10 thg 4, 2020

Ở ngoài khơi Thái Bình Dương có quốc gia Vanuatu

Số quốc gia/vùng lãnh thổ chưa có người mắc COVID-19 ngày càng ít đi. Cho đến chiều nay chỉ còn 15 quốc gia và 8 vùng lãnh thổ, trong đó châu Đại Dương chiếm đến 16. Hầu hết các nơi này đều là các đảo quốc nhỏ khá tách biệt với thế giới.

Không lạ nếu các đảo quốc không có người mắc bệnh. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là tất cả các đảo quốc ở ngoài khơi Đại Tây Dương đều có người mắc COVID-19, thậm chí nhiều nữa. Nguyên do có thể là các đảo quốc này thuộc châu Mỹ, có đường giao thông thuận tiện với lục địa, phát triển du lịch mạnh.

Trong số 16 đảo quốc ở châu Đại Dương còn lại, tui thử tìm hiểu một quốc gia, đó là Vanuatu. Lý do là vì tờ The Guardian vừa có bài viết về đảo quốc này (chớ tui có đi được tới đó đâu mà viết), và vì một lý do khác mà tới cuối bài tui mới nói.




Vanuatu nằm ở vị trí như trên trên bản đồ thế giới, cách bờ biển Đông Bắc của nước Úc khoảng 1.750 km. Quốc gia này là một quần đảo có hình chữ Y, gồm 82 đảo nhỏ cho đến nhỏ xíu, tổng diện tích đất liền là 12.190 km2 (gấp đôi tỉnh Đồng Nai). Trong 82 đảo này có 14 đảo tương đối lớn, có diện tích lớn hơn 100 km2



Dân số Vanuatu hiện nay khoảng 300.000 người, ít hơn dân số huyện Cẩm Mỹ của Đồng Nai một chút. Đứng đầu quốc gia này có Tổng thống (President) và thủ tướng (Prime Minister). Quốc gia được chia thành 6 tỉnh (mỗi tỉnh chắc tương đương một phường hay xã ở Việt Nam), đứng đầu mỗi tỉnh là Tổng thống tỉnh (provincial president). Tóm lại là có 6 Tổng thống tỉnh và 1 Tổng thống quốc gia, tổng cộng 7 vị tổng thống trên 300.000 dân!

Theo bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc, Happy Planet Index, HPI) thì Vanuatu là Quốc gia Hạnh phúc nhất thế giới vào năm 2006, năm đầu tiên có bảng xếp hạng này. Theo bảng xếp hạng mới nhất (năm 2016) thì Vanuatu không còn hạng nhất nhưng cũng hạng Tư (ngay sau đó, hạng 5 là... Việt Nam, hi hi)!

Đã là quốc gia hạnh phúc mà lại còn không có em COVID-19 nữa thì còn gì tuyệt vời hơn? Phải không nè!


Vũ điệu của phụ nữ Vanuatu. Ảnh: Wikipedia

Núi Yasur trên đảo Tanna, Vanuatu. Ảnh: Wikipedia

Ngày 7/4, tờ The Guardian đăng bài viết để xem Vanuatu sướng thế nào trong đợt dịch COVID-19 này. Ta coi thử thế nào nhé (chữ in nghiêng là thông tin từ Guardian):

Sáng Chủ nhật (6/4), 62 khách chuẩn bị rời khỏi một khu nghỉ mát, được bao quanh bởi những cây cọ và nhìn ra một đầm phá, ở thủ đô Port Vila của Vanuatu. Nhưng thay vì taxi chờ đưa họ đến sân bay, những gương mặt quen thuộc lại hồi hộp chờ đợi để đưa người thân về nhà. Đó là 62 khách chủ yếu là cư dân Port Vila đã bị cách ly trong 14 ngày dưới sự giám sát của bộ Y tế. Họ là những người cuối cùng đã vào nước này ngay trước khi Vanuatu đóng cửa tất cả các biên giới để phòng ngừa mối đe dọa của COVID-19.

Tức là cũng cách ly, cũng đóng cửa biên giới... như ai!



Rửa tay sát khuẩn ở Vanuatu để ngăn ngừa COVID-19. Ảnh: Nicky Kuautonga/The Guardian


Nước giải khát chiết ra chai để khách mua mang về vì không được ngồi quán. Ảnh: Nicky Kuautonga/The Guardian

Quản lý khách hàng của Au Bon Marche, chuỗi siêu thị lớn nhất Vanuatu, đã phải liên tục trấn an người dân rằng siêu thị có đủ thực phẩm cho cả nước, dù biên giới đã đóng cửa. Du thuyền ngừng hoạt động. Air Vanuatu, hãng hàng không quốc gia, dừng mọi chuyến bay vô thời hạn. Nhiều nhà hàng và khách sạn tự nguyện đóng cửa, trong khi một số nhà hàng khác mở cửa cầm cự trong lệnh hạn chế của chính phủ, khi đóng cửa vào 19h30, trước giờ giới nghiêm từ 21h tới 4h.
Russel Tamata, phát ngôn viên chính của nhóm cố vấn xử lý Covid-19 cho chính phủ, cho biết: "Chúng tôi hiểu rõ virus lây lan như thế nào. Văn hóa và cách sống của chúng tôi là điều kiện lý tưởng cho virus phát triển. Nếu nCoV ập tới, mọi việc sẽ thành thảm họa. Tại thời điểm này, chúng tôi phải thắt chặt biên giới. Nếu nCoV xâm nhập vào Vanuatu, nó sẽ lây lan rất nhanh, còn chúng tôi đơn giản là không đủ nguồn lực và hạ tầng để đối phó. Chỉ một sai lầm nhỏ sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ nặng nề".


"Nếu bệnh nhân trở nặng, cả nước chỉ có hai máy trợ thở. Chúng tôi có 60 bác sĩ, nhưng đa số mới tốt nghiệp. Gần đây, chúng tôi mới tiếp nhận đợt y tá thứ ba thuê từ Solomon để phục vụ ở 6 tỉnh trên cả nước do thiếu nhân lực.

Chưa hết, thời điểm mà The Guardian đăng bài báo trên là thời điểm Vanuatu đang chờ cơn bão cấp 5 Harold sắp đổ bộ vào. The Guardian đánh giá: Nếu COVID-19 cùng với cơn bão Harold cùng đổ bộ thì đây sẽ là thảm họa cho đảo quốc này!

Và ngày hôm qua, 9/4/2020, cũng trên tờ The Guardian đã đăng tin: Cơn bão cấp 5 Harold đã đổ bộ Vanuatu. Cơn bão này hình thành ngoài khơi quần đảo Salomon, giết chết 27 người, tàn phá nhà cửa và gây lụt nghiêm trọng ở Fiji và Tonga, nhưng đạt cường độ lớn nhất khi ập vào phía Bắc Vanuatu. Đây là cơn bão cấp 5 thứ 2 đổ bộ Vanuatu trong vòng 5 năm qua.



Cảnh tượng tàn phá Vanuatu sau bão Harold. Ảnh: The Guardian

Giới chức Vanuatu cho rằng phải mất một năm trời mới có thể khôi phục những gì Harrold đã tàn phá.

May mà... chưa có COVID-19, nhưng vẫn phải lo thắt thỏm.

Vậy đó, bạn thấy Vanuatu có... hạnh phúc không?

Thông tin cuối cùng là: Ở Vanuatu có khá nhiều... người Việt Nam! 

Hơn trăm năm trước, Vanuatu vẫn còn là thuộc địa Pháp và mang tên New Hebrides, nhưng người Việt gọi là Tân Đảo. Những người Việt đầu tiên tới đây là tù chính trị, bị thực dân Pháp đày sang đây từ năm 1891. Sau đó, đầu thế kỷ 20, người Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa. Tại Tân đảo, các chủ đồn điền, chủ nô người Pháp đã yêu cầu chính quyền Pháp tuyển mộ thêm phu để đẩy mạnh việc khai thác quần đảo này.  Hàng chục ngàn người dân ở đồng bằng Bắc bộ đã lên đường sang Vanuatu làm phu như vậy.

Phần lớn những người này đã được về nước vào những năm 1960, tuy nhiên vẫn có những người ở lại lập nghiệp tại Vanuatu. Không rõ hiện còn bao nhiêu người Việt ở đây, chỉ biết theo số liệu thống kê thì có 1% dân số Vanuatu (3.000 người) là Việt Kiều và Hoa kiều. Trong số Việt kiều ở đây có những người là đại gia, giàu có bậc nhất tại đảo quốc này.

Phải nói là nhờ... giãn cách xã hội, phải ở nhà nên tui mới rãnh quá để tìm hiểu những điều thú vị như vầy. Tui còn đọc được những thông tin thú vị hơn nữa về Vanuatu, mai mốt sẽ kể lại nghe chơi nếu vẫn còn rãnh. Ờ, còn 5 ngày nữa lận mà, và sau đó... chắc lại rãnh tiếp!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét