26 thg 4, 2021

Ở nơi không có sân bay, nhưng có máy bay đậu

An Giang không có sân bay?

Thật ra An Giang đã từng có không chỉ một mà đến 3 sân bay, đó là các sân bay Long Xuyên (còn gọi là sân bay Vàm Cống, nằm ở Long Xuyên), sân bay Châu Đốc (nằm ở Châu Đốc) và sân bay Thất Sơn (nằm ở Tịnh Biên). Tuy nhiên đó đều là các sân bay nhỏ, phục vụ cho mục đích quân sự và đến nay đã không còn sử dụng nữa.

An Giang có đề xuất xây dựng sân bay tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch ngày 2/6/2011, tuy nhiên đến năm 2016 dự án này đã bị loại bỏ khỏi quy hoạch giao thông 13 tỉnh Tây Nam Bộ từ nay tới năm 2030 vì không khả thi.

Tóm lại là hiện nay An Giang không có sân bay nào hết!

Nhưng vẫn có máy bay!

Máy bay YAK-40 ở khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: Lê Quang Dũng

23 thg 4, 2021

Khi đại gia công nghệ mở... tiệm hớt tóc

Ngày 20/4/2021, Amazon công bố sự ra mắt của Amazon Salon, một thẩm mỹ viện mới, nơi khách hàng có thể trải nghiệm những gì tốt nhất trong việc tạo kiểu và chăm sóc tóc. Tọa lạc trên hai tầng và rộng hơn 1.500 mét vuông trên Phố Brushfield ở Spitalfields, London, Amazon Salon sẽ thử nghiệm công nghệ mới nhất của ngành, từ tư vấn về tóc bằng thực tế tăng cường (AR) đến công nghệ chỉ-và-học (point-and-learn technology).

Các dịch vụ chăm sóc và tạo kiểu tóc tại Amazon Salon do Elena Lavagni - chủ sở hữu của Neville Hair & Beauty, một salon độc lập có trụ sở tại London - cung cấp.

John Boumphrey, Giám đốc Quốc gia của Amazon tại Vương quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi đã thiết kế salon này để khách hàng đến và trải nghiệm một số công nghệ, sản phẩm chăm sóc tóc và nhà tạo mẫu tốt nhất trong ngành. Chúng tôi muốn địa điểm độc đáo này mang chúng tôi đến gần hơn với khách hàng và đây sẽ là nơi chúng tôi có thể hợp tác với ngành và thử nghiệm các công nghệ mới.”

20 thg 4, 2021

Gỏi lá Kontum

Người ta nói rằng tới Kontum mà chưa ăn gỏi lá thì... chưa nên về! Đó là tui mới biết gần đây, còn trước đây những lần tới Kontum tui đều về tuốt trước khi biết gỏi lá là cái món gì. Lần gần đây cũng vậy, sau khi ghé thăm Nhà thờ Gỗ và Tòa Giám mục thì cũng đã chiều tối, tới giờ ăn. Quẹt quẹt trên Google Maps một chút thì biết rằng gần xịt nơi đó là con đường Trần Cao Vân, nơi tập trung nhiều quán đặc sản gỏi lá Kontum, tui cùng gia đình quyết định tới ăn cho biết chớ không phải là định trước.

Nói đến gỏi, người ta nghĩ ngay đến đủ thứ rau củ, ngó sen... với tôm, thịt luộc pha trộn chua chua ngọt ngọt... Còn gỏi cuốn thì cũng nhiều món rau, tôm thịt... như trên, nhưng không có làm chua ngọt mà cuốn bánh tráng rồi chấm nước chấm. Thế nhưng gỏi lá Kontum thì không phải như vậy!

Gọi là gỏi lá bởi vì nó chủ yếu là... lá, như vầy nè (cái rổ lá chớ không phải cái cô sơn nữ bưng rổ đâu nghen!).

17 thg 4, 2021

Gió và nước ở Kontum

Những ai đam mê kiến trúc ắt hẳn đều biết đến tên kiến trúc sư Võ Trong Nghĩa với vô số tác phẩm đoạt giải quốc tế của anh, trong đó nổi bật là những kiến trúc xanh - đặc biệt là với vật liệu chủ lực là tre. Công trình nổi bật, đoạt giải quốc tế đầu tiên của Võ Trọng Nghĩa là cafe Gió và Nước ở Bình Dương, hoàn thành năm 2008.

Sau Gió và Nước ở Bình Dương, nhiều công trình tương tự đã được Võ Trọng Nghĩa tạo nên cả trong và ngoài nước. Một trong những công trình ấy là Cafe Indochine ở Kontum. Cafe Kontum Indochine được xây dựng tháng 7/2013 và ngay sau đó đã được tạp chí ArchDaily (Mỹ) đưa vào danh sách 5 công trình được đề cử giải thưởng Building of the Year (công trình của năm) tại hạng mục khách sạn - nhà hàng. Giải thưởng trên được quyết định bởi chính các nhà chuyên môn và hơn 300.000 độc giả trên toàn thế giới của ArchDaily bình chọn cho công trình kiến trúc ấn tượng nhất trong năm.

Cafe Indochine Kontum. Ảnh: PHN

9 thg 4, 2021

Trở về "159 Thiệu Trị, Phú Nhuận"

Những ai từng là "thiếu nhi" ở Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ đầu thập niên 1970 chắc đều biết địa chỉ 159 Thiệu Trị, Phú Nhuận ghi trên là gì. Đó chính là Tòa soạn Tuần báo Thiếu nhi do nhà văn Nhật Tiến chủ biên, ông Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm. Đúng như nhà báo Phạm Công Luận viết ờ đầu bài này: Địa chỉ ấy là nơi ao ước được ghé một lần trong đời của nhiều đứa học trò ham đọc sách báo ở miền Nam trong nửa đầu thập niên 1970. Tui cũng là một trong những đứa học trò như vậy. Tiếc là ở Long Khánh xa xôi nên chưa có dịp ghé đến.

Từng là một đứa nhỏ say mê đọc (và viết bài gởi) Thiếu Nhi nên đọc bài viết của anh Phạm Công Luận tui nhớ thật nhiều kỷ niệm xa xưa, và xin phép đăng lại đây để những người cùng thời cùng nhớ lại.

Phạm Hoài Nhân

Bìa báo Thiếu nhi số 1

7 thg 4, 2021

Lăng cá Ông ở Vũng Tàu

Lăng cá Ông ở Vũng Tàu nằm trong Đình thần Thắng Tam, trên đường Hoàng Hoa Thám. Đây là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tam quan đình thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Theo tập quán lâu đời của cư dân biển, họ gọi cá ông (cá voi) là Ông Nam Hải. Do vậy, lăng cá Ông được gọi là Lăng Ông Nam Hải. Dưới đây là ảnh mặt tiền của Lăng Ông Nam Hải, chụp trước năm 2011 (ảnh của anh TMB, đăng trên Thời báo Kinh tế SG ngày 16/02/2010)

6 thg 4, 2021

Thăm nghĩa trang cá Ông lớn nhất Việt Nam

Trần Hưng Đạo là con đường nhựa nhỏ chạy ven biển làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Khi đến cuối đường, ta thấy cổng một ngôi đền hướng ra biển, đó là Ngọc Lăng Nam Hải, nơi được xem là nghĩa địa cá voi lớn nhất Việt Nam.


Tục an táng và thờ cúng cá ông (cá voi) là một tín ngưỡng dân gian có ở hầu như mọi làng chài thuộc duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Khi người dân chài phát hiện được cá voi mắc cạn và mất, tục gọi là ông luỵ bờ thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình. Xác Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Chủ ghe hoặc 
người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang "ông". Sau 3 ngày chôn cất, sẽ làm lễ mở cửa mả, sau đó cúng 21 ngày, 49 ngày, 3 tháng 10 ngày, giỗ đầu... như cúng đối với cha của mình.