11 thg 4, 2020

Vanuatu (5): Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

Lời mở đầu: Hầu hết các tour đi trong ngày tại Vanuatu được kinh doanh và tổ chức bởi người nước ngoài. Để hiểu thêm về một vùng đất, mình lựa chọn tour duy nhất do người bản địa làm chủ kiêm hướng dẫn viên. Trọn một ngày đi vòng quanh đảo, vừa tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp mình vừa biết thêm nhiều điều đáng quý.
*
Thông thường khách du lịch sẽ bay từ thủ đô Port Vila, đảo Efate sang thành phố Luganville, đảo Espiritu Santo. Santo là đảo lớn nhất, có nhiều bãi biển đẹp và được coi như thánh địa của dân lặn biển.Mình đã đi Tanna xem núi lửa nên không còn kinh phí đi Santo, đành quyết định đi một vòng quanh đảo Efate.


Một tấm biển chỉ đường hay ho. Ảnh: Đặng Thái

Ăng-lê hay Phờ-răng-xê?

Người hướng dẫn viên tên John, nói tiếng Pháp khá lưu loát và tiếng Anh rất trôi chảy. Đi du lịch ở các vùng thuộc địa cũ của Pháp thường gặp khó khăn vì ít người biết tiếng Anh. Nhưng riêng Vanuatu thì không, ai ai cũng làu làu hai thứ tiếng. Đang nói chuyện tiếng Anh chỉ cần hỏi một câu tiếng Pháp là người đối diện cũng đổi sang một thứ tiếng Pháp trong trẻo ngay lập tức. Điều đặc biệt ở chỗ, không cần phải người làm trong ngành du lịch mới nói hai thứ tiếng mà đám trẻ con cũng vậy. Hôm đi trên máy bay sang Tanna, hai mẹ con người Pháp định cư ở đây nói chuyện với nhau, bà mẹ chỉ nói tuyền tiếng Pháp nhưng thằng bé cứ trả lời lại bằng tiếng Anh. Có những sự lý thú như vậy bởi Vanuatu khi trước (tức là New Hebrides/Nouvelles-Hébrides) không phải thuộc sở hữu của riêng người Pháp.

Ngày 4. 9. 1774, thuyền trưởng James Cook đã đặt tên hai quần đảo mới trên bản đồ là New Caledonia và New Hebrides dựa theo tên của những vùng đất quê hương ông. Caledonia là tên tiếng La-tinh của Scotland, còn Hebrides là một quần đảo phía tây Scotland có hình dạng tương đồng với New Hebrides.

James Cook lên đảo Tanna(thuốc tỉnh Tafea của Vanuatu ngày nay), 1774. Hình từ trang này

Người Pháp sau đó đã đến và chiếm được New Caledonia dưới thời Napoleon III còn New Hebrides thì không kiểm soát được hoàn toàn và phải đi đến một thỏa thuận độc nhất vô nhị với Đế quốc Anh: thành lập một chính quyền chung Anh-Pháp vào năm 1906. Chính quyền cộng quản (Condominium) trên danh nghĩa là quản lý chung nhưng thực tế mỗi bên lại có một hệ thống riêng của mình. Người Pháp lần lượt có chính quyền, tòa án, cảnh sát, nhà tù, bệnh viện, trường học (dạy tiếng Pháp), tiền tệ (Franc des Nouvelles-Hébrides) và thậm chí cả tem bưu chính riêng. Người Anh cũng có một hệ thống quan liêu y hệt chỉ khác là hoạt động bằng tiếng Anh.

Thủ đô Port Vila nằm bên một vịnh biển nhỏ. Đây là hình ảnh quảng cáo du lịch phổ biến nhất ở Vila, khi bay qua mình cũng nhìn thấy màu nước biển như thế này, không cần photoshop nhưng vì không có máy tốt, chụp không lên màu. Hòn đảo nằm giữa giờ là resort Iririki nhưng trước đây là Bệnh viện của người Anh, người Việt gọi là Nhà thương Ăng-lê.

Trẻ em đi học sẽ vào một trong hai hệ thống giáo dục. Tội phạm khi đưa ra xét xử có quyền được lựa chọn bị xử theo luật common law của Anh hoặc civil law của Pháp. Cảnh sát mỗi bên mặc một đồng phục khác nhau và thi hành án khác nhau để phù hợp với mỗi hệ thống luật. Người nước ngoài nhập cảnh có thể chọn một trong hai hệ thống xuất nhập cảnh tùy thích. Nhưng cuối cùng ngôn ngữ mới là vấn đề phức tạp nhất. Toàn bộ giấy tờ văn bản phải dịch ra hai thứ tiếng, người này không hiểu tiếng người kia, các quan còn thế nữa là dân thường chỉ biết tiếng địa phương. Sau khi độc lập, Vanuatu chọn Bislama làm quốc ngữ và giờ họ có đến ba ngôn ngữ chính thức.

Bảng này bằng tiếng Bislama có thể dịch là: Thư viện công cộng của Port Villa – Trung tâm văn hóa Vanuatu. Hình từ trang này

Còn hiện tại thì sao? Dân lao động trình độ thấp chỉ nói được tiếng Bislama và người bản địa chỉ nói tiếng Bislama với nhau. Học sinh cấp ba thì có thể nói được cả ba thứ tiếng nhưng học trường Pháp thì tiếng Anh không tốt và ngược lại. Xu thế chung là mọi người chuyển sang học tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ quốc tế và để phục vụ làm ăn kinh tế với Úc, New Zealand và Trung Quốc. Tiếng Pháp còn tồn tại được ở đây là vì hằng năm một lượng lớn khách du lịch từ New Caledonia sang, nơi người dân chỉ dùng tiếng Pháp.

Quay lại với người hướng dẫn viên. Tiếng Anh của John khá tốt, đủ để giới thiệu các địa danh du lịch và kể những mẩu chuyện nhỏ, thỉnh thoảng có vài từ không biết thì lại hỏi mình. Chỉ có một điều buồn cười nhất với tiếng Anh của người bản địa là bị ảnh hưởng của tiếng Pháp, nên những từ bắt đầu bằng phụ âm“h”, khi phát âm họ đều bỏ đi hết và các âm “ch” thì đều phát âm thành “sh”. Những từ “h” là âm câm và mượn từ tiếng Pháp như hour (ao-ờ), honour (o-nờ), hotel (ô-ten), Hollande (Ô-loong-đờ), champagne (sâm-panh), chef (sép) thì đúng nhưng bắt đầu đến home (ôm), high (ai), hat (át), choice (soi), church (sớc) thì loạn xị ngậu. Mình nghe qua mấy câu thì bắt được quy luật, và vỡ lẽ vì sao trong sách sử ở Việt Nam lại phiên âm tên ông Churchill (Chớc-chiu) thành “Sớc-sin”. Còn dân nói tiếng Anh, nhất là Trung, Nhật, Hàn thì nhiều lúc cứ đứng nghệt mặt ra không biết người ta đang nói gì.

Hành trình

Đi vào mùa chưa đông khách nên chễm chệ một mình một xe với John và một tài xế. Con đường nhựa quanh đảo chất lượng khá tốt. Mình thắc mắc về hãng sản xuất xe chưa từng nghe qua thì được biết đây là xe cũ của Hàn Quốc sản xuất, tuổi đời khoảng 10-15 năm thì Hàn Quốc họ thải ra và bên này nhập về, giá tầm 500-700 triệu VND. Hầu hết trên đường phố chỉ thấy loại xe 9 chỗ này, và biển xe đều gắn chữ B (viết tắt của “bus”). Muốn đi đâu, cứ ra đường vẫy là có xe dừng lại, dài hay ngắn cũng mất 100 Vatu (khoảng 20000 VND). Lái xe trông da đen bặm trợn chứ hiền lắm, mình còn 80 cũng cho đi. Đối với dân Úc thì thế là siêu rẻ, rẻ hơn cả xe ôm Việt Nam, nhưng với thu nhập của dân ở đây thì vẫn là đáng kể. Xe con thì ít hơn, nên nhiều khi biển chỉ có ba con số. Cả Vanuatu được khoảng 300.000 dân nên hai người nghe mình kể Việt Nam có 90 triệu dân thì hoa mắt chóng mặt, xòe tay ra đếm mà không hình dung được là bao nhiêu người. Vì vậy nên số điện thoại ở đây chỉ có 5 số, nhìn ngồ ngộ.

Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân. Ảnh: Đặng Thái

Ngoài những bãi tắm cát trắng mịn trải dài đặc trưng của các hòn đảo Thái Bình Dương nói chung thì nơi đây còn một cảnh quan đặc biệt, đó là blue lagoon. Lagoon tiếng Việt là “đầm phá”, loại địa hình ven bờ biển, gần giống như một hồ nước mặn hoặc lợ, ngăn với biển bởi một dải cát nhưng có cửa thông với biển. Ở miền Trung nước ta cũng có nhiều đầm phá lớn, như phá Tam Giang nước chảy rất xiết, nhưng ở đây thì khác, bởi mặt nước các lagoon thường rất tĩnh và nhất có màu xanh ngọc lam đẹp đến nao lòng. Ở đảo Efate chỉ có duy nhất một lagoon, còn Santo thì có khá nhiều. Nhớ khi đi học vẽ, từng được nghe thầy giảng về một sắc độ của màu xanh lơ gọi là “màu hồ thủy”, đến nay mới được thấy tận mắt ngoài đời thực. Trên một cành cây to, có lẽ phải năm bảy chục tuổi, người ta buộc một sợi dây thừng, mình đu dây và nhảy ùm xuống hồ như tarzan luôn.

Blue lagoon đẹp mịn màng. Ảnh: Đặng Thái

Xe chạy khỏi thủ đô tầm 30 cây số là khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi, những đồng cỏ mênh mông và núi non trùng điệp hiện ra. Bên đường là những cây đa cổ thụ khổng lồ cả trăm năm tuổi, có khi rễ phụ to bằng thân cây dừa. John giải thích rằng gốc đa là nơi tập hợp của một bộ lạc khi cần họp bàn chuyện gì, người thổ dân tin rằng cây đa là nơi trú ngụ của những linh hồn có sức mạnh bảo vệ dân làng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì ngày xưa nhà tranh vách lá thì mỗi khi có bão biển mạnh, mọi người lại chui cả vào gốc đa để trú. Mình nói với anh là tổ tiên tôi cũng tin vào loài cây này như thế, anh ngạc nhiên lắm mặc dù không hình dung ra được nước Việt Nam xa xôi ở đâu.

Tôi đã chui vào một gốc đa như thế, nó lớn đến mức gần như có cả một hệ sinh thái thu nhỏ dưới gốc cây. Có một loài cua dừa (coconut crab), con trưởng thành có thể lớn đến 4kg, thịt ăn rất ngon, hay đào hang dưới gốc đa. John nói rằng các nhà hàng ra sức bắt để phục vụ du lịch đến nỗi trên đảo này đã hết sạch cua dừa, cua đang chế biến trong nhà hàng đều là chở từ các đảo khác về. Mình tự nhủ rằng sẽ thử các đặc sản khác chứ nhất quyết không phải loài cua dừa đang bị đe dọa.

Cua rùa. Hình từ trang này

Hình ảnh con cua dừa khắc trên đồng tiền 10 Vatu. Ảnh: Đặng Thái

Đặng Thái
Soi.today - 20/10/2016

Trong quá trình tìm hiểu về nước Cộng hòa Vanuatu để tiêu phí thời giờ trong những ngày cách ly xã hội, tui tình cờ đọc được loạt bài thú vị của Đặng Thái trên trang Soi.today. Xin mạn phép anh đăng lại tại đây để giới thiệu với các bạn. Bạn nào cần đọc trang gốc xin click vào link ở cuối mỗi bài.

Bố cục loạt bài gốc gồm 9 bài như sau:
  1. Từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá
  2. Run rẩy đi rình núi lửa phun
  3. Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo
  4. Từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo
  5. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh
  6. Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng
  7. Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic
  8. Bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu
  9. Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét