Gia đình bên nội, bên ngoại của tui đều nghèo, rất nghèo. Có lẽ chính cái nghèo này dẫn đến trong họ hàng chẳng có ai thành đạt cao trong con đường học vấn. Ba má sinh ra tui, may thay, tui thông minh, học giỏi, rất giỏi nữa là khác. Tui cứ luôn luôn là học sinh giỏi nhất lớp, nhất trường và nhất tỉnh ở cái tỉnh lỵ Long Khánh quê mình. Ba má mừng lắm, hai người hết lòng chăm lo cho tui, mơ đến một ngày tui bước chân vào giảng đường đại học, làm vẻ vang cho dòng họ. Ở thời điểm đó, với ba tui (mới học xong Trung học đệ nhất cấp, tức lớp 9 bây giờ) và má tui (mới học xong Tiểu học, lớp 5 bây giờ) danh xưng kỹ sư Phú Thọ là một ánh hào quang rạng ngời vá quá xa vời mà thậm chí ông bà chưa dám mơ đứa con trai thương yêu của mình sẽ đạt tới.
Tháng 4/1975, biến cố xảy ra làm bao nhiêu của cải ba tui dành dụm lo cho tương lai tụi tui mất sạch, vị trí xã hội của gia đình tui cũng rơi vào hàng thấp nhất. Nghèo và tệ hại hơn thuở xa xưa nữa. Đã vậy, khẩu hiệu Lao động là Vinh quang ca ngợi lao động tay chân vang lên khắp nơi,cái sự "học giỏi", tức là một kiểu lao động trí óc như tui chẳng đáng để tự hào nữa!
May thay, dù nghèo dù khổ ba má vẫn lo cho tui được tiếp tục đi học. Và may thay, tui vẫn tiếp tục học giỏi. Năm 1977, tui tốt nghiệp PTTH với điểm số thủ khoa tỉnh Đồng Nai và chuẩn bị bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Hồi ấy chưa có ai hướng nghiệp, giúp chọn trường như bây giờ, ba má tui lại càng không biết để định hướng cho con. Tui thích (và giỏi) học toán, viết văn, tui cũng thích dạy học... nhưng nghe nói là học các ngành ấy ra không có tiền! Giấc mơ kỹ sư Phú Thọ của ba má tui ngày nào bừng dậy, và tui quyết định ngay không do dự: nộp đơn thi vào khoa Cơ khí Đại học Bách khoa TPHCM (tức là Trung tâm Kỹ thuật Quốc gia Phú Thọ ngày trước). Và tui thi đậu. Ba má tui vui mừng biết bao nhiêu!
Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp năm 1982
và phía ngoài căn phòng đó, tháng 10 năm 2017
Vì nhiều lý do, trong đó một lý do chính là điều kiện vật chất, tui rời trường Đại học Bách khoa chỉ sau chưa đầy một năm công tác, về lập nghiệp tại Biên Hòa, cũng trong ngành cơ khí ô tô...
Vài năm sau đó, công nghệ thông tin phát triển, tui bị cuốn hút vào đó - phải nói là si mê thì đúng hơn - và bỏ quên hẳn ngành cơ khí ô tô là thứ mà tui chưa từng tha thiết, dù được đào tạo chuyên ngành. Tui nghiên cứu, dạy học và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng sự nghiệp mới trong lĩnh vực này.
Rồi duyên số đưa đẩy, tui viết lách, viết báo và viết linh tinh đủ thứ. Như thỏa được niềm đam mê viết văn từ thuở nào, tui viết và viết...
Mấy mươi năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của tui có lúc thăng lúc trầm, duy có một điều: tất cả những thành công tui đạt được đều không hề gắn với ngành nghề cơ khí ô tô mà tui đã được đào tạo (và thậm chí: dạy) ở trường Đại học Bách khoa.
Kỹ sư Phú Thọ như một giấc mơ đã từng có lần hiện hữu trong đời.
Hôm nay trường Phú Thọ - Bách Khoa kỷ niệm 60 năm thành lập. 60 năm là một vòng hoa giáp của đời người. Tui cũng sắp bước vào tuổi 60. Tui trở về thăm lại chốn xưa.
Đây là nơi giấc mơ của ba má tui, của chính tui đã biến thành sự thật. Đây là nơi tui đã ấp ủ nhiều hoài bão cuộc đời.
Nhưng cho dù là đã trở thành hiện thực, tất cả cũng tan biến đi như một giấc mơ... Hành trang tui mang theo bên mình mấy mươi năm qua không là hành trang được trường Bách khoa cấp cho trong mấy năm học - có chăng là những ký ức mãi không phai nhòa.
Phạm Hoài Nhân
<3
Trả lờiXóaNể anh Hai quá xá!
Trả lờiXóa