3 thg 7, 2021

Xáng là gì?

Trước khi người Pháp đến Việt Nam, người Việt ở Nam bộ đã di chuyển trên sông rạch và làm ruộng ở những vùng sông rạch này rồi. Khi người Pháp đến, họ thấy sông rạch tự nhiên (và một số kinh đào như kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà...) là chưa đủ. Họ cho đào kinh thêm ở những nơi có thể làm ruộng được, tạo đường giao thông chuyên chở, rút bớt nước lụt, rút bớt phèn. Khác với những con kinh do người Việt đào trước đó chủ yếu bằng thủ công, những con kinh do người Pháp đào sử dụng phương tiện cơ giới.

Những chiếc máy đào kinh, vét mương rạch này được gọi là xáng. Những con kinh đào bằng xáng được gọi là kinh xáng.

Kinh Xáng Xà No. Ảnh: Lý Anh Lam

Người dân miền Tây thấy hoạt động của chiếc xáng thế nào thì tự đặt tên để gọi thế ấy, do đó họ có những tên gọi xáng múc, xáng cạp...

Xáng múc là những chiếc xáng xúc (múc) bùn, đất như vầy:



Khi tui học trong trường kỹ thuật thì loại thiết bị cơ giới như thế này gọi là máy xúc gàu nghịch. Đã có gàu nghịch thì phải có gàu thuận. Chiếc máy xúc gàu thuận như vầy:


Có lẽ cả 2 dạng máy xúc này đều được người dân gọi là xáng múc.

Còn xáng cạp là loại có cái gàu gồm 2 mảnh để cạp đất như vầy:


Loại này thuật ngữ kỹ thuật gọi là máy xúc gàu ngoạm.

Các danh từ máy xúc gàu thuận, gàu nghịch, gàu ngoạm in trong sách kỹ thuật xuất bản ở miền Bắc nên chắc xuất phát từ đó. Kêu là xáng múc, xáng cạp có vẻ thân thiện, dễ hiểu hơn. Phải hông?

Vậy còn chữ xáng thì xuất phát từ đâu?

Khoảng 1866, người Pháp đã cho xáng qua nạo vét rạch Bến Lức và sông Bảo Định. Sau đó, người Pháp lại dùng xáng đào kinh Chợ Gạo, kinh Trà Ôn. Đến năm 1901, đào kinh xáng Xà No, là công trình đào kinh lớn nhất thuở ấy. Người dân Nam bộ lần đầu tiên thấy những thiết bị cơ giới to lớn như vậy và lấy làm kinh ngạc, cụ Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thuật lại: "Rõ ràng là những con quái vật bằng sắt, khổng lồ, vô địch, ngày đêm gào thét 4, 5 ngàn thước còn nghe lồng lộng".

Hoàn cảnh lịch sử như vậy nên có thể khẳng định chữ xáng là từ tiếng Pháp mà ra. Nhưng là từ chữ nào?

Tất cả các từ điển tiếng Việt tui có đều giải nghĩa chữ xáng như một từ tiếng Việt. Thí dụ:

Tự điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ: Xáng: máy đào kênh và vét bùn.

Tự điển phương ngữ Nam bộ của Bùi Thanh Kiên: Xáng: máy trang bị cần cẩu gắn cái gàu to để cạp xúc lượng bùn đất lớn, nạo vét kinh rạch sông ngòi.

Tự điển từ ngữ tiếng Việt Nam bộ của Huỳnh Công Tín: Xáng: phương tiện di chuyển dưới nước, dùng để đào kênh, vét bùn.

Trong tiếng Pháp, máy xúc là excavateur, excavatrice, máy đào là pelle. Chẳng có chữ nào phát âm gần với xáng cả.

Tìm mãi mới ra được một bài giải thích về xuất xứ của từ xáng như sau:

“Xà lan” hoặc “xáng” là từ phiên âm từ tiếng Pháp “chaland” - một loại tàu có khoang chứa rộng thường dùng để chở hàng hóa nặng như vật liệu xây dựng, máy móc… Về việc phiên âm từ “chaland”, trong cách đọc và cách viết có khác nhau. Trong tiếng Pháp, phụ âm “ch” đọc như “s” nhưng cong lưỡi nhiều hơn, do vậy khi phiên âm là “sà lan” thì hợp hơn (nhiều tự điển tiếng Việt phiên âm như thế). Nhưng người miền Nam hay dùng từ “xà lan”, do vậy khi Việt hóa từ này thì trở thành “xáng”.

(Theo T.C. trên báo Bạc Liêu ngày 14/12/2012)

Tui nhớ mang máng ở đâu đó cụ Vương Hồng Sển hoặc cụ Sơn Nam cũng có giải thích tương tự như vây.

Theo giải thích này thì xáng phát xuất từ chaland, tức xà lan. Nghe có vẻ không thuyết phục lắm. Vì chữ chaland đã được Việt hóa thành sà lan hoặc xà lan lâu rồi và có ý nghĩa khác (ý nghĩa gốc của nó (phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông, có đáy bằng, thành thấp), chẳng lẽ lại biến thành xáng với nghĩa khác?

Tui không dám qua mặt các vị tiền bối, cũng như những vị đã có dịp tìm hiểu sâu sắc về đời sống Nam bộ thời xưa, nên cũng xin ghi nhận giải thích trên. Thế nhưng sự tò mò cứ thôi thúc tui phải kiếm ra một từ khác có thể là nguồn phát sinh của chữ xáng.

Rồi tui tìm ra chữ này: Người Pháp gọi các công trường đào kinh là chantier de canalisation. Phải chăng khi thi công đào kinh họ gọi tắt là chantier (công trường), giống như ta nói đi công trường, ra công trường... Người Việt nghe âm chan(tier) phiên âm thành xáng?

Tui không phải chuyên gia, nên nghĩ sao viết vậy thôi, có sai thì mọi người bỏ qua cho. Còn nếu cảm thấy có lý thì xin gật đầu nói: Ừ, héng!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét