26 thg 10, 2017

Chùa Miểng Sành - quận 8

Ở Đà Lạt có chùa Ve Chai, ở Sóc Trăng có chùa Chén Kiểu, còn ở Sài Gòn thì có chùa Miểng Sành. Tất nhiên đó không phải là tên chính thức mà là dân gian tự đặt, dựa trên đặc điểm của những ngôi chùa này: kiến trúc trong chùa được tạo nên bằng cách ốp các miểng chai, sành, sứ... tạo nên nét mỹ thuật độc đáo.

Chùa Miểng Sành chính tên là An Phú, tọa lạc tại đường Phạm Hùng, phường 10, quận 8, gần cầu Nguyễn Tri Phương. Đây là một ngôi chùa cổ, theo tư liệu [1] chùa được tạo lập năm 1847, đến nay là 170 năm.

Một ngôi chùa cổ, mang cái tên mộc mạc là Miểng Sành, tọa lạc tại một quận vùng ven - với những ý niệm ấy, bạn sẽ hình dung ra trong đầu một ngôi chùa đơn sơ, thanh tịnh. Thế rồi khi đến nơi, bạn sẽ... bị choáng, bởi vì ngôi chùa quá bề thế. Bước vào trong, bạn sẽ... choáng thêm lần nữa, vì ngôi chùa quá lộng lẫy.


Cổng chùa

Gọi là cổ vì được tạo lập từ 1847, tuy nhiên kiến trúc như ngày nay được khởi tạo từ 1960. Hòa thượng trụ trì là Thích Từ Bạch đã tự tay thiết kế, xây dựng lại chùa. Chùa cũng bắt đầu được gắn miểng sành từ năm này. Đến năm 1993, kiến trúc chùa hoàn thành được 60% thì hòa thượng qua đời. Hòa thượng Thích Hiển Đức kế nghiệp trụ trì và tiếp tục công việc dang dở. Đến năm 1999 toàn bộ công trình cẩn chén sành cho ngôi chùa mới được hoàn thành. Bản vẽ kiến trúc có sự giúp đỡ của kiến trúc sư Nguyễn Văn Lụa và giáo sư Huỳnh Chánh Thiên, giảng viên khoa Xây dựng, trường ĐH Bách khoa TPHCM. (theo [2]). Như vậy kiến trúc như hiện nay mới hoàn thành có 18 năm, không cổ chút nào!

Mặt tiền chùa

Như tên gọi Miểng Sành, người ta dùng vô số mảnh vỡ của chén, đĩa, tô, độc bình và nhiều đồ gia dụng khác có màu xanh lam, vẽ sơn thủy, hoa lá hoặc màu hồng, vàng, đỏ, nâu, đen để ốp lên tất cả các công trình xây dựng ở chùa. Ngay cửa tam quan dẫn vào tiền điện cho tới chánh điện, thiền đường, trai đường, nhà trú, nhà khách, nơi nào cũng thấy bóng sáng, nước men của các mảnh sành, sứ được cắt và ốp khéo léo. Nghe nói rằng có tới 30 tấn sành sứ phế liệu các loại được gắn trên diện tích 3.886 .

Cận cảnh một mảng tường

Chùa tọa lạc trên diện tích khoảng 1.500 , khá rộng đối với một ngôi chùa ở thành phố. Chùa tận dụng gần hết không gian này cho các công trình xây dựng, kiến trúc, điêu khắc lại xây đến 3 tầng nên khiến khách viếng thăm hơi choáng ngợp. Tam quan chùa được xây dựng theo lối cổ lầu, sân trước có đài Di Lặc, đài Quan Âm, lầu Linh Sơn Thánh Mẫu, tháp Hòa thượng Thích Từ Bạch, cột phướn có hình chiếc thuyền rồng ghép sành, trên có tượng thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh và hai hòn giả sơn lớn có đặt thờ nhiều vị Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, Quan Thánh Đế Quân. Chánh điện hình chữ nhật tượng trưng núi Tu Di, tầng trên có bốn pho tượng đức Phật Thích Ca lớn đặt ở trung tâm quay về bốn mặt. Tầng dưới, đặt thờ bốn pho tượng đức Phật Thích Ca như tầng trên, hai bên có tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng, tiếp sau là sân lễ và tháp Dược Sư, sau cùng là bàn thờ Hòa thượng Thích Từ Bạch.




Trong chùa có 2 cặp đèn cầy lớn, một cặp cao 3,4 met, nặng 1.800 kg, cặp kia cao 3,83 met, nặng 2.100 kg, lớn nhất Việt Nam. Cặp đèn cầy này được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2006. Năm 2007, Trung tâm này xác lập kỷ lục Chùa An Phú là ngôi chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất Việt Nam.

Cặp đèn cầy kỷ lục Việt Nam


Thú thiệt tui khá dị ứng với những con số kỷ lục Việt Nam, nhất là lại kỷ lục của ngôi chùa, là nơi gác bỏ mọi tham - sân - si. Tui cũng thích những cảnh chùa thanh tịnh, đơn sơ hơn là bề thế, lộng lẫy. Vì vậy, tui không cảm thấy dễ chịu lắm khi viếng chùa An Phú. Tuy vậy, đó chỉ là cảm nhận cá nhân thôi. 

Ngôi chùa Miểng Sành - An Phú vẫn là một điểm đến hấp dẫn, cả về tâm linh lẫn mỹ thuật. Khách đến đây rất đông, cả tín đồ thành tâm cúng viếng lẫn khách tham quan. Đặc biệt, đây là nơi thường xuyên lui tới của giới nghệ sĩ cải lương.



À, cũng xin nói thêm một chút, là ở Sài Gòn có tới 2 chùa Miểng Sành. Ngoài chùa An Phú kể ở đây, còn một ngôi chùa nữa, đó là Miếu nổi Phù Châu nằm giữa dòng sông Vàm Thuật, thuộc phường 5, quận Gò Vấp. Tui chưa tới đây, để hôm nào viếng thăm rồi sẽ kể, héng?

Phạm Hoài Nhân
_____
[1] Hỏi đáp về SG-TPHCM - Phần Kiến trúc - Tín ngưỡng. Nhiều tác giả. NXB Trẻ 2007.
[2] Báo Giác Ngộ số 159, ngày 17/4/1999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét