Trái với hình dung của tui, chùa Bà Đanh đâu có vắng. Nói cho chính xác là không vắng mà cũng không đông (thử nghĩ coi, ở ngay trung tâm quận Tây Hồ mà vắng gì nổi!), không có gì nổi bật và cũng hơi khó tìm vì nằm sâu trong hẻm. Tên chùa cũng không phải Bà Đanh, mà là Châu Lâm - hoặc Phúc Châu.
Chùa Châu Lâm. Ảnh: ZingNews
Thông tin về ngôi chùa như sau: Chùa được xây dựng năm 1497, thời vua Lê Thánh Tôn. Tương truyền, sau khi nhà vua đi dẹp quân Chiêm Thành, có đưa về rất nhiều tù binh. Khi ấy, vua cho xây dựng viện tu dưỡng Châu Lâm để phục vụ cho quá trình cải tạo của các tù nhân và một ngôi chùa cùng tên để các tù nhân có thể thờ tự cho tâm thực sự thanh tịnh. Năm 1907, phần do xuống cấp, phần vì địa phận của chùa được lấy để xây dựng trường Chu Văn An nên chùa được dời về chùa Phúc Lâm ở Thụy Khuê. Từ đó, tên chùa được lấy chữ “Phúc” trong “Phúc Lâm” và chữ “Châu” trong “Châu Lâm” ghép thành “Phúc Châu”, đây chính là tên thật của ngôi chùa ở vị trí hiện tại.
Về tên chùa Bà Đanh thì được giải thích gọi theo tên của một người phụ nữ có công xây dựng chùa. Tuy nhiên rất ít người - kể cả cư dân ở đây - biết tên chùa Bà Đanh, họ chỉ biết nhiều nhất là tên chùa Châu Lâm và Phúc Lâm.
Hầu như không có cơ sở nào để khẳng định rằng câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh phát xuất từ ngôi chùa này cả!
2. Ít lâu sau, tui được biết chính xác chùa Bà Đanh trong câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh là Bảo Sơn tự, ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Còn hơn vậy nữa, tui có dịp ra Hà Nam và được bạn là Mẹ Bụ dẫn đi tham quan các danh lam thắng cảnh nơi đây. Thế nhưng...
Chuyến đi ấy diễn ra khi tui mới bị nhồi máu cơ tim và phẫu thuật vài tháng, bác sĩ cấm tuyệt đối mọi di chuyển nặng nhọc, chỉ được đi những nơi bằng phẳng mà thôi. Mà đường lên chùa Bà Đanh thì... không có bằng phẳng. Mẹ Bụ sợ lãnh trách nhiệm nếu chẳng may tui có mệnh hệ nào nên không cho đi. Tui chỉ được hình dung vị trí chùa Bà Đanh, khi xe đi ngang Kim Bảng và bạn chỉ: Chùa Bà Đanh ở đấy đấy!
Tui đành tìm đọc và ghi lại kết quả ở đây vậy:
Chùa Bà Đanh có diện tích khoảng 10 ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Chùa thờ Phật và Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét).
Về tên gọi chùa Bà Đanh thì theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh. Câu thành ngữ “Vắng tanh như chùa Bà Đanh" được lý giải như sau: do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Điều mâu thuẫn là do ngôi chùa là một di tích lịch sử, có phong cảnh rất đẹp, lại nổi tiếng bởi câu thành ngữ Vắng như chùa Bà Đanh cho nên rất nhiều người háo hức muốn đến viếng chùa (trong đó có tui). Cho nên chùa Bà Đanh rất đông khách thập phương đến viếng, và bây giờ người ta phải nói là Đông như chùa Bà Đanh.
Sau này tui biết còn một ngôi chùa mang tên Bà Đanh nữa, là chùa Bà Đanh ở Hải Phòng. Nhưng đó chẳng qua là trùng tên thôi chớ không phải gắn liền với câu Vắng như chùa Bà Đanh như ngôi chùa ở Hà Nam.
3. Vậy là tui vừa kể cho các bạn nghe về những nơi Vắng như chùa Bà Đanh nhưng không vắng gì hết. Sở dĩ bây giờ tui kể các bạn nghe chuyện này là vì bây giờ các bạn muốn thấy cảnh tượng vắng tanh như chùa Bà Đanh thì không cần phải đi dâu xa, Hà Nam, Hà Nội hay Hải Phòng. Chỉ cần bước ra nhìn đường phố là thấy ngay cảnh Vắng tanh như chùa Bà Đanh thôi ấy mà! Hu hu, tiên sư con COVID-19!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét