6 thg 4, 2020

Saint Helena

Cho đến ngày hôm nay (6/4/2020) châu Phi chỉ còn 4 nước chưa có người mắc COVID-19. Đó là Lesotho, Comoros, Sao Tome & Principe và Saint Helena. Trừ Lesotho là một lãnh thổ nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa lòng Nam Phi, trong lục địa, 3 vùng đất còn lại là những đảo quốc ngoài khơi Đại Tây Dương. Trong 3 đảo quốc ấy, nhỏ nhất và không phải quốc gia độc lập, là đảo Saint Helena.

Đang rãnh vì buộc phải ở nhà trong 15 ngày, tui tò mò tìm hiểu coi cái đảo Saint Helena ấy ở đâu, như thế nào!

Saint Helena có hình dạng giống... củ khoai mì, một chiều dài 8 km, chiều kia 16 km. Diện tích 121 km2, dân số hiện nay khoảng 6.000 người, tính ra là...thua một xã miền núi ở Đồng Nai (xã Gia Canh thuộc huyện Định Quán của Đồng Nai có diện tích 172 km2, dân số 17.000 người).



Vị trí của Saint Helena trên bản đồ thế giới như vầy:



Chấm tròn tượng trưng cho vị trí của Saint Helena, nó cách bờ biển Tây Nam của châu Phi khoảng 1.950 km, cách Rio de Janairo của Brazil 4.000 km. Nghĩa là Saint Helena gần châu Phi hơn châu Mỹ, do vậy người ta tính là nó thuộc châu Phi. Còn về mặt hành chính, đảo quốc này thuộc Vương quốc Anh.

Nhìn vị trí của đảo, ta có thể dễ đoán ra lý do tại sao ở đây chưa có ca nhiễm COVID-19 nào. Vì xa đất liền quá nên... virus bơi ra đảo không nổi! Cho đến năm 2017, tàu biển là phương tiện vận tải duy nhất đi từ Cape Town của Nam Phi ra Saint Helena, hành trình đi là 5 ngày. Trung bình mỗi năm có 30 chuyến hải hành như vậy.

Từ 14/10/2017 (mới cách đây có 2 năm rưỡi) mới có chuyến bay hàng tuần từ Johannesburg tới Saint Helena. Máy bay chở được 78 hành khách và bay mất 6 tiếng. Một tuần mới có một chuyến bay như vậy thì nếu cần... cách ly cũng dễ héng!

Vậy là trên đảo này có bến tàu, sân bay... và tất nhiên là có chính quyền. Ông chúa đảo ở đây được gọi là governor (thống đốc), còn cái ông quản lý dân và đất nhiều hơn ở xã Gia Canh của huyện Định Quán thì chỉ được gọi là chủ tịch xã thôi!

Nhìn khung cảnh thiên nhiên ở đây, phần nào liên tưởng đến Phú Quốc (nhưng Phú Quốc có diện tích gấp gần 5 lần, dân số hơn 20 lần Saint Helene).




Saint Helena có một điều đặc biệt mà tui để dành đến cuối mới nói, và đó cũng là lý do quan trọng nhứt khiến tui chú ý tới cái tên đảo quốc này, ngoài cái chuyện nó là hòn đảo nhỏ ở Phi châu chưa có người mắc COVID-19.

Cái tên đảo Saint Helena có gợi nhớ cho các bạn điều gì trong lịch sử thế giới không?

Năm 1815, sau trận Waterloo lừng danh trong lịch sử, Napoleon Bonaparte đã bại trận và bị lưu đày sang đảo Saint Helena. Tại đây, ông đã qua đời ngày 4/5/1821.

Hòn đảo nhỏ bé này chính là nơi vị hoàng đế lẫy lừng chiến công đã sống những ngày cuối đời trong đau buồn và uất hận.


Napoleon ở đảo Saint Helena. Tranh của François-Joseph Sandmann

Có những nghi vấn cho rằng Napoleon bị đầu độc, cho đến bây giờ vẫn là nghi vấn lịch sử.

Hồi đó không có virus corona, chớ nếu có thì ở đảo này chắc chắn Napoleon sẽ không mắc bệnh (như hiện giờ Saint Helena vẫn không có ca nhiễm COVID-19), trong khi các đối thủ của ông ở châu Âu sẽ mắc bệnh la liệt. Và biết đâu sau đó Napoleon sẽ vượt biển trở về (như đã trở về từ đảo Elbe) để làm thay đổi lịch sử thế giới?

Rãnh quá, ngồi giết thời giờ vậy đủ rồi. Các bạn đọc có thấy vui không?


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét