Sau khi đã theo Phạm Thiên Thư đưa em tìm động hoa vàng, tôi lại cùng anh gọi em là đóa hoa sầu... Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu là những câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, cho rằng dù sao đi nữa thì cuộc đời này rất là đáng sống trong cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo. Hành âm nghe rất âu yếm và nhẹ nhàng, hợp với không khí nồng nàn và an ủi của bài ca. Dù ta thấy được sự phù vân của cuộc đời nhưng ta vẫn thấy được cái nồng nàn của tình yêu... Ẩn Lan ơi, cuộc đời thật là buồn nhưng đó là nỗi buồn thơm lâu... Vì thế mà anh gọi em sầu là Đóa Hoa Sầu.
Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu
(theo thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Duy phổ nhạc)
Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn, áo nhuộm hoàng hôn
Dáng ai cắp rổ, cắp rổ lên cồn
Lên cồn hái dâu (ư...) vàng
Tiếng nàng hát vọng đôi câu
Hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu
Dừng tay viết mướn, ối a lòng sầu
Lòng sầu vẩn vơ, vẩn vơ sầu.
Lều tranh còn ủ trong mơ
Còn ủ trong mơ, còn ủ trong mơ
Mối tình là một bài thơ vô đề
Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề
Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề
Mùa Xuân nay làn gió có về, vỗ về hương xưa
Đêm nao học dưới trăng mờ, dòng chữ hững hờ...
Thoảng nghe tiếng hài của em
Tiếng hài của em, tiếng hài của em
Như sương lắng động, lắng động trên thềm
Trên thềm ngõ sau, ngõ sau (ư...) nhà
Em cười đem lại cho nhau
Đem lại cho nhau, đem lại cho nhau
Sợi tơ mớ tóc ối a buộc vào
Buộc vào với hoa, với hoa ngâu vàng
Ngủ quên trên sách mơ màng,
Tập sách thơm ngoan, áp má mê man
Gió lùa tỉnh dậy mùi lan chập chờn
Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn
Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn
Ẩn Lan ơi, như những cơn buồn, nỗi buồn thơm lâu
Em ơi! Gọi em là đóa hoa sầu...
Là đóa hoa sầu...
Viết về Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu
Nguyên Sa
Trong tòa lâu đài trên núi cao đó có cả tiếng hài, có cả tà áo lộng bay trong gió của Ẩn Lan. Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn cũng được di chuyển với kỹ thuật di chuyển ngôi chùa trở thành lâu đài và sự mang lên núi cao cũng lại được nhắc lại thêm hai lần trên những cung bực càng lúc càng cao, tạo nơi người thưởng ngoạn một cảm xúc khoái cảm ngất lịm hiếm quý.
Không có nhiều nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc thơ lục bát. Vì phổ thơ lục bát dễ rơi vào chỗ nhàm chán, ê a. Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ lục bát. Mỗi bài hay một cách khác, không giống nhau. Bốn bài Ngậm Ngùi, Vết Sâu, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu của các nhà thơ Huy Cận, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư... mỗi bài Phạm Duy sử dụng một kỹ thuật khác trong việc xây dựng một kiến trúc nhạc trong sự tôn trọng kiến trúc thơ, gìn giữ mà vẫn sáng tạo.
Thơ lục bát phổ nhạc của Phạm Duy xây trên âm điệu ngũ cung, nhạc Việt Nam nói chung xây trên âm điệu ngũ cung. Nhưng nói nhạc Việt xây trên ngũ cung cũng như nói thơ lục bát cơ cấu hai câu sáu tám. Sáu tám ai cũng biết, nhưng làm thơ tám thế nào cho hay, cho thấy có sáng tạo, cho ra sáu tám.. cũng như viết nhạc ngũ cung thế nào cho đầy ắp sáng tạo, đó là cả một vấn đề. Phạm Duy biết vấn đề ấy và giải quyết vấn đề đó. Mỗi bài lục bát phổ nhạc, anh sử dụng một kỹ thuật khác biệt, thích ứng với kích thước và nội dung của bài thơ. Mỗi lần phổ thơ lục bát, Phạm Duy đều có cái hay khác nhau, lần nào cũng làm cho người thưởng ngoạn phải sửng sốt, bàng hoàng, hơn thế, chấn động trước một kiến trúc âm thanh lộng lẫy sáng tạo.
Trong thế giới thi ca ai cũng biết làm thơ lục bát rất dễ và rất khó. Dễ vì ai làm cũng được. Khó nên không phải ngày nào, tháng nào cũng có một bài lục bát hay. Trong âm nhạc ai cũng biết thơ lục bát phổ nhạc không khó. Nhưng phổ nhạc thơ lục bát sao cho hay, sao cho không ê a, tới nay không có nhiều người như Phạm Duy. Bây giờ thì ai cũng biết thêm là phổ thơ lục bát dễ rơi vào chỗ giống Phạm Duy mà Phạm Duy thì thiên hình vạn trạng làm sao tránh?
________
Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu
Tiếng nàng hát vọng đôi câu
Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ
Lều tranh còn ủ chăn mơ
Mối tình là một bài thơ vô đề
Ẩn Lan ơi! mái tóc thề
Gió xuân nay có vỗ về suối hương
Đêm nao ngồi học bên tường
Nến leo lét lụi, chữ vương vất chìm
Ngoài song thoảng tiếng hài im
Như trăng buông hạt tơ chìm kiêu sa
Lan cười đưa đến cho ta
Sợi dài tóc buộc chùm hoa ngâu vàng
Sách thơm áp má mơ màng
Tỉnh ra hương thoảng bóng lan chập chờn
Nhớ khi em dỗi em hờn
Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng
Nhớ đêm nằm võng ngó trăng
Đếm ngôi sao sáng lại rằng sáng sao
Giọng em lanh lảnh tiếng cao
Răng em tươi hạt ngọc nào long lanh
Nền trời mây lại qua nhanh
Viền trăng vương phải đầu cành vỡ tan
Những đêm trời tối như than
Bắt con đom đóm trên giàn mồng tơi
Cho em, em cất tiếng cười
Hất tay em thả đóm trời tung bay
Vòi ta đuổi bắt lại ngay
Thả đi, đòi lại mãi đày đọa nhau
Gọi em là vẻ hoa sầu
Lan đòi nụ bưởi cài đầu làm duyên
Nhặt son trên núi mài nghiên
Thơ anh em điểm dấu son màu hồng
…
(Trích từ tập thơ Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư, câu 1717 -1750. Đoạn này nằm trong Bức thứ 16, tựa là Ai để hoa dung. Nội dung là: Vương Quan hồi tưởng người yêu cũ – nàng Ẩn Lan (con gái Hồ ông), và dự định đi theo Ngô Khôi thăm Thầy học.)
Pham Hoài Nhân sao lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét