Người lao động Việt Nam tại Tân Đảo, đàn ông cầm gậy dài để hái dừa. Nguồn từ trang này
Cặp vợ chồng người Pháp đã kể ở cuối bài trước không phải đến từ Pháp mà sinh ra và lớn lên ở một lãnh thổ hải ngoại của Cộng hòa Pháp tên là New Caledonia. Trước khi độc lập vào năm 1980, Vanuatu có tên tiếng Anh là New Hebrides (tiếng Pháp: Nouvelles-Hébrides). Cùng với New Caledonia (tiếng Pháp: Nouvelles-Calédonie), đây là hai quần đảo thuộc địa của thực dân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, cách bờ Đông Australia khoảng 1500 cây số. Những người Việt Nam (trong văn bản của Pháp ghi Annamite) đầu tiên được ghi nhận đặt chân đến đây lại là phạm nhân và tù chính trị vào khoảng năm 1911.
Cộng đồng công giáo Việt Nam tại Port Vila, New Hebrides. Nguồn từ trang này
Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên chính thức đến New Hebrides theo diện mộ phu (tức là người phu được tuyển mộ). Những người này đi xuất khẩu lao động có hợp đồng 5 năm ký với các công ty tuyển dụng của Pháp để vào làm trong các đồn điền. Cùng khoảng thời gian đó cũng có một số lượng lớn người lao động chọn đi làm công nhân mỏ kền (tức niken) ở New Caledonia. Những người nông dân Việt Nam gọi New Hebrides là Tân Đảo, còn New Caledonia là Tân Thế Giới (từ đây sẽ gọi bằng tên Việt cho dễ đọc).
Những đồn điền dừa mênh mông được trồng bởi bàn tay người Việt Nam. Ảnh: Đặng Thái
Cho đến cách đây một vài năm mình mới biết đến sự tồn tại của hai cộng đồng người Việt ở Tân Đảo và Tân Thế Giới với một lịch sử lâu đời và rất thú vị. Năm 2007, hãng phim tài liệu TFS của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã quay một bộ phim tài liệu rất công phu tên là “Ký sự Tân Đảo”, có chiếu trên sóng truyền hình và phát hành cả đĩa DVD nhưng mình đi tìm mua thì không nơi nào còn bán. Gần đây, một đài hải ngoại và VTV cũng đã có mấy tập phim, nhưng chủ yếu là quay ở Tân Thế Giới, cơ sở hạ tầng rất tốt như ở Pháp, còn bên Tân Đảo thì không có. Đoàn của VTV và mình giống nhau ở chỗ cùng tham khảo một tư liệu là cuốn sách Bí ẩn Đặng (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2010) nói về ông Đặng Văn Nha, một tỉ phú đô la gốc Việt ở New Caledonia. Tiếc rằng dịch giả của cuốn này gọi sai ngay cái tên quan trọng nhất, New Caledonia thì dịch là Tân Đảo (lẽ ra là Tân Thế Giới) còn Vanuatu mới là Tân Đảo. Chuyến đi này ta sẽ cùng tìm hiểu về Việt kiều Tân Đảo.
Những cuộc gặp đầu tiên
Người Việt đầu tiên mình gặp không phải ở Vanuatu, mà ở bên Brisbane. Trong số khách ngồi chờ lên máy bay chỉ có mấy người tóc đen, và dễ dàng nhận ra một bác gái có những nét Việt Nam khác hẳn hai cô gốc Hoa ngồi gần đấy. Mình còn đang băn khoăn không biết có đúng người Việt không thì bác nói trong điện thoại để khẳng định luôn: “Con thổi cơm đi, tối mẹ về ăn cơm, mẹ đang trên đường sắp về đến nơi rồi”. Mình suýt nữa phì cười vì giọng Bắc, gọi là “thổi cơm” và đi máy bay quốc tế mà cảm thấy giống như đi xe khách vậy.
Sân bay quốc tế Bauerfield ở Port Vila. Ảnh: Wikimedia/PetterLundkvist.
Đến sân bay Port Vila, như thường lệ, khi đưa cuốn hộ chiếu màu xanh “ngọc bích” của mình qua khe kính của quầy xuất nhập cảnh là người ngồi bên kia sẽ bị vài giây chững lại. Anh nhân viên xuất nhập cảnh không biết xử lý ra sao phải xin lỗi mình để chạy đi tìm ông sếp. Ông sếp vào phòng lục lọi một lúc lâu mới tìm được một con dấu bụi mù, to tướng, bằng nửa trang hộ chiếu để đóng. Chuyện là Vanuatu miễn thị thực cho hầu hết các nước, và mọi khi nước nào không miễn cho Việt Nam thì cũng thường không miễn cho người anh em chí cốt Trung Quốc, nên hộ chiếu xanh ngọc bích và hộ chiếu đỏ tiết canh là đôi bạn thân. Thế mà lần này Trung Quốc lại được miễn, nên cái con dấu đặc biệt kia quanh năm chẳng bao giờ được dùng là phải. Cả anh đóng dấu lúc đi và lúc về đều khẳng định đời các anh chưa thấy cái hộ chiếu Việt Nam bao giờ. Vậy là cộng đồng Việt Nam ở đây ít hơn mình tưởng, hoặc là đã mang hộ chiếu khác, còn các bác đi công tác có lẽ không đến lượt các anh đóng dấu.
Mình xong thì đã là người cuối cùng và cũng là chuyến bay cuối cùng trong ngày lúc 10 giờ tối. Hai anh xuất nhập cảnh tắt điện đi về, mấy anh soi chiếu an ninh không đợi được, tắt máy về trước, còn mỗi bà chị kiểm dịch hỏi mình có mang thức ăn gì không, mình thật thà khai có hai quả bơ thế là bị bảo tự ra đằng kia vứt vào sọt rác (phải đứa nào gian chắc chỉ vứt giả vờ cũng xong). Ra đến sảnh thì nhân viên cả sân bay còn phục vụ mỗi mình. Đổi tiền xong thì anh bên trong cũng tắt điện, ra đến ngoài taxi thì cả sân bay tắt điện luôn!
Hôm sau đi ăn sáng, vào quán đồ ăn nhanh, mình đang định gọi cái đùi gà với ít khoai tây thì giật mình vì trên thực đơn có ghi món “nem”. Nem nhé, chứ không phải chả giò. Cái món nem ở đây, dù đầu bếp là Tây hay Ta thì cũng cuốn trong bánh đa nem (bánh tráng) chứ không có kiểu gói vỏ bột mì như spring roll – chả giò ở bên Úc. Lại nhớ chuyện một anh Tây học tiếng Việt ngoài Hà Nội, ngồi ăn ở chợ bến Thành kêu một đĩa nem, người bán dọn ra đĩa nem chua. Ăn vào phải nhè vội, thế là anh học được thêm từ mới “chả giò”. Hôm về Hà Nội ăn bánh cuốn, anh tự tin gọi hai suất chả giò, chị bán hàng đon đả bưng ra: một đĩa chả, một đĩa giò.
Từ “nem” đã đi vào ngôn ngữ địa phương để gọi món ăn Việt Nam truyền thống này. Ảnh: Đặng Thái
Trên con phố chính nhộn nhịp của thủ đô, mình nhanh chóng tìm được quán ăn Việt Nam duy nhất với những người phục vụ bàn là người bản xứ da sẫm màu. Mình nhận ra ngay khuôn mặt Việt Nam của anh chủ quán. Vậy mà anh đã là thế hệ thứ tư sinh ra ở Vanuatu, nhưng kinh ngạc hơn cả là tiếng Việt của anh vẫn cực kỳ lưu loát như người trong nước mà tiếng Pháp thì nghe qua không thể biết là người Việt. Tiếng Việt được coi như thứ di sản văn hóa quý giá nhất, nên các gia đình nào ở đây mà có hai vợ chồng đều là người Việt thì họ luôn cố gắng để con cái nói tiếng Việt tốt nhất có thể.
Phở dọn ra chỉ có tương ớt chứ không có tương đen. Trong thực đơn có ba món nem là “nem tôm”, “nem cá” và “nem lợn”(!?). Mình ăn hết bay một đĩa nem, một bát phở, một bán bún. Ở nhà mà ăn thế thì ông cụ sẽ chửi là “tục”. Nhưng nước dùng phở, mà nhất là bát bún sao mà ngon quá, tưởng như lâu lắm rồi không được nếm thứ gì tương tự. Có đi khắp Úc Đại Lợi, Huê Kỳ hay Gia Nã Đại cũng không tìm được một hàng nào bán thứ nước dùng chua dịu ấy. Ăn hai miếng, chẳng hiểu sao lại cảm thấy mình đang ngồi ăn dưới trưa nắng, ở vỉa hè, của một gánh hàng rong trên một con phố rợp bóng cây tên là Hoàng Tích Trí. Lắm khi ăn một bát bún chạy ba quãng đồng cũng bõ.
Đĩa nem ở Port Vila. Ảnh: Đặng Thái
Đặng Thái
Soi.today - 15/10/2016
Trong quá trình tìm hiểu về nước Cộng hòa Vanuatu để tiêu phí thời giờ trong những ngày cách ly xã hội, tui tình cờ đọc được loạt bài thú vị của Đặng Thái trên trang Soi.today. Xin mạn phép anh đăng lại tại đây để giới thiệu với các bạn. Bạn nào cần đọc trang gốc xin click vào link ở cuối mỗi bài.
Bố cục loạt bài gốc gồm 9 bài như sau:
- Từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá
- Run rẩy đi rình núi lửa phun
- Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo
- Từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo
- Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh
- Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng
- Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic
- Bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu
- Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét