1 thg 4, 2022

Ngày Cá tháng Tư, ra mắt trang web giúp người dùng nhận biết lừa đảo online

Cho đến giờ, chúng ta vẫn thường xuyên đọc thấy thông tin trên mạng, hoặc do bạn bè kể lại những vụ bị lừa đảo online. Và chắc là nhiều người trong chúng ta khi đọc những thông tin ấy đều chắt lưỡi, nói: Dại quá, cái mánh cũ rích như vậy mà cũng bị mắc lừa!

Hic, vậy mà không phải vậy! Đúng là các mánh ấy chẳng phải mới lạ, nhưng coi chừng, nếu chủ quan chính bạn cũng có thể bị lừa như chơi. Để giúp người dùng mạng nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phương thức lẫn số lượng, Google hợp tác cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ra mắt website DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) vào ngày hôm nay, đúng ngày Cá tháng Tư.

Tất nhiên nếu bạn tự hào là mình không thể bị lừa thì... khỏi cần vào xem web này, nhưng cẩn tắc vô... áy náy, kiểm tra một chút về những hiểu biết của mình xem có dễ bị lừa không cũng không đến nổi phí thời giờ. Đây là một trong nhiều hoạt động thuộc chương trình An toàn Hơn cùng Google đã ra mắt dành cho người Việt trong năm 2021.


DauhieuLuadao.com (Dấu hiệu Lừa đảo) cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, và các "nguyên tắc vàng" trong hành xử để tự ngăn chặn. Trang web là xây dựng dựa trên trang Scamspotter.org, một dự án kết hợp giữa Google và Mạng lưới Hỗ trợ An ninh mạng Hoa Kỳ (Cybercrime Support Network). Với DauhieuLuadao.com, NCSC hợp tác cùng Google để bản địa hóa một số nội dung, đồng thời xây dựng, bổ sung các tình huống lừa đảo điển hình thường xảy ra với người dân Việt Nam. Website cũng được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) tích hợp vào Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn/ để người dân dễ dàng sử dụng và tra cứu khi cần thiết.

Như tên gọi, website Dauhieuluadao.com mang đến những thông tin nhận diện phương thức và nội dung lừa đảo phổ biến của tội phạm mạng. Các đối tượng này thường tập trung vào các nhóm tin giật gân, tin giả mạo thông báo của công ty hay từ người thân quen, hoặc đe dọa bằng cách giả mạo cơ quan chức năng, giả mạo nhân viên sàn thương mại điện tử hoặc các thương hiệu lớn, dùng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý đối tượng khiến họ trở nên bị động và dễ bị dẫn dắt vào bẫy của kẻ lừa đảo.

3 nguyên tắc vàng để ngăn chặn hành vi lừa đảo online, được nêu ra trong Dauhieuluadao.com




Tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tình hình lừa đảo trực tuyến trở nên phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn, từ các thẻ cào mệnh giá vài trăm ngàn đồng nạp cho kẻ giả mạo đến hàng trăm triệu đồng chuyển khoản ngân hàng vì tin rằng ‘người thân’ đang gặp sự cố khẩn cấp, cá biệt có những nạn nhân thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng vì rơi vào bẫy lừa đảo qua email, điện thoại hoặc các hình thức lừa đảo trực tuyến như kêu gọi đầu tư tài chính online.

Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh từ khi các đợt dịch COVID bùng phát tại Việt Nam, theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết: “Riêng trong năm 2021, đã có hơn 1000 website lừa đảo trực tuyến, giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính đã ngăn chặn, xử lý”.

Không chỉ mang tới nội dung nhận diện lừa đảo mạng, website DauhieuLuadao.com còn có bài kiểm tra thực tế dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm hữu ích cho người dùng, bao gồm các hình thức nhận dạng lừa đảo:
  1. Thẻ quà tặng
  2. Tin tốt bất ngờ như trúng thưởng giải đặc biệt
  3. Yêu cầu cung cấp thông tin qua điện thoại hay email từ đại diện cơ quan chức năng
  4. Liên hệ từ một bên cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, nước mà bạn đang sử dụng
  5. Tin nhắn giả mạo từ tài khoản mạng xã hội của người thân yêu cầu nạp tiền, nạp thẻ điện thoại, hay chuyển khoản

Bạn hãy thử làm bài trắc nghiệm với 9 câu hỏi này xem sao. Nếu đúng hết cả 9 câu thì ok, bạn đúng là không dễ bị lừa.

Trước đó, Google cũng đã phối hợp cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ra mắt công cụ Trắc nghiệm về Lừa đảo qua mạng (Phishing Quiz) - một quy trình rất hữu ích để kiểm tra mức độ nhận biết các hình thức lừa đảo trên Internet, cụ thể là hình thức lừa đảo qua email.

“Phishing” là một hình thức lừa đảo trực tuyến, thường nhằm mục tiêu đánh cắp dữ liệu cá nhân, cài mã độc vào máy tính của nạn nhân. Đây là phương thức thường sử dụng email để lừa đảo và mục tiêu tấn công thường là hàng loạt và không rõ ràng. ”Scam” là từ chỉ lừa đảo nói chung, những phương thức này thường có mục tiêu tập trung vào đối tượng cụ thể và rõ ràng hơn. Mục đích của lừa đảo scam thường liên quan đến việc lừa tiền của đối tượng nhắm đến.

Phạm Hoài Nhân
Biên tập lại từ thông tin của Google.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét