Trên biển hiệu của một Công ty xây dựng có ghi Doanh nghiệp Dinh Van Tu, là một người thuộc dòng họ Đinh. Ảnh: Đặng Thái
Người Việt đến đây chỉ cần chịu khó làm ăn thì cũng có của ăn của để. Mình giới thiệu là người Việt Nam thì dân đây không ai biết, nhưng hỏi có biết ông Đinh Văn Thân không thì ai cũng biết. Người hướng dẫn viên du lịch nói với mình rằng ông Đinh Văn Thân là doanh nhân đầu tiên ở Vanuatu và giàu nhất Vanuatu. Ông từng làm chủ tịch hội đồng quản trị hãng Air Vanuatu. Ở ngoài cảng có tàu hàng Dinh I, Dinh II, nghe đâu do Vinashin đóng. Nếu ông Thân không rút lui khỏi chính trị thì có lẽ ông đã là Thủ tướng gốc Việt đầu tiên ở nước ngoài. Em ông là Dominique Đinh cũng làm chính trị, rất nổi tiếng. Con cháu đều làm ăn phát đạt trong nghề xây dựng và bất động sản. Bố mẹ ông Đinh Văn Thân đều là người Việt, bố ông sang đây làm “chân đăng”.
Chân đăng
Đầu thế kỉ 20, nhiều người nông dân ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ đông dân, hay bão lũ quyết tâm xa quê một thời gian, đi lao động để thoát khỏi đói nghèo. Xem đoạn phỏng vấn một cụ bà đã gần trăm tuổi thì cụ kể: “Tôi đi lễ nhà thờ về, người ta rủ: “Cô Sen, cô có đi mộ phu không?”. Đi Nam Kỳ hoặc đi Tân Thế (Giới). Nghe đâu đi Nam Kỳ thì bọn chủ cao su nó nóng nảy, thế là đi Tân Thế. Bà mẹ tôi thương, bảo 5 năm chỉ như giấc ngủ ngày ấy mà. Chứ lúc ấy tôi 17 tuổi, biết gì đâu.”
Người lao động Việt Nam tại Tân Đảo, phụ nữ chít khăn mỏ quạ, đàn ông cầm gậy dài để hái dừa.
Cứ năm đàn ông thì mới có một phụ nữ. Hầu hết là đi để đổi đời, nhưng cũng nhiều người con gái, trốn nhà đi để khỏi phải lấy chồng. Họ gọi nhau là những người “chân đăng”. Đến nay nguồn gốc của từ “chân đăng” này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng theo một số người mà mình tiếp xúc thì họ cho rằng các cụ ngày xưa hay nói: “Đăng ký cho tôi một chân đi Tân Đảo/Tân Thế (Giới)” nên từ đó mà ra. Cuộc sống của người làm phu vất vả khổ cực, làm việc nặng nhọc mà vẫn bị đánh đập dã man, đàn bà thì bị hiếp, nhiều người chịu không nổi phải tự chặt một ngón tay để xin về, rồi dần dần chặt tay cũng không được về nữa. Lương thì được 80 quan (franc) một năm, họ bị coi như những “nô lệ da vàng”. Tuy nhiên khi ở nhà thì không ai biết những điều kiện lao động ấy. Sang đến nơi rồi không còn đường lui, mọi người chỉ còn biết bảo nhau cố làm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ được tự do. Nhưng nhiều người trong số họ đã chết trước khi có cơ hội trở về quê hương.
Việt kiều Tân Đảo
Đến năm 1940, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra thì việc đi lại giữa Tân Đảo và Việt Nam bị cắt đứt. Cộng đồng người Việt chủ yếu là người Bắc, nghe thông tin qua đài thì ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cụ Hồ. Mọi người ăn mừng khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và phải mất mấy năm liền đấu tranh đến ngày 30. 6. 1946 mới dám liều lĩnh kéo lá cờ đỏ sao vàng lên ngang hàng với cờ Pháp. Các hội người Việt treo ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hội quán, gửi về nước hàng triệu quan để đóng góp cho kháng chiến.
Ngày 30. 6. 1946 Cũng hát Quốc ca kéo Cờ đỏ Sao vàng lần đầu tiên tại Port Vila Tân đảo. Nguồn từ trang này
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người Pháp thù hận người Việt ở Tân Đảo và công khai chửi bới, dùng bạo lực, phá hoại tài sản của người Việt. Các tổ chức của người Việt bèn nhân cớ này đấu tranh đòi quyền được hồi hương. Cả hai chính quyền miền Bắc-miền Nam trong nước đều cử đại điện sang kêu gọi bà con về. Kết quả là 90% về miền Bắc, 10% ở lại vì có nhiều con cái, tài sản, không ai về miền Nam.
Phái viên Vũ Hoàng của VNDCCH (áo com-lê sẫm màu, đứng giữa) cùng bà con Việt kiều Tân thế giới hồi hương.
Cuối cùng thì vào ngày 30. 12. 1960 con tàu Eastern Queen (Nữ hoàng phương Đông) đã đưa 551 người rời Tân Đảo để cập bến Hải Phòng ngày 12. 1. 1961. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón kiều bào ở cảng. Trước đó vào năm 1959, Chính phủ đã ký hẳn một Nghị quyết không số Về việc đón tiếp kiều bào ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới về nước, đây cũng là tiền đề cho sự thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sau này.
Nếu ai đã từng đi tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hẳn sẽ từng nhìn thấy đội xe con phục vụ Cụ Hồ được triển lãm trong phòng kính. Trong đó có một chiếc Peugeot 404, loại xe đời mới nhất của Pháp lúc bấy giờ, mới bắt đầu sản xuất từ năm 1960. Đây là món quà của bà con Tân Đảo góp tiền mua tặng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, một Việt kiều đã lái thẳng xe từ Hải Phòng lên Hà Nội giao tận tay cho Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Chiếc xe Peugeot 404 (Pơ-giô 404) mang biển HNC 232 được mệnh danh là chiếc xe vạn dặm, không phải vì số ki-lô-mét đi được mà vì kiều bào mang về từ Tân Đảo xa xôi. Cụ Hồ cho là xe quá xịn, đến tận cuối đời khi tuổi cao sức yếu mới quyết định dùng.
Trong hai năm 1963, 1964 có thêm 11 chuyến tàu nữa đưa hàng nghìn người từ hai quần đảo xa xôi về nước, rồi họ lại tản ra theo phân công của các đơn vị, nhiều người đi mãi Tuyên Quang, Lào Cai có người đi vùng mỏ Quảng Ninh, người thì ở lại ngay Hải Phòng. Thế hệ thứ hai sinh ra ở Tân Đảo, nói tiếng Việt sõi như bất kì người Việt nào trong nước, nhưng giờ mới lần đầu tiên được đặt chân lên đất mẹ.
Đến hết bao cấp thì thế hệ Việt kiều Tân Đảo thứ hai lại kéo nhau quay lại Tân Đảo và Tân Thế Giới vì trong nước đói kém. Sau năm 1980, Vanuatu bất ổn chính trị cũng khiến nhiều người rời sang Tân Thế Giới, lấy hộ chiếu Pháp và giờ cộng đồng người Việt ở đấy cũng đông hơn nhiều.
Khu mộ người Việt trong nghĩa trang thành phố. Ảnh: Đặng Thái
Mình tìm đến nghĩa trang thành phố. Trong cả một vùng cỏ xanh mướt rộng lớn có một khu vực được quây lại riêng biệt bằng hàng rào ống kẽm, sạch sẽ ngăn nắp, thấp thoáng những mái ngói lăng mộ như ở Việt Nam. Mình cực kỳ xúc động khi đọc thấy những tên người Việt Nam trên những bia mộ. Năm sinh của nhiều người từ mãi cuối thế kỷ 19, đến nay đã hơn một trăm hai mươi năm. Có bia mộ của những người phu dũng cảm, đứng lên chống lại bọn chủ hà khắc và bị chính quyền thực dân chém đầu. Nhưng ấn tượng nhất với phải là hai câu đối chữ Hán viết trên hai cây cột xây theo lối ở cổng đình làng Bắc Bộ:
“Thán dã đồng bào hồng Bắc khứ
Ta hồ ngã chủng cách nam quy”
Nghĩa là:
“Than ôi, đồng bào ta đã theo chim Hồng đi về phương Bắc
Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này phải quay về với trời Nam”
Ta hồ ngã chủng cách nam quy”
Nghĩa là:
“Than ôi, đồng bào ta đã theo chim Hồng đi về phương Bắc
Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này phải quay về với trời Nam”
Đặng Thái
Soi.today - 16/10/2016
Trong quá trình tìm hiểu về nước Cộng hòa Vanuatu để tiêu phí thời giờ trong những ngày cách ly xã hội, tui tình cờ đọc được loạt bài thú vị của Đặng Thái trên trang Soi.today. Xin mạn phép anh đăng lại tại đây để giới thiệu với các bạn. Bạn nào cần đọc trang gốc xin click vào link ở cuối mỗi bài.
Bố cục loạt bài gốc gồm 9 bài như sau:
- Từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá
- Run rẩy đi rình núi lửa phun
- Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo
- Từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo
- Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh
- Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng
- Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic
- Bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu
- Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét