6 thg 11, 2021

Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm

Có lẽ hầu hết người du lịch lên núi Cấm đều có mục đích quan trọng là chiêm ngưỡng tượng Phật Di Lặc khổng lồ tại đây, và tất nhiên là chụp ảnh lưu niệm dưới chân tượng. Bài viết về tượng Di Lặc rất nhiều và cung cấp rất nhiều thông tin nên tui không đăng lại nữa, ở đây chỉ xin đăng một số hình ảnh những lần viếng thăm để ghi lại kỷ niệm, cùng một vài cảm nhận nho nhỏ.

Tượng Phật Di Lặc núi Cấm 2021. Ảnh: PHN

Tại sao lại là Phật Di Lặc?

Có lẽ không nơi đâu tôn trí tượng Phật Di Lặc phù hợp cho bằng đỉnh núi Cấm, và ngược lại, nếu muốn đặt trên núi Cấm một pho tượng Phật thì không vị Phật nào phù hợp cho bằng Phật Di Lặc. Tại sao?

Miền Tây Nam bộ là nơi phát sinh nhiều hệ phái tôn giáo như Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... Các hệ phái tôn giáo này có nền tảng là Phật giáo và ít nhiều đều có hoài bão về hội Long Hoa, về sự ra đời của Đức Phật vị lai, tức Phật Di Lặc. Những hệ phái tôn giáo ấy hấu hết đều gắn bó với vùng Thất Sơn, là vùng núi non hiếm hoi của miền đồng bằng này với những ngọn núi thâm u, nhuốm vẻ linh thiêng, huyền bí. Mà trong Thất Sơn thì ngọn cao nhứt chính là Núi Cấm. Vì vậy, tôn trí tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm là điều rất hợp lý.

Tượng Phật Di Lặc núi Cấm 2021. Ảnh: PHN

Phật Lớn ở chùa Phật Lớn

Du khách đi cáp treo lên núi Cấm sẽ tới chùa Phật Lớn trước nhất, và đây cũng là điểm tham quan - hành hương nổi tiếng trên núi Cấm. Người ta dễ nghĩ rằng chữ Phật Lớn trong tên chùa Phật Lớn là chỉ pho tượng Phật Di Lặc này. Điều này... đúng mà sai!

Đúng, vì tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm là do chùa Phật Lớn tổ chức xây và quản lý. Sai, vì tên Phật Lớn của chùa là chỉ một pho tượng khác, đã có ở chùa từ rất lâu, thuở mới khai sơn. Pho tượng này lớn lắm, cao tới... 1,8 met. Hỏi sao kỳ vậy à? Ừ, chùa được lập nên năm 1912, hồi đó pho tượng như vậy là lớn lắm rồi!

Tượng Phật Lớn ở chùa Phật Lớn, năm 2021. Ảnh: PHN

Ai mà làm đẹp quá vậy ta?

Tạc nên một bức tượng đẹp không dễ, tạc một bức tượng khổng lổ ở trên núi lại càng khó. Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm cao đến 33,6 met, lại tọa lạc trên núi ở độ cao trên 500 met, vậy mà vẫn đạt được vẻ đẹp thanh thoát đến từng chi tiết thì quả là vô cùng đáng kính phục.


Những đường nét rất tinh tế của bức tượng. Ảnh: PHN, năm 2007

Tác giả thiết kế và chủ trì thi công bức tượng là điêu khắc gia Thụy Lam. Ông tên thật là Phạm Dân Chủ, sinh năm 1945 tại An Giang, hiện sống tại TPHCM. Đứng nghĩ là ông tốt nghiệp đại học kiến trúc hay mỹ thuật nào nghe. Ông tốt nghiệp trường đời.

Điêu khắc gia Thụy Lam dưới chân tượng Phật Di Lặc núi Cấm. Bạn đoán coi ông là người nào? Mập và mặc áo trắng giống như pho tượng mà ông thiết kế hay ngược lại? Ảnh: kyluc.vn

Điêu khắc gia Thụy Lam. Ảnh: kyluc.vn

Những bức ảnh lưu niệm:


Ảnh năm 2007. PHN





Năm 2010, tượng đang được trùng tu, sơn phết lại. Hãy để ý hình ảnh những người thợ đang thi công, nhìn họ bé xíu. Ảnh: PHN





Bên trong lòng tượng, năm 2010. Các bản vẽ thiết kế nội thất trong lòng tượng (click vào ảnh để xem phóng to). Ảnh: PHN.

Hầu như ở góc nào ta cũng có thể nhìn thấy tượng Phật



Tượng Phật Di Lặc núi Cấm, năm 2021. Ảnh: PHN

Bên trong lòng tượng, năm 2021. Dường như do những điều kiện khách quan, người ta đã không thực hiện được theo thiết kế đã thấy năm 2010. Ảnh: PHN

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Dạ thưa anh, Em là tác giả của nội dung bên trong tượng Bồ Tát Di Lặc đây ạ, em tên Đông. Sau quá trình thiết kế kéo dài gần 10 năm do điều kiện khách quan, toàn bộ nội dung đã được thay đổi để phù hợp với nội dung, bố cục của nội thất tượng và các tích của Bồ Tát Di Lặc trong kinh sách đó anh.
    P/s: hồ sơ cũ cũng có em đồng tác giả!

    Trả lờiXóa