốc gia đó! và ngẩn ngơ nói: Đẹp thiệt!

24 thg 6, 2017

Bát Bửu Phật Đài - vì sao là Phật cô đơn?

Ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh có một nơi mà người dân gọi là chùa Phật Cô Đơn, nơi này nổi tiếng thiêng liêng nên rất nhiều người đến khấn cầu, nhất là cầu duyên. Dĩ nhiên, tên Phật cô đơn chỉ là tên gọi dân gian chớ không phải tên chính thức nhưng mà thông dụng hơn tên thiệt nhiều. Công nhận là dân gian vui tính thiệt, Phật mà kêu là... cô đơn, nghe nó... mùi mẫn làm sao á! 

Tên đúng của nơi này là Bát Bửu Phật Đài. Phật đài, chớ không phải chùa, vì đúng là nơi này không có ngôi chùa nào hết, dù rằng dân mình cứ quen miệng hễ thấy Phật là gọi chùa. Vậy tóm lại là trong tên chùa Phật cô đơn chỉ đúng có một chữ Phật thôi, chớ không phải chùa, không phải cô đơn.

Bát Bửu Phật đài năm 1990 - Ảnh: Võ văn Tường

23 thg 6, 2017

Về Bạc Liêu thăm cụ Sáu Lầu

Ông Cao văn Lầu (thường gọi là Sáu Lầu) sinh năm 1892 ở huyện Vàm Cỏ, Long An và mất năm 1976 tại TPHCM. Tuy nhiên năm lên 4 tuổi ông đã theo cha sống ở Bạc Liêu và gần như cả cuộc đời đã gắn bó với mảnh đất này. Hơn hết, tác phẩm Dạ cổ hoài lang bất hủ của ông đã ra đời tại đây. Vì vậy Bạc Liêu xem ông là người con yêu quý của quê hương.

Biểu tượng các loại nhạc cụ tại Khu Lưu niệm Nhạc sĩ Cao văn Lầu


Mộ ông Cao văn Lầu nằm tại phường 2, TP Bạc Liêu. Tại nơi đây, Bạc Liêu đã xây dựng thành Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đã được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1997. Năm 2014, sau khi UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng mở rộng khu lưu niệm này thì nơi đây đã được Bộ VHTT& DL công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

21 thg 6, 2017

Điện gió Bạc Liêu - đón gió từ biển khơi

Trên đường ra Trung, khi đi ngang Tuy Phong (Bình Thuận) chắc là bạn đã từng nhìn thấy xa xa những trụ quạt gió khổng lồ đang xoay giữa trời xanh. Đó là nhà máy điện gió quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, bên cạnh điện gió Tuy Phong đã có thêm vài dự án điện gió lớn khác ở miền Bình Thuận - Ninh Thuận, tận dụng lượng gió phong phú của khu vực này.

Ở phía Nam, tận Bạc Liêu, có một nhà máy điện gió khác vừa mới hoàn thành hồi tháng 1/2016: nhà máy điện gió Bạc Liêu, tại bãi bồi ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Dự án có quy mô công suất 99,2MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine là 1,6MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 320 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.200 tỉ đồng, diện tích đất xây dựng 500 ha.


20 thg 6, 2017

Mẹ Quan Âm - Bạc Liêu

Từ lâu lắm rồi, tôi vẫn nghe nhiều người đến Bạc Liêu để viếng Mẹ Quan Âm. Ở đó, nơi ven biển có tượng Phật Bà Quan Âm đứng nhìn ra biển, che chở ngư dân được bình an, qua khỏi những cơn sóng gió. Người dân ở đây gọi tượng đài bằng cái tên kính yêu và thân thiết: Mẹ Quan ÂmRồi người nối người, những khách phương xa, không phải ngư dân cũng đến đây khấn cầu sự bình an trong cuộc sống, trong tâm hồn. Mẹ Quan Âm hiền từ đứng uy nghiêm day mặt ra biển che chở chúng sinh.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm được xây dựng từ năm 1973 ở 
ấp Nhà Mát xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu), cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975. Tượng cao 11 mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông, sát mé biển và mặt xoay ra biển.Tượng đài tuy giản đơn, nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người.

Tôi vẫn mong một ngày đến ngắm nhìn cảnh quan thiêng liêng này. Mãi đến tháng 4/2017 mới có dịp...

Tượng Mẹ Quan Âm

16 thg 6, 2017

Nhà thờ Tắc Sậy - Cha Diệp

1.
Lần đầu tiên tôi nghe đến tên Cha Diệp là vào năm 2001. Khi ấy, trên đường trở về từ một chuyến công tác ở Cà Mau, các bạn nhân viên cùng đi với tôi - là người công giáo - xin được dừng xe ở Tắc Sậy để viếng Cha Diệp.

Đó là một ngôi nhà thờ nhỏ mang tên nhà thờ Tắc Sậy, trong khuôn viên nhà thờ có ngôi mộ khá đơn sơ của một vị là linh mục Trương Bửu Diệp. Các bạn tôi gọi đây là Nhà thờ Cha Diệp.

Lúc ấy tôi chưa biết Cha Trương Bửu Diệp là ai, nhưng nhìn dáng vẻ hết sức thành tâm và cung kính của các bạn ấy, cùng vô số bảng ghi ơn gắn đầy trong khuôn viên nhà thờ, tôi hiểu rằng đây là một vị linh mục được quý trọng và thiêng liêng đối với giáo dân.

Mộ của linh mục Trương Bửu Diệp tại Tắc Sậy, năm 2001.

15 thg 6, 2017

Hồ Nước Ngọt Sóc Trăng

Khoảng đầu những năm 1960, khi thành phố Sóc Trăng còn có tên là Khánh Hưng, thuộc tỉnh Ba Xuyên, tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ là ông Hoàng Mạnh Thường người gốc Huế. Vì nhớ quê nên ông cho xây dựng ở đây một cái hồ theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm trong Đại Nội, Huế. Hồ này có tên là Tịnh Tâm.

Hồ Tịnh Tâm (hồ nhỏ) 2015. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Đến năm 1982, do nhu cầu trữ nước, người dân Sóc Trăng đào một hồ nuóc ngọt lớn phía sau hồ Tịnh Tâm. Từ đó khu vực này có tên là hồ Nước Ngọt, bao gồm hồ nhỏ (hồ Tịnh Tâm) và hồ lớn.

Diện tích hồ rộng 20 ha. Xung quanh hồ trồng nhiều cây xanh, chủ yếu là cây sao lấy bóng mát và cau, phi lao, phượng vĩ để trang trí thêm. Nơi đây được coi là lá phổi chính của thành phố Sóc Trăng với mặt hồ rộng mênh mông và nhiều cây xanh, cây cảnh. Hầu hết các hoạt động văn hóa của tỉnh Sóc Trăng đều diễn ra tại đây.

14 thg 6, 2017

Rối như mớ bòng bong

Chắc mọi người thường xài cụm từ rối bòng bong, hoặc là rối như mớ bòng bong để diễn tả một sự rối rắm quá xá.

Nói, và hiểu rằng cái mớ bòng bong ấy là cái sự rắc rối lắm lắm, chớ ai mà hỏi bòng bong là cái gì mà rối dữ vậy thì... đúng là rối bòng bong!

Khi đi Xẻo Quít, Đồng Tháp tui thấy rất nhiều loại dây leo như hình dưới này, nó quấn chằng quấn chịt từ dưới gốc lên ngọn cây lớn. Hỏi dây gì vậy và được trả lời là dây bòng bong. 


Dy bng bong

13 thg 6, 2017

Chợ An Bình - Cần Thơ

Đi Chợ nổi Cái Răng thì tới chân cầu Cái Răng bạn rẽ phải qua tỉnh lộ 923 để tới bến tàu. Ngay đó, ở chỗ đậu xe và mua vé tàu đi chợ nổi, bạn sẽ thấy một ngôi chợ nho nhỏ: chợ An Bình. Anh Lâm văn Sơn, thổ địa và là chuyên gia du lịch ở Cần Thơ, dặn tui: nhớ dành chút thời giờ ghé thăm chợ An Bình, chợ nhỏ nhỏ mà dễ thương lắm.


Thú thiệt là tui hổng quen đi chợ, nhưng nghe lời ảnh tui cũng rảo rảo và chụp vài tấm hình đăng lên đây để mọi người ngắm coi... nó có dễ thương hông.

11 thg 6, 2017

Chùa một bên, và... chợ một bên

Chùa là nơi thanh tịnh, chợ là chốn ồn ào, hai đặc điểm này khiến cho việc chợ ở kế bên chùa thiệt là vô lý. Thế nhưng trên thực tế việc này vẫn thường xảy ra. Đó là trường hợp chùa (hoặc miếu) là điểm đến nổi tiếng về tâm linh hoặc danh lam thu hút khách thập phương, khi ấy người ta họp chợ kế bên chùa để bán đồ lưu niệm hoặc cây thuốc, vị thuốc. Chợ ở đường lên chùa Cổ Thạch là một ví dụ.

Một gian hàng bán sản vật rừng, đá (được cho là linh thiêng)... ở chợ cạnh chùa Cô Thạch

9 thg 6, 2017

Chuyện bánh cóng

Hổng phải tui cố ý, nhưng ngẫu nhiên mà mấy bài viết gần đây toàn nói về đồ ăn Nam bộ, và đều là phát âm không gõ gàng - ủa lộn, rõ ràng - về tên món ăn, thậm chí là sai chánh tả. Như là cá rô bí đọc thành cá gô bí (đọc r thành g), rồi tới món bún mà chả biết viết đúng là bún gỏi và - dà hay già (đọc lẫn lộn v - d - gi), và bánh tằm đọc thành bánh tầm (ă, â không phân biệt). Hic, giờ lại nói tới một món bánh mà thường được đọc lẫn lộn bánh cóng hoặc bánh cống (o, ô không phân biệt).

Bánh cóng (hoặc cống) là một món ăn khá quen thuộc ở miền Tây Nam bộ (Sài Gòn cũng có, bởi vì Sài Gòn thứ gì cũng có). Bánh được làm từ bột gạo, thịt heo, hành lá xắt nhỏ, đậu xanh luộc chín trộn đều với nước dừa, cho gia vị muối, đường, bột ngọt vào..., đổ bột và các gia vị trên vào một cái khuôn, để một hai con tép đất trên mặt rồi cho vô chảo dầu đang sôi ngập mặt bánh đến khi chín vàng thì vớt ra. Bánh ăn với rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.

Lần đầu tiên tui ăn bánh cóng là ở Long Xuyên, ăn ở nhà người bà con, và họ kêu nó là bánh cống. Bánh đây nè.



8 thg 6, 2017

Kính thưa các loại bánh tằm

Bánh tằm khoai mì

Nói thiệt nghen, từ nhỏ hễ nghe nói tới bánh tằm thì tui nghĩ ngay tới cái bánh này:



Món này rẻ tiền mà ăn ngon, nên hồi con nít mua ăn hoài. Sau này mới biết có món bánh tằm khác, thường kêu là bánh tằm bì - còn món này là bánh tằm khoai mì (vì làm bằng bột khoai mì) hay bánh tằm ngọt.

Nghe nói bánh tằm bì là món ăn miền Tây, chắc vậy nên hồi nhỏ tui ở Long Khánh không thấy bán. 

4 thg 6, 2017

Bún gỏi dà và già Sóc Trăng

Đi tới đâu thì phải ăn cho biết đặc sản nơi đó. Tới Sóc Trăng, ngoài những món nổi tiếng như bún nước lèo, bánh cóng Đại Tâm... thì có một thứ khiến tui đặc biệt quan tâm: Bún gỏi dà.

Quan tâm xem ăn ngon như thế nào là một chuyện, điều khiến tui tò mò nhứt chính là cái tên có phần... quái dị của nó.

Thứ nhứt, bún là bún, gỏi là gỏi. Nếu là gỏi cuốn, có bỏ sợi bún trong đó thì ok, vụ này biết. Nhưng nếu là tô bún mà bỏ cuốn gỏi vô, hay là bỏ gỏi (nộm) vô thì hơi kỳ à nha! Rốt cuộc, bún gỏi là sao?

Thứ hai, là sao? Người miền Nam đọc 3 chữ dà, già, và y chang nhau. Vậy nó là bún gỏi gì? Bún gỏi dà, bún gỏi già hay bún gỏi và? Và nếu là chữ nào trong 3 chữ đó thì tại sao lại có tên như vậy?

3 thg 6, 2017

Con cá gô nhảy gột gột

Tui khoái ăn cá rô đồng, kể cả cá gô lẫn cá dzô. À, nghĩa là món cá rô miền Tây Nam bộ hay miền Bắc ấy mà. Ngặt cái là cá rô có nhiều xương, nên tui thường ăn những món mà cái vụ xương ấy đã được xử lý rồi. Thí dụ như ăn cá gô thì chọn món cá gô chiên giòn (nhai xương luôn), còn ăn cá dzô thì chọn bún (hay bánh đa) cá dzô đồng (người ta gỡ xương rồi).

Bạn tui ở nước ngoài về thăm quê cũ ở miền Tây Nam bộ. Vậy là phải cho bạn thưởng thức món cá gô nhảy gột gột.

Cá rô có một loại nhỏ chút éo, người ta kêu là cá rô bí, chỉ lớn cỡ 2 đốt ngón tay thôi (hoặc nhỏ hơn). Thú thiệt là tui chỉ biết... ăn, chớ hổng biết đó là con cá rô còn nhỏ hay là giống cá rô này nhỏ. Sau này hỏi mới biết người ta còn kêu là cá rô non, tức là con cá rô còn nhỏ. 


Con cá bí ở trong gổ

2 thg 6, 2017

Giếng nước Mỹ Tho, có "miệng giếng" rộng 7 ha!

Hôm bữa tui có kể về cái giếng nước lớn nhứt Việt Nam (hổng chừng là cả thế giới luôn nữa), đó là giếng nước Mỹ Tho, kèm theo một số thắc mắc. Bữa nay, sau khi... lặn xuống giếng tìm hiểu một hồi tui viết thêm bài này để giới thiệu thêm một số thông tin mới biết được.

Tự điển tiếng Việt định nghĩa Giếng như sau: Hố đào thẳng đứng, sâu vào lòng đất, dùng để lấy nước. Mở rộng ra hơn nữa, ta có giếng dầu do các giàn khoan đào ngoài biển khơi. Dù là giếng nước hay giếng dầu đi nữa thì hình ảnh chung của cái giếng là độ sâu lớn hơn nhiều so với miệng giếng.

Thôi, không kể giếng dầu là thứ đặc biệt (và thường là rất lớn), ở đây ta chỉ xét giếng nước thôi. Có ai không biết cái giếng là gì hông? Ờ, thì giếng nước là vầy nè: