Văn miếu đầu tiên ở Việt Nam là Văn miếu - Quốc tử giám ở Hà Nội, ai cũng biết, miễn bàn. Văn miếu này được xây dựng từ thời nhà Lý (1070). Đến cuối đời Hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, Văn miếu ở đây... xìu xuống.
Cùng lúc đó, ở Đàng Trong Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, với cột mốc quan trọng là năm 1698, khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào đất Đồng Nai, đặt nền móng cho Sài Gòn - Biên Hòa. 17 năm sau (1715), để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, chúa Nguyễn Phúc Chu quyết định cho xây dựng Văn miếu Trấn Biên tại vùng đất nay là Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai.
Văn miếu Trấn Biên là Văn miếu đầu tiên ở Đàng Trong, được xây dựng trước cả Văn miếu Huế, Văn miếu Vĩnh Long, Văn miếu Gia Định. (109 năm sau khi Văn miếu Trấn Biên ra đời thì Văn miếu Gia Định mới hình thành. Hai Ẩu tìm hiểu tới đây thấy sướng quá, thì ra nơi mình sống chính là trung tâm văn hóa phương Nam chớ đâu phải Sài Gòn, hi hi hi!).
Trước năm 1802, năm nào chúa Nguyễn Phúc Ánh cũng phải tới đây hành lễ (hi hi), nhưng đến 1802 ông lên ngôi vua và định kinh đô ở Huế nên cho xây Văn miếu Huế để hành lễ... cho gần.
Năm 1861, quân Pháp đánh Biên Hòa, chỉ có 2 ngày quân ta đã thua chạy. Pháp chiếm Biên Hòa. Ngày 17/12/1861, Pháp phá tan tành Văn miếu Trấn Biên. Văn miếu Trấn Biên sụp đổ hoàn toàn sau 146 năm tồn tại. (Hic, hu hu!).
Năm 1998, kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai cho khởi công xây dựng lại Văn miếu Trấn Biên tại đúng vị trí xưa kia.Xét trên nhiều mặt, đây là một công trình rất có ý nghĩa. Ý nghĩa văn hóa, lịch sử và cả... chính trị nữa (Ông Lê Hoàng Quân bấy giờ là bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, sau khi công trình hoàn thành thì về làm Chủ tịch TPHCM, coi như để lại một công trình văn hóa ý nghĩa cho Đồng Nai). Công trình hoàn thành năm 2002.
Về mặt cảnh quan, kiến trúc Văn miếu Trấn Biên rất đẹp và được chăm chút cẩn thận. Ngày nay các dịp lễ Tết, như ngày Nhà giáo Việt Nam, tuyên dương học sinh giỏi... đều được tổ chức ở đây, rất có ý nghĩa. Các em học sinh cũng thường đến đây để học bài, yên tĩnh và trang trọng.
Từ ngã tư cầu Hóa An, đi theo đường Huỳnh văn Nghệ 2 km là đến cổng khu du lịch Bửu Long, đi thêm khoảng non 1 km nữa là đến cổng chào vào khu Văn miếu Trấn Biên bên tay phải. Con đường từ đây vào Văn miếu quanh co uốn lượn, hai bên phong cảnh hữu tình, như là đường đi Đà Lạt! Rất thích!
Một con đường khác mới mở cách đây 2 năm, từ... nhà Hai Ẩu đi thẳng đến Văn miếu Trấn Biên, đường rộng, đẹp, nhưng không quanh co uốn lượn như con đường trên. (Đường này lúc mới mở, bọn trẻ nó... đua xe quá trời luôn!).
Trên đây là kể về Văn miếu Trấn Biên lan man theo.. kiểu Hai Ẩu, các bạn muốn tìm hiểu thêm một cách nghiêm túc thì đọc các thông tin chi tiết này nhé:
Văn miếu Trấn Biên:
(Các ảnh trên là của Hai Ẩu và Bùm, không nhớ được tấm nào là của đứa nào!)
hôm nào em ghé Văn miếu Trấn Biên chắc tiện thể ghé thăm bác Nhân luôn, tiện thể cafe cà pháo nhé :)
Trả lờiXóaOh, ý kiến quá hay đó Bố Susu. Nhà mình khá gần Văn miếu Trấn Biên (khoảng > 2km), và ở đó vừa khai trương hôm Tết một quán cafe rất tuyệt! :-)
Xóa