17 thg 4, 2022

Một người ngã gục là mười người đứng lên

Năm 1972, khi chiến sự diễn ra ác liệt, trên các phương tiện truyền thanh truyền hình Việt Nam Cộng Hòa thường xuyên phát các bản hùng ca khơi dậy tinh thần chiến đấu. Các bản nhạc ấy được phát ở thời gian gián cách giữa các chương trình và không giới thiệu tên bài hát cũng như tác giả, nhưng nhiều bài rất truyền cảm và đi vào lòng người. Một trong những bài hát ấy như sau:

Một người ngã gục, là mười người đứng lên
Mười người ngã gục, là ngàn người đứng lên
Ngàn người ngã gục, là vạn người đứng lên
Mình mà ngã gục, là dòng Lạc Hồng đứng lên

Đứng lên, đứng lên cùng một lòng
Cứu nguy, cứu nguy người Việt hùng
Dù xương phơi trắng đồng
Ruộng nương loang máu hồng
Cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn, muôn năm vẫn còn
Cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn, muôn năm vẫn còn

Còn quê hương thì còn cơm ngon
Còn quê hương thì còn danh thơm
Còn quê hương thì còn yêu thương và còn tất cả
Tất cả, tất cả những gì mình thiết tha

Sau biến cố 1975, ở hải ngoại bài hát này được trình bày lại như một hành khúc của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trên YouTube, thịnh hành nhất là bản được trình bày bởi Nguyệt Ánh và Việt Dũng. Bài hát được mang tựa đề là Sáng danh Lạc Hồng, tác giả là Cục Chính huấn Việt Nam Cộng Hòa.


Tác già là Cục Chính huấn thì... đúng rồi, vì đây là nơi phổ biến bài hát, phục vụ cho công tác chiến tranh chính trị. Nhưng nó cũng khiến người ta thắc mắc: dù là bài hát của một tổ chức thì nó cũng phải có tác giả cụ thể chớ!

Lần tìm nguồn gốc của bài Sáng danh Lạc Hồng, có lẽ không ít người bất ngờ khi biết tác giả bài hát là... nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, và đây là một đoạn nhạc trong nhạc kịch Ả đào say của ông sáng tác năm 1968.

Nhạc kịch Ả đào say là vở nhạc kịch thứ 4 của Hoàng Thi Thơ, được ông cho ra mắt năm 1968. Nội dung nhạc kịch lấy bối cảnh là thành Thăng Long trong thời kháng chiến chống quân Minh. Ngọc Huệ là một cô đào tài sắc ở quán rượu ngoại ô thành Thăng Long. Cô yêu Hoàng Hùng, một tráng sĩ của nghĩa quân Lam Sơn. Đêm ấy, Hoàng Hùng hẹn gặp cô để chia tay vĩnh viễn: chàng sẽ làm cảm tử quân xông vào đốt đồn giặc. 

Đoạn nhạc mà chúng ta đã nghe là lời tâm sự trước lúc Hoàng Hùng ra đi, hy sinh vì Tổ quốc. Trong băng nhạc Ả đào say phát hành năm 1968 nó bắt đầu từ phút thứ 26:45 với giọng hát của Tuyết Hồng (vai Ngọc Huệ) và Thanh Vũ (vai Hoàng Hùng).


Ngọc Huệ:

Đêm nay hai người còn đây
nhưng đêm mai một người ngã gục

Hoàng Hùng & Ngọc Huệ:

Một người ngã gục, thì mười người lại đứng lên
Mười người ngã gục, thì ngàn người lại đứng lên
Ngàn người ngã gục, thì vạn người lại đứng lên
Mình mà ngã gục, thì dòng Lạc Hồng sáng tên

Đứng lên, đứng lên cùng một lòng
Cứu nguy, cứu nguy người Việt hùng
Dù xương phơi trắng đồng
Ruộng nương loang máu hồng
Cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn, muôn năm vẫn còn
Cho quê hương, cho quê hương muôn năm vẫn còn!

Còn quê hương thì còn cơm ngon
Còn quê hương thì còn danh thơm
Còn quê hương thì còn yêu đương và còn tất cả
Tất cả, tất cả những gì mình thiết tha

Cục Chính huấn đã sử dụng gần như toàn vẹn lời và nhạc của đoạn này để làm thành bài Sáng danh Lạc Hồng.

Năm 1998, ở hải ngoại, đạo diễn Phạm văn Hợp đã thực hiện lại nhạc kịch này và quay thành video. Trong video nhạc kịch năm 1998, nghệ sĩ Kim Tuyến vai Ngọc Huệ và nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm vai Hoàng Hùng. Trong video này đoạn nhạc trên bắt đầu từ phút thứ 35:45. Các bạn có thể xem từ đầu video, có phần phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ về quá trình sáng tác nhạc kịch Ả đào say.


Biết được xuất xứ của bài hát rồi, nghe lại ta sẽ nhận ra rằng lời bài hát hoàn toàn là tình yêu quê hương dân tộc, là ý chí bảo vệ quê hương... chớ không phải chiến đấu chống cộng. Vậy là đâu có cớ gì không cho hát, phải không?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét