Cổng chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Ngôi chùa có kiến trúc khá ấn tượng, nhưng ấn tượng hơn cả lại là những truyền thuyết chung quanh nó. Qua lời kể của những người ở chùa và tìm hiểu thêm qua website của Phật giáo Tiền Giang thì những giai thoại ấy như sau:
Thuở xưa, nền chùa là một khu đất hoang vu. Mục đồng thả trâu đi ăn, thường tụ họp tại đây để chơi đùa. rồi đốn cây, kéo lá, cất một cái chòi để nghỉ ngơi, nắn tượng Phật mà thờ phụng. Sau dân làng thấy có nhân duyên, nên dựng thành chùa gọi là chùa Mục đồng. Sau nữa, có thầy địa lý, nhân dịp tá túc tại chùa, xem khu đất xong khen rằng: “Chùa này phong thủy rất đẹp, ngày sau sẽ có chơn mạng Đế Vương đến ngự”. Nhân đó mới đặt tên chùa là Long Nguyên.
Mặt trong cổng chùa. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang
Vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhà sư Nguyễn Phước Chánh (? -1816) đến trụ trì (sau là hòa thượng Nguyệt Hiện, pháp danh Thiệt Thanh). Trong thời gian ông trụ trì, có lúc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến tá túc tại chùa.
Khi Nguyễn Phúc Ánh đến chùa, trang phục như kẻ thường dân, nói là khách phương xa đến xin nghỉ nhờ, không cho biết rõ tung tích. Hòa thượng Nguyệt Hiện xem dung mạo cử chỉ và xét tình thế hiện tại cũng đã thầm nghi, nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế mà thôi. Lúc ấy chúa Nguyễn lâm bịnh nặng, may nhờ hòa thượng là người giỏi về dược thảo, điều trị được thuyên giảm. Khi ấy, chúa Nguyễn mới nhận thật với sư.
Vài hôm sau, quân Tây Sơn đuổi đến. Cửa chùa lúc ấy bỗng nhiên nhện giăng phủ cả lối vào, cảnh trông hoang vắng, như đã lâu không người đặt chân đến. Toán quân đầu tiên thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạng nhện phủ che, do dự hồi lâu, rồi có lẽ nghĩ chắc không ai nên kéo nhau đi thẳng.
Chùa Sắc Tứ Linh Thứu. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang
Vì vẫn còn những toán quân sau nên trong chùa Chúa tôi hoảng hốt, chưa biết nơi nào ẩn thân, thì hòa thượng sực nhớ cái đại hồng chung trên đại điện, liền quì xuống tâu với chúa, xin tạm vào đó lánh nạn. Thế rồi hòa thượng cùng vài chú tiểu phụ nhau úp chuông xuống, cho Nguyễn Ánh chui vào trong.
Khi toán quân kế tiếp đến bao vây xung quanh chùa, song chẳng thấy chi cả. Đến chỗ đại hồng chung, một ít quân có ý nghi, cùng nhau xô thử, song chẳng thấy chuyển, sau cùng toán quân bỏ đi. Nguyễn vương thoát nạn.
Đại hồng chung tại chùa Linh Thứu. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang
Nhờ công trạng đó nên vào năm Gia Long thứ 11 (1812), hòa thượng Nguyệt Hiện được phong Tăng Cang, chùa Long Nguyên được “sắc tứ” và đổi tên là Sắc tứ Long Tuyền tự, vua còn cấp cho 10 dân phu chăm sóc quét dọn chùa. Khi hòa thượng viên tịch, triều đình ban thụy hiệu là Mẫn Huệ hòa thượng.
Năm 1830, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Minh Mạng, triều đình đổi hiệu “Sắc tứ Long Tuyền tự” thành “Sắc tứ Linh Thứu tự”.
Khoảng năm 1890, Sắc tứ Linh Thứu tự được hòa thượng Trà Chánh Hậu trùng tu khá quy mô. Đến đời Bảo Đại, chùa Linh Thứu được sắc tứ lần thứ ba.
Như vậy, ban đầu chùa là chùa Mục Đồng, chùa Long Nguyên, rồi chùa Long Tuyền, sau đó là Sắc Tứ Long Tuyền từ 1812 rồi Sắc Tứ Linh Thứu từ 1830.
Câu chuyện về chiếc chuông đồng cứu Chúa và những tình tiết ly kỳ xung quanh được thêu dệt rất nhiều, và tất nhiên là khách viếng chùa (như tui chẳng hạn) đều được kể lại và được chỉ vào chiếc chuông vẫn đang còn tại chùa như một minh chứng, với niềm tự hào rất lớn. Thế nhưng...
Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện. Câu chuyện chuông đồng cứu chúa chỉ mới được ghi nhận trong Địa chí Mỹ Tho năm 1937 (Monographie de la province de Mytho 1937), còn trước đó trong các tư liệu lịch sử về chùa chiền ở Nam bộ chưa hề thấy ghi chép. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho biết chuông đồng này chỉ mới được đúc năm 1805. Cụ thể, trên thân chuông có khắc chữ: “Thiên vận Ất Sửu niên, tứ nguyệt cát tạo; Long Nguyên tự bổn đạo chú tạo hồng chung” (theo ông, năm Ất Sửu chính là 1805).
Nếu đã lập luận như trên, ắt hẳn phải có ai đó, lúc nào đó, vì lý do nào đó đã dựng lên câu chuyện. Tác giả Hoàng Phương - Ngọc Phan trên báo Thanh niên số ra ngày 5/8/2012 nêu ra lời giải khá... giựt mình như sau:
Tranh vẽ vua Gia Long tại chùa. Ảnh: Phật giáo Tiền Giang
Những người bênh vực cho truyền thuyết có thể cãi rằng Ất Sửu không phải là 1805 mà là... 1745, cái chuông tuy nhỏ nhưng lúc ấy tình thế cấp bách Nguyễn Phúc Ánh vẫn có thể chui vào, hoặc táo bạo hơn: đó là... cái chuông khác, giờ đã mất rồi!
Dù sao thì cuối cùng có một chuyện mà ta tin chắc là có thiệt: đó là Nguyễn Ánh đã từng chạy loạn tới đây, được nhà chùa cứu giúp. Nhớ ơn đó, ông đã sắc tứ cho chùa. Những chuyện còn lại thì... nghe cho vui, đúng cũng được mà sai cũng được!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét