11 thg 4, 2020

Vanuatu (6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

Phụ nữ và trẻ em tắm giặt bên bờ sông. Nước trong vắt thấy cả cá bơi và đáy sông. Ảnh: Đặng Thái.

Không làm mà phải chịu

Việc môi trường sinh thái đang thay đổi theo chiều hướng xấu chính là vấn đề lớn nhất với Vanuatu. Biến đổi khí hậu đang hiện diện ở đây như một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được, trong khi cơ sở hạ tầng và năng lực kinh tế của một đảo quốc nhỏ bé khó mà chống chọi nổi. Nhưng khổ nỗi người dân nơi đây không hề tàn phá môi trường mà lại phải gánh chịu hậu quả từ phần còn lại của thế giới đang ngày ngày làm ô nhiễm Trái đất. Người dân Vanuatu sinh sống vô cùng thân thiện với môi trường, theo cách nói của phương Tây, bởi thực chất họ vẫn sinh hoạt đơn giản theo cách mà ông cha họ nghìn đời vẫn sống. Đám trẻ con thì cứ tủm tỉm cười, liếc mắt nhìn trộm, e dè đứng nép cả vào nhau dưới gốc đa hết sức dễ thương, có lẽ vì ít khi thấy một người ngoại quốc đến từ châu Á.



Trẻ con ở Espiritu Santo (Vanuatu). Hình từ trang này

Một thông tin khá thú vị là nước đang giúp đỡ các quốc đảo Nam Thái Bình Dương chống biến đổi khí hậu một cách tích cực và hiệu quả lại là Cuba. Các nước lớn như Trung Quốc đến đây vẫn chỉ vơ vét là chính, còn Cuba cấp học bổng ngành y cho sinh viên và gửi bác sĩ sang. Ví dụ như ở Kiribati là một nước nhỏ láng giềng, 16 bác sĩ Cuba đã giúp giảm thiểu đến 80% tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Điều kiện y tế ở đây gần như không có gì, đỡ đẻ đều tại chỗ, trừ khi có bệnh nặng lắm mới bắt xe vào thành phố, vì căn bản là không có xe, như mình đi cả ngày may ra mới gặp một hai xe đi ngược chiều.

Huy hiệu hình cờ Cuba và cờ Vanuatu bắt chéo

Ngay trên đảo chính Efate mà nhiều nơi vẫn chưa có điện và nước máy. Người làng vẫn tắm gội, giặt giũ và lấy nước sinh hoạt từ những con sông nhỏ. Nguồn nước tự nhiên sạch vô cùng, không nhà máy, không chất thải nên có thể múc lên là uống được. Mấy năm gần đây nước sông suối đang ngày càng ít đi, nhiều suối nhỏ đã cạn. Lí do là vì El Niño, John cũng không hiểu El Niño là gì nhưng đọc báo thì thấy viết thế. Thác nước Mele vốn là cảnh quan nổi tiếng nhất vùng này, khi trước người ta còn tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm bám dây leo ngược lên thác nhưng giờ thì đã tạm dừng vì thác không còn nhiều nước. Mình ỉu xìu bỏ qua điểm tham quan này vì đứng từ trên cao nhìn xuống, thác nước chỉ còn những dòng nước yếu ớt, không phải những dòng chảy trắng xóa quanh năm như trong ảnh quảng cáo.

Thác Mele trong ảnh quảng cáo. Hình từ trang này

Trong khi El Niño gây thiếu nước thì những cơn bão biển lại xuất hiện với tần suất cao hơn và cường độ mạnh hơn. Bão Pam năm 2015 đã tàn phá nặng nề, thiệt hại ước tính hơn 250 triệu đô với một quốc gia mà GDP chỉ khoảng 750 triệu đô. Tổng thống Baldwin Lonsdale đang dự Hội nghị Thế giới lần thứ ba về Giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Nhật Bản vào tháng 3. 2015 thì ở nhà bão Pam tiến vào tàn phá, ông kêu gọi thế giới giúp đỡ Vanuatu trong giọng nói nghẹn ngào và dường như chỉ chút nữa thì bật khóc. Mình đến Vanuatu sau một năm nhưng vẫn thấy rõ hậu quả của nó để lại. Những gốc cây năm bảy người ộm bật cả rễ lên nằm ven đường, bờ biển sạt lở những mảng sâu hoắm.

Bãi biển với hai màu nước rất đẹp. Nước biển dâng đang là một nguy cơ trông thấy. Bão Pam đã quật vỡ cả bờ đá phía trước. Ảnh: Đặng Thái.

Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào


Xe dừng lại bên một vách đá, có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một vịnh nhỏ. Phía sát biển là một dãy nhà lớn lợp tôn đã han rỉ, xác xơ. Đó là nhà máy tuyển quặng mangan cũ của người Pháp bỏ lại sau khi Vanuatu giành độc lập vào năm 1980. Từ bấy đến nay chính quyền đành bỏ mặc đống di sản ấy mà không vận hành được. Tôi muốn lại gần xem thì John nói không vào được vì chủ đất đã khóa cổng, chặn đường lại rồi.

“Ai là chủ cơ?” Tôi hỏi. “Người Pháp, họ chạy lấy người nhưng không bỏ của, những đồn điền bát ngát trên đảo này vẫn còn rất nhiều thuộc sở hữu của người Pháp, dân Đen chỉ làm thuê cho họ thôi.”

