10 thg 1, 2012

Hạt đậu và ước mơ của người nghệ sĩ

Nhiều năm liền, nền phim hoạt hình của điện ảnh Pháp tỏ ra lép vế trước phim hoạt hình Mỹ. Năm 1998, phim hoạt hình 2D Kirikou & bà phù thủy xuất hiện tại Pháp đã chinh phục khán giả của đất nước này. 8 năm sau, trước áp lực và tình yêu của công chúng dành cho Kirikou, Kirikou 2 (Kirikou và bầy mãnh thú) ra đời tiếp tục thành công vang dội. Nhân vật cậu bé châu Phi Kirikou đã làm hồi sinh nền phim hoạt hình Pháp.

Điều bất ngờ thú vị là bộ phim Kirikou 2 đã được thực hiện tại Việt Nam với hầu hết nghệ sĩ là các họa sĩ người Việt, thông qua một công ty của Pháp là Armada (trụ sở tại TPHCM). Ông Olivier Reynal, giám sát sản xuất bộ phim, đã nhận xét về ê kíp sản xuất người Việt này như sau: Hơn 60 nghệ sĩ nước các bạn đã làm việc say mê để góp phần mang lại thành công cho bộ phim. Chúng tôi chỉ có thể nói họ là một tập thể gắn kết, chịu khó, học hỏi và tiếp thu những kỹ thuật rất nhanh. Ở Pháp hiện nay khó có một êkíp đầy đủ, toàn diện như vậy.

Họa sĩ Nguyễn Phương Hoa là một trong những thành viên chủ chốt ở công ty Armada ấy.

Đậu Lém Phiêu lưu ký là chương trình được thiết kế dưới dạng trò chơi, hay có thể gọi là một phim hoạt hình có tương tác giúp trẻ em cấp 1 học toán. Tôi bắt gặp tên Nguyễn Phương Hoa và Nguyễn Hoàng Huy trong danh sách họa sĩ của phần mềm này. Tôi tìm đến Phương Hoa để hiểu thêm về mối liên quan giữa những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Pháp và phần mềm hoạt hình – giáo dục cho trẻ em Việt Nam, dưới đôi tay của người họa sĩ Việt.

Hiện nay Phương Hoa vẫn đang làm việc tại Armada Việt Nam, chị đang cùng ê kíp ở đây thực hiện loạt phim hoạt hình Oggy (series phim hoạt hình thiếu nhi rất nổi tiếng về chú mèo béo Oggy và lũ gián, thu hút rất đông khán giả nhí trên toàn thế giới, được chiếu trên kênh Disney). Làm việc đúng chuyên môn, trong một tập thể tốt, thiết bị hiện đại, sản phẩm làm ra ngang tầm thế giới và được đánh giá cao, thu nhập xứng đáng – có lẽ bạn cũng đoán được là Phương Hoa hài lòng với công việc hiện tại.

Phương Hoa cũng xác nhận với tôi như vậy, và tôi đặt câu hỏi:
  • Nghe nói rằng trong thời gian thực hiện Đậu Lém phiêu lưu ký, có lúc vì quá bận rộn Phương Hoa vẽ không kịp, nên người chủ trì đề tài là anh Phạm Thùy Nhân có đề nghị thay bằng người khác. Phương Hoa đã... khóc sướt mướt. Sao lại thế? Tham công tiếc việc à? Làm họa sĩ phim hoạt hình cho Pháp không thú vị hơn làm phần mềm hoạt hình cho trẻ em Việt Nam sao?
Thoáng chút bẽn lẽn, Phương Hoa tâm sự:

Đậu Lém là công trình tâm huyết ấp ủ rất lâu không chỉ của Hoa mà của cả tập thể anh à. Với mong muốn tạo ra một phần mềm giáo dục cho học sinh cấp 1 đạt được sự hấp dẫn với trẻ thơ, nhóm Phạm Thùy Nhân đã chăm chút từ kịch bản đến hình ảnh, lồng tiếng. Bản thân Hoa là người tạo hình ra nhân vật chính Đậu Lém. Chú bé Đậu Lém như đứa con mình sinh ra, nay lại đem cho người khác nuôi, bảo sao không... khóc, hả anh?

Cuối cùng thì nước mắt của phụ nữ - Người Mẹ đã thắng, bà mẹ Phương Hoa đã được chăm nom cho đứa con Đậu Lém của mình trong suốt cuộc phiêu lưu của cậu bé. Tôi hỏi Phương Hoa tại sao là Đậu Lém mà không là cái gì khác, và quá trình tạo hình Đậu Lém như thế nào.

 Họa sĩ Nguyễn Phương Hoa bên bàn làm việc

Khi quyết định biên soạn một phần mềm học toán cho học sinh cấp 1, vấn đề quan trọng là xây dựng nhân vật. Nhân vật hoạt hình thì thế giới có nhiều. Như ở Armanda có chú bé Kirikou, mèo Oggy, Walt Disney có mèo Tom, chuột Jerry, hoặc Mickey, Donald... , các phim hoạt hình khác thì có thỏ, cáo... Sau nhiều lần bàn luận, với sự đề nghị của Hoa, nhóm đã chọn hạt đậu phộng. Đậu thì có nhiều loại đậu như đậu xanh, đậu nành anh ạ, nhưng hạt đậu phộng có lớp vỏ ở ngoài như chiếc áo giáp, cơi lên trên thành chiếc nón lá, rất thú vị. Lém là tên của hạt đậu, chú bé đậu phộng lém lỉnh, gọi tắt là Đậu Lém.

Để tạo hình Đậu Lém, Hoa đã mua 2 lon đậu phộng, bóc vỏ từng “chú” ra ngắm nghía để hình dung ra nên nhân cách hóa như thế nào cho dễ thương. Bóc vỏ và ngắm xong thì... ăn. Phải đầy một bụng đậu phộng mới ra được Đậu Lém đó.

Các nhân vật trong Đậu Lém phiêu lưu ký

Tôi cười: May quá! Nhân vật chính là hạt đậu phộng chứ nếu là hạt tiêu thì chắc... Còn các nhân vật khác thì sao? Mình sáng tạo ra hay mượn từ các bộ phim hoạt hình khác?
  • Ồ không, tất cả các nhân vật mình đều sáng tạo ra chứ. Thuần Việt cả đó anh ạ, không sao chép từ nơi khác đâu. 
  • Và tất cả đều do Hoa tạo hình? 
  • Ơ, Hoa chỉ tạo hình những nhân vật hiền thôi, như Đậu Lém, chị Ong Xanh, thằng Giun đất... còn nhân vật ác ác như gã Bọ xít thì... anh Huy vẽ ạ (cười)
Tôi hỏi: Tại sao công việc tại Armanda đang tốt và chiếm nhiều thời gian như vậy Hoa lại còn bỏ công sức ra làm Đậu Lém? Cảm xúc khi hoàn thành một sản phẩm cho Pháp và một sản phẩm cho trẻ em Việt Nam khác nhau ra sao?

Cảm xúc khác nhau nhiều anh ạ. Khi làm xong một bộ phim hoạt hình cho Pháp mình cảm thấy hãnh diện, vì khả năng của người Việt đủ vươn tới tầm cao thế giới, sản phẩm mình làm ra được cả thế giới thưởng thức. Tuy nhiên đó là mình làm gia công, kịch bản, đạo diễn, v.v... là của người ta, và sản phẩm ấy không phải của người Việt, làm ra cho trẻ em Việt. Còn khi làm ra sản phẩm cho trẻ em Việt Nam thì hạnh phúc lắm anh ạ. Bàn tay, khối óc của người Việt làm ra sản phẩm Việt, cho trẻ em Việt sử dụng. Vui nào hơn?

Hoa kể chuyện này cho anh nghe nhé: Có một chú bé mới 3 tuổi thôi nhưng đã tập tành chơi Đậu Lém rồi. Một hôm, chú bé thấy bà bán đậu phộng đội thúng đi bán, bé reo lên với mẹ: A, Đậu Lém kìa mẹ! Nhân vật do mình tạo nên đã đi vào lòng bé thơ, thích lắm anh ạ.

Tôi hỏi: Nếu bây giờ cho đánh đổi, thay vì làm phim hoạt hình cho một công ty nước ngoài như hiện nay với việc làm toàn thời gian cho một công ty phần mềm Việt Nam thì Hoa chọn cái nào?

Phương Hoa trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu rồi nói: 
  • Khó trả lời lắm anh ạ, cả về tình lẫn về lý. Về tình, mình yêu trẻ em Việt và muốn dốc hết lòng hết sức cho các em, nhưng mình cũng phải biết ơn công ty nước ngoài đã tạo điều kiện cho mình học hỏi, nâng cao trình độ và phải đền trả cho trọn nghĩa. Về lý, cuộc sống người nghệ sĩ cũng cần có cơm áo gạo tiền, mà quả thật các công ty Việt Nam khó lòng trả lương cho mình cao như nước ngoài, đã vậy các sản phẩm phần mềm lại thường xuyên bị sao chép trái phép...
Vậy mong ước của Phương Hoa bây giờ là gì? 
  • Không chỉ riêng Hoa, mà Hoa nghĩ rằng rất nhiều các bạn họa sĩ, nghệ sĩ khác đều có chung một mong ước: Có điều kiện để nâng cao trình độ, có cuộc sống ổn định để đem hết tâm huyết của mình tạo nên các sản phẩm tuyệt vời cho trẻ em Việt Nam. Ước mong các phụ huynh, các bé sẽ dang tay đón nhận những sản phẩm ấy với tấm lòng yêu mến thân thương, để chúng ta cùng nhau xây dựng một thế hệ trẻ em thông minh, yêu đời, tận hưởng được những điều tốt đẹp của thế giới này.
Phụ nữ thường mau nước mắt. Buồn khóc, vui cũng khóc. Mùa Xuân đến, tôi chúc Phương Hoa sẽ... khóc. Không phải khóc vì... không được vẽ Đậu Lém, mà khóc vì sung sướng khi thấy các bé say mê chú Đậu Lém của mình, học giỏi hơn nhờ dùng phần mềm học toán Đậu Lém phiêu lưu ký. Các bạn có chúc giống tôi không?

Phạm Hoài Nhân
Báo eChip Xuân 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét