28 thg 4, 2022

Du lịch Đông Nam Á trên đường hồi phục

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Đông Nam Á là điểm đến du lịch phổ biến bậc nhất thế giới. Ngành du lịch của khu vực này trị giá tới 380 tỷ USD. Đại dịch đã gây ra hậu quả tàn khốc, ngành du lịch tại đây cũng như nhiều nơi trên thế giới gần như sụp đổ hoàn toàn.

Đầu năm 2022, làn sóng du lịch bắt đầu trở lại. Các quốc gia Đông Nam Á đã nới lỏng hạn chế đi lại và một hiện tượng mới xuất hiện: những “du khách phục thù”, háo hức xê dịch để bù đắp cho khoảng thời gian phải bó chân tại nhà. Những du khách này quyết đi du lịch thường xuyên hơn, sẵn sàng đến các địa điểm mới và quyết tâm tận dụng tối đa những cơ hội đang mở ra.

Dựa trên 
một số xu hướng gần đây trên Google Tìm kiếm, Google rút ra một số nhận định sau đây nhằm nắm bắt nhu cầu bị dồn nén sau thời gian dài của đối tượng du khách này và cơ hội nó tạo ra cho các doanh nghiệp khai thác du lịch trong khu vực.

Nhu cầu du lịch bùng nổ

Biểu đồ sau đây dựa trên lượt tìm kiếm thông tin ở
 Đông Nam Á, cho thấy nhu cầu du lịch từ khách quốc tế ở từng quốc gia trong tháng 3/2022 so với trước đại dịch (2019).

Biểu đồ thể hiện nhu cầu đi lại trong và ngoài nước của từng quốc gia Đông Nam Á
vào tháng 3/2022

Hai quốc gia hồi phục nhanh nhất là Philippines và Indonesia. Trong tháng 3, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tại Philippines đã vượt qua con số trước đại dịch (104%) còn Indonesia đang tiến gần đến mức trước đại dịch (94%). Hai quốc gia này cũng đã chứng kiến sự hồi sinh nhanh nhất của nhu cầu du lịch nước ngoài (outbound) với lượng tìm kiếm đã tăng trở lại 70% của mức trước đại dịch. 

Các nước còn lại có sự phục hồi tương đối: Singapore đạt 64% về nhu cầu du lịch inbound và 61% về nhu cầu du lịch outbound so với trước đại dịch, Thái Lan là 59% và 48%, Malaysia là 52% và 54%, Việt Nam là 55% và 50%.

Khách du lịch có xu hướng tìm kiếm dịch vụ hạng sang và quan tâm đến yếu tố bền vững

Xu hướng tìm kiếm của du khách cho thấy rằng nhu cầu du lịch hiện nay đa dạng hơn so với trước đại dịch.
  • Mọi người đang dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, lập kế hoạch và cân nhắc các lựa chọn để được yên tâm và đảm bảo rằng họ luôn sẵn sàng đối phó với những thay đổi bất ngờ.
  • Đối tượng “du khách phục thù” nói riêng sẵn sàng trả tiền cho các lựa chọn du lịch cao cấp. Điển hình, lượt tìm kiếm “khách sạn tốt nhất" tăng 71% tại Việt Nam, cho thấy người Việt Nam sẵn sàng chi tiền cho những dịch vụ cao cấp.
  • Khách du lịch muốn lưu trú lại lâu hơn khi họ đi du lịch: sở thích thuê địa điểm lưu trú dài ngày của du khách Đông Nam Á tăng + 1010% so với cùng kỳ năm ngoái. Du khách Việt Nam tìm kiếm nơi lưu trú dài ngày khi du lịch nước ngoài nhiều hơn 8 lần vì họ thấy đó là sự lựa chọn tiện lợi.
  • Nhận thức về sự phát triển bền vững trong khu vực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Singapore và Philippines. Các tìm kiếm liên quan đến sự phát triển bền vững tăng 45% kể từ năm 2019, trong khi các tìm kiếm về khí thải nhà kính đã tăng hơn 163% tại Singapore và hơn 156% tại Philippines.
Du khách Việt có xu hướng ưu tiên lựa chọn các thành phố lớn làm điểm đến khi du lịch nước ngoài

Ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế sau gần hai năm mà không cần cách ly. Chính sách này dự kiến sẽ kích thích nhu cầu mạnh mẽ từ khách du lịch nước ngoài trong Quý 2.

Nhu cầu du lịch trong nước từ khách quốc tế đã cải thiện đáng kể trong Q1/2022. Tính đến tháng 3, 2/3 nhu cầu du lịch nội địa từ khách quốc tế có sự hồi phục. Các du khách đến từ Mỹ, Úc, Pháp, Singapore, Nhật Bản có nhu cầu du lịch tại Việt Nam cao, trong đó, Hồ Chí Minh và Hà Nội là những điểm đến hàng đầu; Mỹ Tho và Bắc Ninh là hai tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể về kết quả tìm kiếm (tăng 75% lượt tìm kiếm). Tuy nhiên, vì du khách đến từ Trung Quốc thường đóng góp một phần đáng kể vào du lịch Việt Nam, nên việc phục hồi hoàn toàn sẽ vẫn là một thách thức.



Người Việt Nam đang dần thoải mái hơn với việc đi du lịch nước ngoài. Vào tháng 1, ý định đi du lịch nước ngoài của người Việt chỉ bằng 25% so với mức năm 2019; con số này đã tăng gấp đôi lên 50% vào tháng 3, 2022. Theo thống kê, các thành phố lớn như Singapore, Bangkok, Dubai, Paris, Osaka, New Delhi dẫn đầu xu hướng tìm kiếm của du khách Việt khi lựa chọn điểm đến du lịch nước ngoài. Khi có nhiều chuyến bay hơn và việc sắp xếp đi lại diễn ra suôn sẻ, sự phục hồi du lịch dự kiến sẽ diễn ra nhanh chóng - đặc biệt là khi mùa hè bắt đầu. Theo đó, lượt tìm kiếm “đi đâu vào mùa hè” nhiều hơn 12 lần so với năm trước.


Nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức cao cho đến hết quý 1 năm 2022. Nhu cầu thuê xe hơi và dịch vụ xe buýt trung chuyển tăng trưởng đều đặn trong quý này, cho thấy người Việt Nam có nhu cầu di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, bãi biển và đảo là các địa điểm được ưa chuộng (Phú Quốc, Nha Trang, Phú Quý, Quy Nhơn, Vũng Tàu). Các địa điểm như Đà Lạt và các thành phố như Đà Nẵng, Vũng Tàu cũng nằm trong nhóm được tìm kiếm phổ biến.


Phạm Hoài Nhân
Trích xuất từ báo cáo của Google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét