Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề!
Ẩn Lan ơi! Ơi mái tóc thề!
Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn.
Ẩn Lan ơi, như những cơn buồn
Ẩn Lan là ai? Trong giai điệu miên man của bài hát, nét hư ảo của lời thơ, ta mơ màng không biết nàng là thực hay mộng mà lờ lững khói sương...
Thật ra câu trả lời cho Ẩn Lan là ai? khá rõ ràng, nếu ta biết được bài thơ của Phạm Thiên Thư mà Phạm Duy đã dựa vào đó để phổ nhạc. Đó là một đoạn thơ từ câu 1.717 đến 1.750 của Bức thứ 16 trong tác phẩm thơ Đoạn trường vô thanh (nhà thơ dùng chữ Bức để chỉ từng chương trong truyện thơ dài 3.296 câu lục bát của mình, với ý nghĩa tương tự như chữ bức trong bức thư, bức tranh...).
Tựa đề của Bức thứ 16 là Ai để hoa dung, với phần tóm lược nội dung như sau: Vương Quan hồi tưởng người yêu cũ – nàng Ẩn Lan (con gái Hồ ông), và dự định đi theo Ngô Khôi thăm Thầy học.
Vương Quan ở đây chính là em trai của Vương Thúy Kiều và Thúy Vân. Người yêu của chàng - nàng Ẩn Lan - xuất hiện lần đầu từ Bức thứ 14, với nội dung: Ngô Khôi tới dâng Kim Trọng đôi chim Đại Hồi, nhờ vậy Vương Quan đã tìm được tung tích Hồ Ông (Thầy học của Kim, Quan, Kiều) – Dòng dõi Hồ Quý Ly (Việt Nam) lưu lạc bên Tàu, là một học giả chủ trương (“Tư Hòa Hành Hóa”).
Trước đó, ở Bức thứ 13, một bà cụ già đã tới công đường nơi Kim Trọng làm việc để xin giải oan cho người con trai. Kim Trọng đã tra xét và giải oan cho người này. Anh ta là Ngô Khôi. Ngô Khôi được thả khỏi tù, về quê nhà, sau đó anh mang đến đôi chim Đại Hồi để cảm tạ Kim Trọng. Ngô Khôi kể chuyện quê nhà mình như sau:
Có Thầy ở nước Đại Ngu,
Là Hồ ẩn sĩ dật cư chốn này.
Tổ tiên lưu lạc qua đây,
Cố hương cách mấy trùng mây quan hà.
Sống cùng ái nữ hiền hòa,
Sắc tài đôi vẻ tên là Ẩn Lan.
Sớm trưa canh cửi tằm tang,
Xuống khe giặt lụa, lên ngàn dạo chơi.
Nghe kể, Kim Trọng và Vương Quan giật mình nhận ra đó chính là thầy mình. Nhiều năm trước thầy đã về núi ẩn cư, còn gia đình Vương - Kim cũng cũng lưu lạc xa quê.
Vương, Kim vừa thoáng nghe lời,
Nhìn nhau xúc động bồi hồi – Thầy xưa!
Bao năm đằng đẵng ai ngờ,
Mây còn quyện núi, nước chưa qua cầu.
Vương truyền: người hãy trình mau,
Tiểu thư còn biệt hiệu “Sầu Hoa Dung”?
Họ Ngô xiết đỗi lạ lùng,
Quan đây, Thầy đó hẳn chung họ hàng.
Bẩm Quan quả đúng hiệu nàng,
Người còn tôn bậc chúa lan tuyệt trần.
Kim Trọng chỉ nhớ đến ngày xưa cùng Vương Quan chung học với thầy, còn Vương Quan thì... nhớ nhiều hơn thế nữa, nhớ những phút giây êm đềm cùng nàng Ẩn Lan - như ta đã cảm thấy trong Gọi em là đóa hoa sầu. Lời bài hát được viết dựa theo đoạn này.
Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu.
Tiếng nàng hát vọng đôi câu,
Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ.
Lều tranh còn ủ chăn mơ,
Mối tình là một bài thơ vô đề.
Ẩn Lan ơi! mái tóc thề,
Gió xuân nay có vỗ về suối hương.
Đêm nao ngồi học bên tường,
Nến leo lét lụi, chữ vương vất chìm.
Ngoài song thoảng tiếng hài im,
Như trăng buông hạt tơ chìm kiêu sa.
Lan cười đưa đến cho ta,
Sợi dài tóc buộc chùm hoa ngâu vàng.
Sách thơm áp má mơ màng,
Tỉnh ra hương thoảng bóng lan chập chờn.
Nhớ khi em dỗi em hờn,
Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng.
Nhớ đêm nằm võng ngó trăng,
Đếm ngôi sao sáng lại rằng sáng sao.
Giọng em lanh lảnh tiếng cao,
Răng em tươi hạt ngọc nào long lanh.
Nền trời mây lại qua nhanh,
Viền trăng vương phải đầu cành vỡ tan.
Những đêm trời tối như than,
Bắt con đom đóm trên giàn mồng tơi.
Cho em, em cất tiếng cười,
Hất tay em thả đóm trời tung bay.
Vòi ta đuổi bắt lại ngay,
Thả đi, đòi lại mãi đày đọa nhau.
Gọi em là vẻ hoa sầu,
Lan đòi nụ bưởi cài đầu làm duyên.
Nhặt son trên núi mài nghiên,
Thơ anh em điểm dấu son màu hồng.
Nhưng sau đó thì sao? Nàng theo cha - cũng là thầy của chàng - ra đi biền biệt.
Tưởng khi đỗ đạt thành công,
Tay đan suối tóc, hoa lồng trăng non.
Chưa thề sông cạn đá mòn,
Trang tình đã điểm dấu son đầu đời.
Dường trong ánh mắt tiếng cười,
Vẻ như ngượng ngập mở lời con tim.
Thế rồi – tăm cá bóng chim,
Theo Thầy ẩn dật dời miền đi xa.
Còn chàng thì:
Thế rồi vâng lệnh song thân,
Se duyên cùng với giai nhân xóm ngoài.
Tới đây chắc các bạn lại tò mò muốn biết sau đó nữa thì sao? Vương Quan có đi tìm Ẩn Lan hay không? Chuyện tình của họ thế nào?
Thì đây, Vương Quan đã theo Ngô Khôi về quê để tìm thăm thầy (chuyện đó chắc là phụ) và gặp lại người yêu xưa (chuyện này mới là chính). Chàng đã gặp và quay về kể với chị mình là Thúy Kiều như sau:
Ẩn Lan giờ vẫn đẹp tươi,
Một chiều bên suối ngỏ lời hằng mơ.
Chỉ bông hoa nở ven bờ,
Nàng rằng: suối chảy có chờ đâu hoa.
Nhắc chi chuyện cũ đôi ta,
Ngày nay Lan vẫn như là ngày xưa.
Vì gì chung nắng chia mưa,
Giữ thơm mộng cũ ngày chưa ngọc vàng.
Vậy là xong! Câu chuyện Vương Quan - Ẩn Lan tới đây là hết.
Thật ra, không cần biết Ẩn Lan là ai, chỉ cần biết gọi em là đóa hoa sầu là đủ rồi. Lời thơ ấy, giai điệu ấy đã đủ đưa ta đi vào một cõi xa xưa trong thời gian và hư ảo trong không gian. Không biết nàng là ai, người hay tiên, hay chỉ là một cành lan ẩn hiện trong chốn sương khói mông lung càng khiến giấc mơ của ta thêm mênh mang kỳ ảo...
Bài viết này chỉ nhằm thỏa mãn chút tò mò của bạn thôi. Đọc xong bạn chẳng cần phải nhớ, hãy quên đi và thưởng thức những âm thanh dìu dặt nhé...
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét