9 thg 10, 2017

Cột cờ Lũng Cú và cực Bắc Việt Nam

Các tour du lịch thường đưa khách đến tham quan cột cờ Lũng Cú và giới thiệu rằng đây là cực Bắc Việt Nam. Thật ra, chỉ cần coi bản đồ Google cũng có thể thấy ngay đây chưa phải là cực Bắc, mà còn cách cái mũ nhọn trên đỉnh bản đồ... một lóng tay. Trên thực địa cái lóng tay ấy dài khoảng 2 km! Các phượt thủ xác định rằng điểm cực Bắc (đỉnh nhọn trên bản đồ) là nơi dòng sông Nho Quế từ Trung quốc chảy vào Việt Nam.



Dù vậy, cột cờ Lũng Cú là nơi xây dựng hoàn chỉnh nhất, là cột mốc lâu đời và dễ đến so với điểm cực Bắc thật sự theo tọa độ GPS nên vẫn là điểm đến đáng quan tâm của những người... không có điều kiện đến điểm cực Bắc thật sự.

Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn), có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông, độ cao 1.468,73 met.



Lũng Cú là gì?


Có nhiều cách giải thích tên gọi Lũng Cú.
  • “Lũng” trong tiếng H’Mông là ngô (bắp), Lũng Cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy vì nơi đây có những cánh đồng lớn đều trồng ngô. Cá nhân tui tin cách giải thích này nhất.
  • Lũng Cú là đọc trại từ Long Cư, tức nơi rồng cư ngụ. Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng). Tương truyền xưa kia, cư dân vùng này luôn thiếu nước sinh hoạt, điều đó đã làm cho rồng thiêng động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng, tạo thành hai hồ nước ngày nay.
  • Lũng Cú là đọc trại từ Long Cổ, tức trống của nhà vua. Lịch sử chép rằng sau khi đại phá quân Minh, vua Lê Thái Tổ đã cho treo cái trống thật to ở trên núi, dùng tiếng trống ấy truyền tin về sự an nguy của vùng biên ải (có sách ghi là ngay từ thời Lý, thái úy Lý Thường Kiệt đã cho dựng trống ở nơi đây, chớ không phải đến thời Lê).
Cột cờ Lũng Cú


Theo truyền thuyết, cột cờ bắt đầu được xây dựng từ thời Lý, làm từ cây sa mộc cao trên 10 mét. Đến thời Pháp thuộc, năm 1887 cột cờ được xây lại, rồi trải qua nhiều lần trùng tu với độ cao và kích thước khác nhau. Đến ngày 12/8/1978, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54 mét vuông (chiều dài 9m, chiều rộng 6m) tượng trưng cho 54 dân tộc ở Việt Nam đã chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Từ năm 2002 đến nay, cột cờ được trùng tu nhiều lần, Hiện nay, cột cờ có tổng chiều cao 33,15 mét, trong đó chân cột cao 20,25 mét, cán cờ cao 12,9 mét, đường kính ngoài chân cột rộng 3,8 mét. 

Lên đỉnh cột cờ

Có thể đi bằng xe hơi lên tới trạm dừng là đồn biên phòng ở lưng chừng núi, sau đó đi bộ lên đỉnh cột cờ. Các bậc thang bằng đá, dễ đi, chỉ phiền một nỗi là... nhiều quá đối với một người vừa già vừa bị bịnh tim như tui!

Có 389 bậc thang bằng đá để đi từ đồn biên phòng đến chân cột cờ, từ đó vào trong lòng cột cờ đi 140 bậc thang xoắn ốc nữa để tới đỉnh cột. Ấy là tui ghi số bậc thang theo như người ta nói, còn tui cũng vừa đi vừa đếm nhưng mệt quá nên một hồi là đếm lộn tùng phèo hết trơn!

Tui leo lên mệt quá, mặt mũi bơ phờ, chụp hình làm gì?

Tới trên rồi, quả là phơi phới!

Đàng xa kia là Trung quốc đó nha! (Tới nơi rồi nhưng mệt quá nên mặt vẫn còn... ngu!)

Cho dù không phải là điểm cực Bắc thật sự, nhưng từ trên đỉnh cao gần 1.500 met, dưới lá cờ Tổ quốc bay phần phật, nhìn ra xa là núi đồi trùng điệp, biên giới trong tầm mắt, thật là ấn tượng.


Từ trên cao nhìn xuống địa đầu phía Bắc thật là thích

Cho chụp hình chung một cái để xác nhận là tui đã tới đây nghen!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét