Ôm ấp trong lòng thung lũng Sủng Là là một thôn nhỏ mang tên thôn Lũng Cảm. Trong thôn có ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, là ngôi nhà lớn và đẹp, dùng làm nơi thu mua và kho chứa thuốc phiện.
Từ thập niên 1960x người dân Sủng Là không trồng thuốc phiện nữa, chỉ trồng tam giác mạch, lúa, bắp... và đặc biệt là hoa hồng. Nhà ông Páo tất nhiên không chứa thuốc phiện nữa, nhưng lại trở nên nổi tiếng vì chuyện khác. Năm 2006, bộ phim Chuyện của Pao, chuyển thể từ tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy đã chọn ngôi nhà này và thôn Lũng Cảm làm bối cảnh quay phim. Chuyện của Pao do đạo diễn Ngô Quang Hải thực hiện, diễn viên chính Đổ Hải Yến (vai Pao), không chỉ nói về tình yêu mà còn mô tả sinh động đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông tại Hà Giang.
Hội đủ quá nhiều điều kiện, thôn Lũng Cảm (tên đúng và đầy đủ là Lũng Cảm Trên) được chọn xây dựng thành điểm du lịch.
Hai bên đường vào làng là những vạt hoa tam giác mạch. Khi tui đến là tháng Tư, không phải là mùa hoa nở rộ, nhưng nơi này vẫn có hoa để du khách chụp ảnh.
Dáng chụp ảnh này hơi bị tệ! Hi hi!
Bạn phải trả 10.000 đ/người để được chụp ảnh (chụp bao nhiêu kiểu tùy ý). Chuyện này hợp lý thôi vì đây là điểm tham quan du lịch mà, và nhớ là chớ dẫm lên hoa làm hư hại nhé. Mấy năm trước, dân phượt ào ạt lên đây chụp hình tự do không ai thu phí, chẳng những làm phiền người dân mà còn dẫm nát hoa của họ nữa.
Bạn cũng có thể chụp hình cùng các cô bé, cậu bé người Mông (mang giỏ hoa đi xa xa trong hình trên), và cho các cháu ít tiền làm quà. Về chuyện này tí nữa sẽ nói thêm sau.
Đây là lối vào nhà của Pao, nhìn hình này bạn sẽ hiểu thế nào là bờ rào đá.
Nhà ông Mua Súa Páo xây dựng năm 1946, không hẳn là ngôi nhà xưa, nhưng là ngôi nhà đẹp, lớn và tiêu biểu của người Mông. Đặc biệt là ai đã từng xem phim Chuyện của Pao sẽ thấy ngôi nhà này rất quen thuộc, bởi vì nó là bối cảnh chính của phim.
Ngôi nhà gồm 3 dãy xếp thành hình chữ U, quanh một sân lót đá. Đây là kiểu nhà trình tường tiêu biểu của người Mông Hà Giang (tường bằng đất nện - người Mông gọi là trình, kết cấu còn lại là gỗ, mái ngói).
Mái nhà, nhìn ra xa là chập chùng núi cao
Đây vẫn là ngôi nhà đang sinh hoạt bình thường, nhưng có bố trí khéo léo cho khách tham quan, như có các chú bé Mông đang ngồi chơi, có nơi bán đồ lưu niệm.
Cối xay. Bạn để ý vách tường bên cạnh là vách đất của nhà trình tường.
Múc nước trong lu cho chú rửa tay nhé!
Chú bé chơi khèn Mông
Các cháu bé được bố trí để khách du lịch chụp ảnh, sinh hoạt (chơi khèn, rửa tay) rất hiền, dễ thương. Các cháu không mè nheo, đòi tiền gây bực mình. Nhưng dường như các cháu chưa thích nghi được với vai trò của mình. Hãy nhìn gương mặt của các cháu. Nó đờ đẫn, vô hồn chứ không phải tươi vui, thân thiết.
Các cháu hoàn thành nhiệm vụ của mình (mang giỏ hoa và chụp hình với khách) và nhận tiền, nét mặt vẫn có vẻ gì đó xa cách.
Các cô các chú cho tiền này, nhận đi!
Bà cụ này cũng thế, nét mặt dàu dàu...
Có thể hiểu và thông cảm cho các cháu. Các cháu còn nhỏ quá và vốn là người dân tộc, chưa quen với nếp sống thị thành, nên những bài học về cách giao tiếp với khách du lịch các cháu chưa ứng dụng một cách nhuần nhuyễn được. Mà thà là như vậy còn hơn là tiếp thu tốt quá, trở thành... láu cá!
Đổ Hải Yến không phải người Mông nhưng đoạt giải Cánh diều vàng nữ diễn viên xuất sắc trong vai Pao, cô gái Mông. Còn các cháu bé người Mông... diễn vai chính mình thì lại chưa đạt. Biết sao được, nghề diễn cũng phải học công phu lắm chớ bộ!
Tui tới đây, thấy tình hình như vậy bổng nẩy ra một ý. Hay là mình thử một vai diễn xem sao, biết đâu mình... có khiếu? Đoạn clip sau là tui thử vai một chàng trai Mông đang thổi khèn để... tỏ tình!
Chẳng biết thằng bé Mông cảm thấy thế nào mà mặt mày nó cứ bí xị. Hừm, nếu không đóng được phim "Chuyện của Pao" thì chú đóng phim "Chuyện của tao" vậy, cháu ạ!
Phạm Hoài Nhân
Trước cổng nhà Pao , bên tay mặt trong bải cỏ anh có thấy gì không ? . Bí mật của nhà Pao mà chưa ai biết .
Trả lờiXóaĐang chờ nghe HAKONE kể đây... :-)
Xóa