Trong thời gian Chế độ Cộng quản tồn tại (1906-1980) đã có một sự kiện “long trời lở đất” ảnh hưởng đến Vanuatu. Chiến tranh Thế giới thứ hai đã mang đồng minh “vĩ đại” của cả Anh và Pháp là Hoa Kỳ đến đây, lựa chọn New Hebrides làm căn cứ chính để xây dựng tuyến phòng thủ chống phát xít Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương vì lo sợ bị cắt đứt con đường đến Úc. Người Mỹ đã tiêu cả núi tiền vào New Hebrides để làm quân cảng, xây sân bay, đường sá và chuẩn bị vô số súng ống, xe tăng, xe bọc thép, đại pháo sẵn sàng trên các đảo. Con đường quốc lộ và sân bay quốc tế ngày nay đều do người Mỹ xây dựng 70 năm về trước.

Một số địa danh còn lưu lại những cái tên thú vị. Ảnh: Đặng Thái

300,000 lính Mỹ ngày ấy đổ bộ vào New Hebrides mang theo lượng hàng hóa khổng lồ. Những người thổ dân tưởng họ là thiên binh thiên tướng nhà trời cưỡi hàng đàn chim sắt, mang theo những thức ăn ngon lạ thường (đồ hộp) và những vật dụng lạ kì. Thậm chí thổ dân còn tôn thờ một vị thánh tưởng tượng là John Frum, tương truyền là John From (America) và những hàng hóa, quân lương của người Mỹ. Người thổ dân tin rằng thánh John Frum này chính là đấng cứu thế vì ông ấy… da đen giống họ. Lần đầu tiên người nước ngoài đến đây mà da lại không trắng, chính là mấy anh lính Mỹ da đen. Ngày nay John Frum không chỉ là một tôn giáo mà còn là một Đảng chính trị.

Thờ thánh John Frum với một cái máy bay bằng cỏ. HÌnh từ trang này

Vậy nhưng người Nhật đã thua trước cả khi vươn được tới nơi này. Chiến tranh kết thúc, người Mỹ thậm chí không đủ tiền để chuyên chở số lượng khổng lồ thiết bị và vũ khí hạng nặng về nước, gạ Anh và Pháp mua lại không được, đại gia tư bản đành đem đổ bỏ tất cả xuống biển. Ngày nay khắp nơi vẫn còn những tàn tích với dấu ấn của người Mỹ, ngay cả những chai Coca Cola mà lính Mỹ vứt lại cũng được người địa phương thu gom làm thành khu trưng bày. Một điểm lặn biển du lịch ở đảo Santo còn được gọi là bãi Triệu đô (Million dollar point) vì dưới đáy biển là triệu triệu đô la khí tài quân sự của Mỹ đã han rỉ, bám đầy rong rêu và san hô.

Một xe tăng han rỉ trên bãi triều ngập mặn. Ảnh: Đặng Thái.

Chuyến hành trình kết thúc ở nhà nghỉ của mình bên bờ Vịnh. Con đường bao biển lẽ ra rất thơ mộng nhưng giờ ngổn ngang sắt thép và bê tông. Người Trung Quốc đang thi công, con đường mới sẽ rộng và đẹp hơn nhiều. Mình lang thang đi dọc bờ biển, nhiều du thuyền trắng như những con mòng biển san sát phía xa, nắng chiều nhàn nhạt nhỏ giọt trên thảm cỏ còn trời vẫn cứ xanh lạ thường. Ngoài phố các xe đều đồng loạt treo cờ Pháp to tướng chạy khắp nơi. Đang mùa Euro, nên đội tuyển Pháp vẫn được sự ủng hộ nhiệt tình của những cổ động viên ở vùng sâu vùng xa này. Bỗng bắt gặp mấy bác trung niên đang chơi pétanque. Món này ở Việt Nam gọi là bi sắt, một thú tiêu khiển đặc trưng chất Pháp. Tiếng Pháp có thể không còn thịnh hành nhưng có những thứ giản dị vẫn tạo thành cái gì đấy khác biệt, có thể gọi là bản sắc của một đất nước vẫn còn rất trẻ. Mình vẫn luôn yêu thích những thành phố có hương vị sống, không cần phải to lớn, đông vui, miễn là lối sống ở đấy có nhạc điệu. Thế là vui miệng hát:

“Quand doucement tu te penches
En murmurant: “C’est dimanche,
Si nous allions en banlieue faire un tour
Sous le ciel bleu des beaux jours?”


Và quyết định tối nay sẽ phải tận hưởng nốt cái di sản quý giá nhất mà thực dân để lại, chính là… kỹ nghệ đánh chén!

Đặng Thái
Soi.today - 21/10/2016

Trong quá trình tìm hiểu về nước Cộng hòa Vanuatu để tiêu phí thời giờ trong những ngày cách ly xã hội, tui tình cờ đọc được loạt bài thú vị của Đặng Thái trên trang Soi.today. Xin mạn phép anh đăng lại tại đây để giới thiệu với các bạn. Bạn nào cần đọc trang gốc xin click vào link ở cuối mỗi bài.

Bố cục loạt bài gốc gồm 9 bài như sau:
  1. Từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá
  2. Run rẩy đi rình núi lửa phun
  3. Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo
  4. Từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo
  5. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh
  6. Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng
  7. Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic
  8. Bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu
  9. Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét