30 thg 11, 2021

Tản mạn về những ca khúc nhắc đến nhiều địa danh

Nếu nói tựa bài hát nào có nhiều địa danh nhất - và nổi tiếng nữa - thì chắc là bài Huế - Sài Gòn - Hà Nội của Trịnh Công Sơn.

Còn nếu xét trong lời bài hát thì khó mà biết và kể cho hết. Ở đây chắc cũng cần nói thêm rằng địa danh không chỉ là tên thành phố, tỉnh mà gồm cả tên sông, tên núi, tên đường, tên vùng đất... có nghĩa là đúng theo định nghĩa của từ địa danh.


Một trong những bài hát nhắc đến nhiều địa danh nhứt mà tui nhớ là bài Thăm những vùng địa sử của nhạc sĩ Thanh Sơn. Bài này sáng tác trước 75 và được đặt tựa như trên, sau này đổi thành Những vùng đất mang tên anh. Như chính tên bài hát đã nói, nó bao gồm những vùng đất mang tên anh nên kể ra thiệt nhiều địa danh, thường là địa danh chiến trường (như tựa ban đầu đã nói: vùng địa sử). Để điểm danh, chắc ta xem lại toàn bộ lời bài hát nhé:


Tàn chiến cuộc em đi theo anh
tới những vùng phố thị buồn tênh
Thương quê hương đất Quảng điêu tàn
Nhìn Hải Lăng nhớ về Thạch Hãn
Dòng Mỹ Chánh nước xông mùi hôi tanh
hỡi Cổ Thành một thời vang danh !

Thị trấn buồn cao nguyên cheo leo
gió buốt miền đất đỏ mù sương
Kontum đây với những kiêu hùng
Kìa Charlie núi rừng thung lũng
Về Chu Prao hát ca ngợi Ko Man
Dak Lak ngày nào còn hiên ngang !

ĐK:
Sẽ thấy một ngày Quê hương ta hòa bình
Màu cờ Việt Nam phất phới thêm đẹp xinh
Hỡi những ai người da chung màu vàng
Mau hãy xây dựng quê hương với nhau

Sẽ thấy một ngày quê hương ta hòa bình
để nhìn cọng rau cây lúa được bình yên
Hãy hát ca mừng anh em một nhà
Địa sử oai hùng Việt Nam quê hương ta !

Rừng ngút ngàn cao su mênh mông
chiến tích còn An Lộc - Bình Long
Quê hương gây Thế giới kinh hoàng
Lộ 13 dưới trận mưa pháo
Giọt nước mắt khóc linh hồn vô danh
đó An Lộc địa sử ghi danh !

Đồng Tháp Mười bao năm kiên gan
với chiến trường Cái Bè, Sầm Giang
Kiên Giang hay Bến Tre, Chương Thiện
Định Tường đây với Cần Thơ đó
mình đi thăm Sóc Trăng rồi U Minh
Suốt một vòng địa sử quê hương!

Trong bài này, đếm những chữ in đậm, ta được 24 địa danh.

Sau 75, lại cũng chính nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác một ca khúc nhắc đến nhiều địa danh. Đó là bài Hành trình trên đất phù sa. Qua tựa bài hát, ta có thể thấy các địa danh được nhắc đến trong bài là ở miền Tây Nam bộ.


Chim tung bay hót vang trong bình minh,
Chân cô đơn, áo phong sương hành trình
Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho, xuôi về Gò Công, 
Tiền Giang ngút ngàn như một tấm thảm lúa vàng

Thương em tôi áo đơn sơ bà ba, 
trên lưng trâu nước da nâu mặn mà
Hò hò ơi! Cây lúa tốt tươi sông bồi mùi phù sa
đẹp duyên Tháp Mười, quên đời tảo tần vui cười

Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây, 
ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây
Ngồ ngộ ghê, gái miền Tây má hây hây, 
chất phác bao đời bao thế hệ
Phù sa ơi đậm đà hương quê...

Qua Long Xuyên đến Vĩnh Long, Trà Vinh
Sông quê tôi sống trong tim đậm tình
Phù sa ơi! ngây ngất bước chân, tôi về không nỡ 
ở cũng chẳng đành, quê miền đất ngọt an lành

Quê hương tôi có con sông tên Cửu Long
Dân quê tôi sống quanh năm quen ruộng đồng
Từ ngàn xưa, cây lúa đã nuôi dân mình no ấm 
Phù sa mát ngọt như dòng sữa mẹ muôn đời

Đêm trăng thanh chiếu trên sông Cần Thơ
Vang xa xa thoáng câu ca hò lờ
Về Tây Đô nhớ ghé Sóc Trăng nghe điêụ lâm thôn
dù kê hát đình nhưng tình cảm gần gũi mình

Nắng sớm về trái chín thật mau, 
Cơn mưa chiều tươí mát ruộng sâu
Phù sa ơi! bốn mùa cây trái đơm bông, 
Gái bên trai tình quê thắm nồng
Điệu dân ca ngọt ngào mênh mông

Sông quê ơi, nắng mưa bao ngàn xưa, 
Tôi không quên lũy tre xanh hàng dừa
Về Bạc Liêu nghe hát sáu câu, rao đờn vọng cổ
Cà Mau cuối trời đôi lời gởi lại chút tình

Bài kế tiếp là Tiếng hát từ Bình Long về Trị Thiên anh dũng. Nghe tựa lạ quá hả? Thật ra đây là một ca khúc rất quen thuộc, tác già là Nguyễn Tấn Lộc, được phát suốt trên TV VNCH vào mùa hè đỏ lửa 1972. Bài hát bắt đầu bằng câu: Hãy tràn lên, trên tuyến xung phong. Thi đua giết thù, ú u ù... Con nít thuộc lòng giai điệu và chế thành: Lý Tiểu Long, anh đá song phi. Bay lên nóc nhà, trúng con gà.


Hãy tràn lên trên tuyến xung phong, thi đua giết thù ú u ù...
Đường Lộc Ninh hôm nay vẫn còn sát cánh chen vai Đông Hà.
Cam Lộ đó đang ngăn bao chiến xa thù tới.
Anh Không Quân hớn hở ném bom giết giặc tơi bời.

Lũy Trường Sơn đang chống xâm lăng hiên ngang tuyến đầu ú u ù...
Rừng Bình Long cao su chiến trường gang thép chôn thây quân thù.
An Lộc đó ta xông lên phản công toàn thắng.
Quân xâm lăng máu đỏ trên đường 13 thênh thang.

Đây Sư Đoàn 5 anh dũng, tên người trai Biệt Động Quân.
Anh lính Dù chân chưa biết lùi.
Nếu Ka Tum công trường 5 quân thù phơi xác
Thì Gio Linh sư đoàn 304 không đất chôn thây.
Thiết giáp Việt Nam vùi tên quân bạo tàn.
Đây Cửa Việt khắc sâu tên người anh Thủy Quân Lục Chiến.
Đây máu quân Cộng đỏ tươi trên bờ vĩ tuyến.
Đây chiến công Sư Đoàn I làm ánh đuốc miền Trung.

Sét miền Tây trên tuyến xung phong thi đua đuổi thù ú u ù...
Đường còn bao gai chông Sư đoàn 18 thi gan kiên cường.
Ta đã thắng, nhân dân ta giết công trường 9.
Anh em ta hớn hở, pháo binh ta thật tuyệt vời.

Đất miền Nam, Sa Cát, Sa Cam vươn lên dưới cờ... ơ... ơ...
Lòng miền Trung kiên gan Cửa Việt phơi xác 5 công trường thù.
Ta đã thắng Trung Đoàn III danh lừng biên trấn.
Quân dân ta không thể tha loài cộng nô xâm lăng
Miền Nam!

Có 15 địa danh được kể ra!

Hiện giờ tui chỉ biết và nhớ được mấy ca khúc có nhắc đến rất nhiều địa danh đó thôi, chờ các bạn góp ý thêm hoặc tui nhớ thêm. Có người nhắc đến một bài hát trong một vở hài kịch của Hoài Linh, liệt kê các địa danh như Ông Tạ, Ông Lãnh, Ông Đồn, Bà Đen, Bà Điểm. Thị Nghè... nhưng thiết nghĩ đó không phải là ca khúc mà chỉ là một bài thơ vui, hoặc bài vè thôi. Và vè, hay ca dao nói về những địa danh lại là một dạng khác mà ta không kể ra ở đây.

Giờ ta thử ôn lại vài ca khúc trong đó nhắc đến ít nhứt 5 - 7 địa danh nhé. Không hiểu sao những ca khúc mà tui nhớ hầu hết đều là chiến đấu ca hoặc thương ca chiến trường, do vậy địa danh ở đó thường là chiến trường,

Kể đến đầu tiên là bài Người ở lại Charlie. Ngoài địa danh đồi Charlie, trong ca khúc còn nhắc đến các địa danh sau:

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu

Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình,
vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

Có 9 địa danh được kể ra!

Còn đây là bài Hòa bình ơi! Việt Nam ơi! của Trầm Tử Thiêng:


Mai đây Hòa Bình
Con tàu chở đoàn người di cư
Về thăm đất Bắc thân yêu
Ðã xa lìa cả thời niên thiếu
...

Mai đây Hòa Bình
Khung trời quê mình rộng bao la
Ðàn chim tung cánh bay xa
Bắc Nam rồi không còn ngăn cách
Hôm qua Sài Gòn
Bây giờ có mặt tại Kontum
Chiều nay khăn gói ra Trung
Sớm mai này đã về Hải Phòng.
...

Hòa Bình Ơi! Hòa Bình Ơi!
Hòa Bình Ơi! Hòa Bình Ơi!
Ta gánh chung đau thương một trời
Nam Bắc ơi. Quê hương, Tình người
Việt Nam Ơi! Việt Nam Ơi!

Có 7 địa danh được kể ra!

À, để thay đổi không khí và khách quan một chút, xin đăng lời vài ca khúc của bên thắng cuộc cùng thời điểm, cũng nhắc đến nhiều địa danh. Đó là bài Mỗi bước ta đi của NS Thuận Yến.

Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân
Miền Nam anh hùng thành đồng Tổ Quốc
Anh đi về đâu từ Quy Nhơn đến Biên Hoà
Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng

Có 5 địa danh được kể ra!

hay bài Bão nổi lên rồi của Trọng Bằng:

Bão nổi lên rồi từ miền Nam quê hương thân yêu
Từ Trị Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng điền
Triệu người bừng bừng cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng
Khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn
Giờ tiến công sục sôi tim muôn người

Có 6 địa danh được kể ra!

Để cập nhật tình hình, xin nhắc đến một ca khúc mới, nói đến Sài Gòn cùng một số địa danh trong những ngày đại dịch. Đó là bài Sài Gòn tôi sẽ... của Nguyễn Thái Dương.

Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời
Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui
Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận
Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng

Và anh rồi sẽ dắt em đi dạo
Quán quen chiếc hôn ta cùng trao

Có 5 địa danh được kể ra!

Và để kết thúc, tui xin nhắc đến 3 ca khúc, số địa danh được nhắc đến không nhiều lắm (chỉ 4), nhưng rất nhiều ray rức, thương yêu.

Đó là bài Kỷ vật cho em của Phạm Duy - Linh Phương:


Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.

Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Haу Đức Ϲơ, Đồng Xoài, Ɓình Giã,

Anh trở về anh trở về hàng câу nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,

Bài Cờ ta bay trên Quảng Trị thân yêu của Lê Kim Hoa

Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào quì hôn đất thân yêu
Quảng Trị ơi, chào quê hương giải phóng
Hồi sinh rồi này mẹ này em
Vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời
...

Đón nhau về, anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà
Sạch bóng thù, đồng hân hoan, quân dân vui
Vang câu hát tự do…

và bài Thương vùng hỏa tuyến của Lê Minh Bằng

Trung Lương ơi!
Đây vùng phi ᴄhιến nay thành khu ᴄhιến từ khi giặc tràn về
Bao người dân trắng tay mà vui ước hẹn đi theo lời thề
Toàn dân thương Trung Lương, toàn quốc thương Gio Linh,
thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.

Để so sánh cái tình cảm nhẹ nhàng tha thiết (có phần mềm yếu) với cái khí thế hừng hực (có phần hung bạo) của Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước, và buông ra lời tự thán: Thôi thế đành thôi!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét