3 thg 12, 2012

Thích Ca Phật đài ở Vũng Tàu

Khi tôi còn nhỏ, khoảng cuối thập niên 60, đầu 70, Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu là điểm đến không thể thiếu khi đến thành phố biển này. Hồi ấy, dưới mắt một cậu bé lên mười và thời ấy những tượng lớn chưa có, tượng Phật nhập Niết bàn, kim thân Đức Phật ở đây thật là vĩ đại...

Năm tháng trôi qua, chú bé ngày xưa giờ đã thành người đàn ông qua tuổi tri thiên mệnh. Biết bao chùa lớn, tượng to đã được dựng lên, tôi đã đến nhiều chùa, và cũng đã đến Vũng Tàu không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa hề viếng thăm lại Thích Ca Phật Đài.

Rồi một ngày, tôi đến viếng Thích Ca Phật Đài cùng một người thân yêu.


Kim thân Đức Phật



Tượng Đức Phật nhập Niết bàn

Đến bên Kim thân Đức Phật, đến tượng Phật nhập Niết bàn, tôi có cảm giác tượng Phật nhỏ hơn nhiều lắm so với hình ảnh trong ký ức của tôi. Thay cho cảm giác nể sợ và hình tượng đồ sộ bây giờ là cảm giác kính ngưỡng và hình ảnh từ bi bác ái.


Tượng Đức Phật xuất gia

Cụm tượng Đức Phật xuất gia thấp thoáng sau ngàn xanh gợi lòng một nỗi chia ly man mác và cả một niềm tin bền vững trên con đường phía trước.


Đức Phật xuất gia, còn ta thì... không thể!

Bước lên tảng đá cao, nhìn xuống thành phố Vũng Tàu xa xa, thấy lòng mình nhẹ nhàng, tách ra khỏi ưu tư cuộc sống...



Có lẽ hôm nào lại cùng ai đó viếng thăm Thích Ca Phật Đài...
____

Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích về cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Quần thể được xây dựng trên triền núi Lớn, thành phố Vũng Tàu. Địa chỉ số 608 đường Trần Phú, phường 5, Vũng Tàu.

Nguyên thủy nơi đây là chùa Thiền Lâm, do ông Lê Quang Vinh là đốc phủ sứ về hưu xây dựng để tu hành, năm 1957. 

Năm 1961, Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy đã vận động tín đồ Phật tử đóng góp tiền của xây dựng khu Thích Ca Phật đài tại đây. Lễ đặt viên đá đầu tiên được tiến hành tại Bảo tháp ngày 4/6/1961. Lễ khởi công ngày 20/7/1961. Sau 19 tháng thi công, lễ khánh thành được tổ chức  vào hai ngày 09 và 10/03/1963 (tức ngày 14 và rằm tháng hai năm Quý Mão).


Cổng chùa

Các kiến trúc được tạo theo triền núi, gồm các cụm tượng: Đức Phật đản sinh, Đức Phật xuất gia, Đức Phật chuyển pháp luân, Đức Phật nhập Niết bàn...

Pho tượng Ngài thành đạo được diễn tả qua tượng Kim Thân Phật Tổ ngồi tham thiền trên tòa sen. Đức Phật ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài được đúc bằng xi măng cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng đức Phật cao 5,1m). Trong pho tượng Kim Thân có tôn trí ba viên ngọc Xá Lợi của đức Phật.


Bảo tháp xá lợi

Bảo tháp ngọc Xá lợi ở Thích Ca Phật đài cao 17m xây giữa sân hành lễ rộng khoảng 300m2. Trong Bảo tháp bát giác có tôn trí 13 viên ngọc Xá lợi đức Phật đựng trong một hộp bằng vàng. Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp có bốn đỉnh lớn, bên trong đặt đất thiêng được thỉnh về từ nơi Ngài đản sanh, nơi Ngài thành đạo, nơi Ngài chuyển pháp luân và nơi Ngài nhập niết bàn.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét