20 thg 7, 2021

Rừng chiều, sữa chảy vi vu...

Miền Nam có nhiều bài hát nhắc về thời điểm chia đôi đất nước 20/7/1954 và đặc biệt là nói về dòng người di cư sau Hiệp định Genève, thí dụ như Khúc hát ân tình của Xuân Tiên (Người từ là từ phương Bắc - Đã qua dòng sông, sông dài...) hay Tiếng hò miền Nam của Phạm Duy (Nghe chăng tiếng hò dân ta - Tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió...).

Cùng nghe lại bài Tiếng hò miền Nam qua giọng ca Hương Lan nhen.


Sheet nhạc bài Tiếng hò miền Nam hồi xuất bản năm 1956 như vầy:




So với sheet nhạc này thì có chỗ này Hương Lan hát lới khác đi:

Rừng chiều sữa chảy vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa

Hương Lan hát thành

Rừng chiều suối chảy vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa

Không chỉ Hương Lan, các ca sĩ khác như Phi Nhung, Sơn Tuyền cũng thế... Lại có một số trường hợp khác hát thành: Rừng chiều gió thổi vi vu hay Đường chiều gió thổi vi vu. Thí dụ trong bài này:


Tui ghi là hát khác đi chớ không dám khẳng định là hát sai. Bởi vì có thể Phạm Duy đã đồng ý cho hát như vậy, hoặc chính ông đã sửa lại lời bài hát như vậy.

Nhưng tại sao lại phải sửa? Ở đây không phải cái kiểu phạm húy như nhiều bài hát khác muốn hát trong thời này phải sửa, mà vì lời bài hát khó hiểu quá, thậm chí vô lý nữa. Cái gì mà Rừng chiều sữa chảy vi vu? Trong rừng thì sữa ở đâu mà chảy?

Thật ra thì đây là một ý rất hay nếu ta liên hệ với đoạn trước: Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về Qua vùng Đất Đỏ rồi ra Biên Hòa. Đồng Nai, Biên Hòa thuở đó tức là bao gồm cả Long Khánh, có rất nhiều rừng cao su, và người dân di cư vào miền Nam, đến Biên Hòa, Đồng Nai làm công nhân cao su là chuyện hợp lý. Trong rừng cao su, mủ cao su chảy như dòng sữa trắng nên Phạm Duy thơ mộng hóa nó thành hình ảnh Rừng chiều sữa chảy vi vu thì... hay quá chớ sao?

Rừng chiều sữa chảy là như vầy nè!

Có lẽ sau này thấy hình ảnh ví von mủ cao su chảy như sữa chảy mang tính quá đặc thù, khiến nhiều người khó hiểu nên lời bài hát được sửa thành suối chảy hay gió thổi. Điều này không làm giảm ý nghĩa của bài hát mà còn làm nó mang tính phổ quát hơn (trong rừng mà có suối chảy hay gió thổi là hợp lý, và ai cũng hiểu). Riêng tui, tui thích câu Rừng chiều sữa chảy vi vu hơn, vì nó gợi nhớ rừng cao su quê nhà, cũng là một nét đặc trưng của miền Nam.

Phạm Hoài Nhân

Tiếng Hò miền Nam
Ghi theo sheet nhạc năm 1956

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Ai li hò lờ! Ai li hò lờ!

Đường về lối bạn không xa
Qua vùng Đất Đỏ, rồi ra Biên Hoà
Ai li hò lờ! Ai li hò lờ !

Nghe chăng tiếng hò dân ta
Tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
Nghe đây tiếng người công phu
Biết tìm Tự do, tránh xa ngục tù

Rừng chiều sữa chảy vi vu
Tình nghèo vẫn nở như hoa
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng cười đôi ta, Nam Bắc một nhà.

Chiều chiều, ngọn gió đẩy đưa
Mẹ hiền nựng bé ngủ mơ
Yêu con thơ mỹ miều
Yêu non sông rất nhiều
Vẳng lời hò mến yêu.

Nhà Bè nước chảy chia đôi
Ai về dưới ruộng cùng tôi thì về
Ai li hò lờ! Ai li hò lờ!

Đường về nước chảy xuôi mau
Con đò tới mũi Cà Mau truyện trò
Ai li hò lờ! Ai li hò lớ!

Quê em mãi tận Hà Tiên
Có hạt tiêu cay, có tình quyến luyến
Đưa anh tới miền Cần Thơ
Dưới hàng dừa cao, trái thơm ngọt ngào

Ruộng đồng lúa trổ bông mau
Lạch nguồn cá lội xôn xao
Đêm hôm nao gió về biển Đông
Cuốn mối tình Cửu Long, xe kết đôi lòng.

Ngày nào cạn nước Đồng Nai
Ngày nào cạn nước ngoài khơi
Non sông ta xóa mờ
Không ai nghe tiếng hò
Thì lời nguyền mới phai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét