24 thg 7, 2012

Tản mạn về Tháp Đôi - Bình Định

Ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn có một khu tháp Chămpa cổ, nơi ấy có 2 tòa Tháp. Vì có 2 tháp nên dân gọi là Tháp Đôi.


Từ bao đời nay, hình tượng cặp đôi của ngôi tháp cổ này đã trở thành đề tài tình yêu đôi lứa của trai gái Bình Định, như thể hiện trong câu ca dao:

Tháp Đôi đứng với cầu đôi
Vật còn như vậy nữa tôi với mình

Chẳng những thế, người Bình Định còn dùng hình tượng hai ngôi tháp này để ví với nhân và nghĩa:

Cầu đôi mà tháp cũng đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao?


Hình ảnh Tháp Đôi ở Bình Định thật lãng mạn, trữ tình. Nhưng,.... coi dzậy mà hổng phải dzậy!

Dẫy na?

Ừa, dẫy đó!

Bởi vì sao? Bởi vì như vầy:

Thứ nhất, tháp đâu phải tên là Tháp Đôi! Các tháp Chàm đều có tên nguyên thủy là tiếng Chămpa như Pô Nagar, Pô Rômê, Pô Klông Garai... chớ đâu phải tên tiếng Việt. Đối với ngôi tháp nêu trên, Đại Nam nhất thống chí ghi: "Hưng Thạnh cổ tháp ở thôn Hưng Thạnh, huyện Tuy Phước, có hai tháp, tục hô là Tháp Đôi". Ấy, vậy là khi người Việt ta biết đến tháp thì chả ai biết tháp tên gì, sách thấy tháp ở thôn Hưng Thạnh thì gọi là tháp Hưng Thạnh. Còn tên Tháp Đôi là do dân Bình Định... chế ra thôi!

Thứ hai, e rằng ở khu tháp Hưng Thạnh có tới... 3 cái tháp chứ không phải 2 cái như ta đang thấy (và như vậy... đâu phải là Tháp Đôi!). Theo thông lệ, một khu tháp Chăm thường có 3 tháp. Thí dụ: khu tháp Pô Klông Garai có 3 tháp hiện vẫn còn, khu tháp Hòa Lai (còn gọi là Ba Tháp) có 3 tháp nhưng sụp mất 1, còn 2.... Ở khu tháp Hưng Thạnh, các nhà khảo cổ đã phát hiện vết tích của ngôi tháp thứ ba, không rõ là chưa xây hay đã bị phá hủy. Hic, vậy đâu còn là tình yêu đôi lứa nữa, mà là... chuyện tình tay ba!

Thứ ba, chắc chắn rằng tháp Hưng Thạnh, như bao nhiêu tháp Chămpa khác, là nơi thờ cúng vị thần hay vị vua nào đó của người Chăm, chứ không phải thờ... tình yêu đôi lứa hay nhân nghĩa như dân Bình Định tưởng tượng ra!


Nghe nói rằng có một đêm mờ nào đó, vị vua - vị thần Chămpa được thờ cúng ở tháp Hưng Thạnh bay về ngôi tháp của mình. Ông ngỡ ngàng khi tháp thiêng chỉ còn phảng phất khí thiêng mà nhuốm mùi trần thế, nào là tình yêu, nào là nhân nghĩa... Thổ địa giải thích cho ông mọi chuyện, kèm theo câu bình luận:
  • Dân nẫu ở đây là dẫy đó!
Vị thần nghe xong, thốt lên:
  • Dẫy na?
rồi bay đi, phiêu diêu trong sương khói mênh mang...


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét