Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và vũ đạo. Ở Việt Nam, nhạc kịch chưa quen thuộc lắm với khán giả. Riêng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, dường như chỉ có duy nhất một người biên soạn nhạc kịch, đó là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Ông đã cho dàn dựng và công diễn 4 vở nhạc kịch lần lượt như sau: "Từ Thức lạc lối bích đào" năm 1963,.“Dương Quý Phi” năm 1964, “Cô gái điên” năm 1966 và "Ả đào say" năm 1968. Trong đó, thành công nhất là vở Ả đào say.
Theo Hoàng Thi Thơ, trước 1975 nhạc kịch Ả đào say đã được trình diễn hơn 100 lần trên sân khấu Maxim và hơn 20 lần trên các sân khấu Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ. Các diễn viên đóng vai chính (Ngọc Huệ, Hoàng Hùng, Liễu Thông) trong nhạc kịch này là Thanh Nga, Vân Hùng, Diệp Lang (1968) sau đó là Xuân Dung, La Thoại Tân, Lưu Hồng; sau ngày lưu vong, tại hải ngoại vở nhạc kịch được dựng lại với Kim Tuyến, Dũng Thanh Lâm, Lưu Hồng (như ta có thể xem tại đây).
Nhạc kịch Ả đào say với Kim Tuyến, Dũng Thanh Lâm, Lưu Hồng. Phần đầu là phỏng vấn NS Hoàng Thi Thơ,
Du Tử Lê đã nhắc rằng: "thời gian này, giới hâm mộ nhạc kịch đã như lên cơn sốt hâm mộ trước vở nhạc kịch “Ả đào say” của họ Hoàng. Vở nhạc kịch, theo tiết lộ của một người trong dòng tộc họ Hoàng ở làng Bích Khê, đã rút cạn tâm trí Hoàng Thi Thơ nửa năm “lao động” không phút nghỉ." (trong bài viết Hoàng Thi Thơ, xuất hiện như cơn lốc lớn trên trang nhà Du Tử Lê, ngày 8/5/2011).
Đào nương bi ca
Thời Ả đào say ra đời và thịnh hành ở Việt Nam, tui mới 9 - 10 tuổi, chưa đủ thích và nhớ một sản phẩm nghệ thuật khá lạ lẫm này, nhưng những giai điệu, khúc hát trong vở nhạc kịch đã được ghi đâu đó trong tiềm thức.
Mùa Thu năm 1977, tui thi đậu ĐH Bách khoa TPHCM và lần đầu tiên xa quê nhà Long Khánh để đi học ở Sài Gòn. Năm học đầu tiên tui chưa xin vô ký túc xá của trường được nên phải ở nhờ nhà cậu Hai, một căn nhà nhỏ dựng trên mặt sông ở xóm nghèo bên rạch Cầu Dừa, đường Bến Vân Đồn, quận 4. Từ nơi ấy, mỗi ngày tui phải dậy thật sớm đi bộ 3 km ra tới trạm xe bus ở công trường Quách thị Trang (chợ Bến Thành) để lên xe bus đi tới trường đua Phú Thọ. Xuống xe ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Ba tháng Hai, tui tiếp tục cuốc bộ 1 km nữa để tới trường. Hồi đó trường học tiết đầu là 6 giờ 30 nên phải đi sớm lắm, còn buổi chiều nếu phải học tiết cuối thì tới 5 giờ 30 mới nghỉ.
Những giờ tui ở nhà cậu Hai không nhiều, chủ yếu là buổi tối và những ngày Chủ Nhật hiếm hoi không về Long Khánh. Hồi ấy, không hiểu sao giữa bao nhiêu sách báo, văn hóa phẩm bị thiêu hủy, bị tịch thu, cậu vẫn còn giữ lại được một băng cassette Ả đào say. Ở gác xép, cậu mở băng và ở nhà dưới tui nghe văng vẳng giai điệu như từ quá khứ vọng về... Giọng ca não nuột lan trên mặt sông buồn tê tái... Đó là khúc ca của đào nương Ngọc Huệ lúc đang tiếp tướng giặc Liễu Thông, đào nương bi ca.
NGỌC HUỆ
Bài ca đào nương
Đây bài ca buồn
Đây bài ca sầu
Sầu vạn cổ nỗi buồn thiên thu
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Nỗi buồn này ai hay
Nỗi buồn này ai hay
Giọng buồn đêm vắng
Đời buồn chia tay
(ớ ớ ơ…)
Cuộc đời đào nương
Đây bài ca buồn
Đây bài ca sầu
Sầu vạn cổ nỗi buồn thiên thu
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Thiên thu (u u…) buồn
Nỗi buồn này ai hay
Nỗi buồn này ai hay
Giọng buồn đêm vắng
Lệ buồn tuôn rơi
Trắng đôi mắt mờ
LIỄU THÔNG
Hay, hay quá chừng
Buồn, như tiếng khóc sầu
Như mùa, mùa đông…
Thương, thương thay cho kiếp đào nương
Thương, thương thay cho phận má hồng
NGỌC HUỆ
Kiếp đào nương
Sầu, sầu như tiếng sáo
Phận má hồng
Buồn, buồn như mùa đông
LIỄU THÔNG
Nhân vô tửu như kỳ vô phong
Uống, uống, uống cho quên hết nỗi buồn trong lòng
NGỌC HUỆ
Nam vô tửu như kỳ vô phong
Uống, uống, uống cho quên hết nỗi buồn trong lòng
LIỄU THÔNG
Dục phá sầu thành khả dùng tửu binh
Uống, uống nữa đi mình
NGỌC HUỆ
Muốn phá thành sầu nên dùng bình rượu
Uống, uống nữa đi
Em xin hầu
(Để xem và nghe đoạn này xin vào clip trên và chọn thời điểm 53 phút 20 giây, hoặc nhấp vào link này: Đào nương bi ca trong nhạc kịch Ả đào say)
Càng mông lung, mơ hồ càng có cảm giác buồn thương, tiếc nhớ...
Đây bài ca buồn
Đây bài ca sầu
Sầu vạn cổ nỗi buồn thiên thu
Tui không biết uống rượu, càng không phải là đào nương, nhưng dường như trong lòng có nỗi buồn hòa cùng khúc đào nương bi ca...
Nỗi buồn này ai hay
Giọng buồn đêm vắng
Đời buồn chia tay
Xin nhắc rằng bấy giờ là mùa thu 1977, chưa xa lắm với biến cố tháng Tư 1975. Những cái gì mất chỉ mới vừa mất và lòng người vẫn đang u hoài tiếc thương ngày xưa bỗng xa vời vợi. Tương lai thì vẫn đang mơ hồ và ngày tháng hiện tại đầy bấp bênh phiền lụy. Não lòng thay, đời sầu như tiếng sáo, buồn như mùa đông.
Buồn, như tiếng khóc sầu
Như mùa, mùa đông…
Thương, thương thay cho kiếp đào nương
Thương, thương thay cho phận má hồng
Kiếp đào nương
Sầu, sầu như tiếng sáo
Phận má hồng
Buồn, buồn như mùa đông
Buồn, buồn như mùa đông
Tui ở nhờ nhà cậu Hai bên rạch Cầu Dừa không lâu. Khi đi rồi, tui không còn nghe khúc hát đào nương ở nhà cậu nữa, và cũng không có dịp nghe lại bất cứ nơi đâu suốt hơn 40 năm. Thế nhưng 40 năm qua, có những lúc ngồi buồn, trong lòng lại nghe vẳng đâu đây ai đang hát: Buồn, như tiếng khóc sầu. Như mùa, mùa đông… Nhất là vào dịp cuối tháng Tư.
Bây giờ đang là như vậy...
Kiếp đào nương
Sầu, sầu như tiếng sáo
Phận má hồng
Buồn, buồn như mùa đông...
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét