27 thg 11, 2013

Eureka! Ta đã tìm ra rồi!

Người ta nhớ đến Archimèdes không phải vì ông đã tìm ra định luật về sức đẩy của nước, mà vì ông đã trần truồng chạy ra khỏi nhà tắm, vừa chạy vừa la: Eureka! Eureka!



Bạn có tin điều đó hay không là tùy bạn. Riêng hắn, hắn tin chắc điều đó như đinh đóng cột. Vì sao à? Vì hai lẽ:

Thứ nhất, vì suy ra từ chính bản thân hắn. Hắn nhớ mang máng rằng hồi xưa khi còn học phổ thông có học cái định luật gì đó tên Ạc-xi-mét, nhưng giờ hết nhớ nổi nó là cái chi chi. Điều duy nhất hắn nhớ về Archimèdes là: đó là một cha già ở truồng chạy nhong nhong ngoài đường, la lối om sòm. Các công trình khoa học của ông, tiểu sử của ông hắn mù tịt. Hắn cũng chẳng biết ông là người nước nào, chỉ đoán rằng… không phải người Việt Nam!

26 thg 11, 2013

Chiếc cầu hợp tác giữa 3 nước

Xe đang ở địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang) trên quốc lộ 1, hướng về cầu Mỹ Thuận. Bác tài quay qua nói với tôi:
  • Mình sắp tới chiếc cầu do 3 nước hợp tác.
Tôi nghĩ anh ta muốn nói tới cầu Mỹ Thuận, và như vậy là sai, vì cầu Mỹ Thuận do kỹ sư và công nhân của 2 nước là Úc và Việt Nam hợp tác thiết kế, thi công thôi.

Tôi bảo anh ta lầm rồi, nhưng anh ta lắc đầu, nói:
  • Không phải cầu Mỹ Thuận. Ông cứ ngồi yên đó đi, lát nữa tới nơi tui chỉ cho!
Ở khu vực đó của huyện Cái Bè, tên các xã thường có chữ Mỹ, như xã Mỹ Trung, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Lợi thì chia thành 2 là Mỹ Lợi A và Mỹ Lợi B, Mỹ Đức cũng chia thành 2 là xã Mỹ Đức Đông và xã Mỹ Đức Tây... Các bạn đã từng đi miền Tây trên tuyến quốc lộ 1 đều biết là từ ngã ba Trung Lương tới Vĩnh Long không hề có chiếc cầu nào lớn ngoài cầu Mỹ Thuận, vậy thì lấy đâu ra chiếc cầu do 3 nước hợp tác xây dựng?

Cầu Gành chứ không phải cầu Ghềnh

Biên Hòa có chiếc cầu nổi tiếng là cầu Gành. Đây là chiếc cầu cổ xưa nhất thành phố Biên Hòa có tuổi đời hơn 100 năm, và do kiến trúc sư lừng danh Eiffel của Pháp thiết kế. Hình ảnh chiếc cầu sắt cổ kính này gần như đã thành biểu tượng của Biên Hòa.


Cầu Gành - Ảnh: PHN

Khốn khổ thay, tên cầu đã bị gọi sai thành cầu Ghềnh gần bốn mươi năm nay. Vì đâu nên nỗi như vậy? Bạn hãy đọc đoạn trích bài viết sau của nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) nhé:

24 thg 11, 2013

Dray Sap, miên man khói bụi

Thác Dray Sap thuộc huyện Cư Jưt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25 km. Trên đường từ Nam ra Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14, bạn sẽ đi ngang qua thác trước khi đến TP Buôn Ma Thuột.

Lần đầu tiên tôi đến thác Dray Sap là năm 2000. Nếu bạn đã từng quen thuộc với những con thác ở Lâm Đồng như thác Prenn, thác D'Atanla. thác Pongour... bạn sẽ thấy vô cùng choáng ngợp trước vẻ kỳ vĩ của con thác lớn bậc nhất Tây nguyên này.


Thác Dray Sap năm 2001. Bạn có thể thấy khói mịt mờ dưới chân thác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Thác như một bức tường nước khổng lồ giăng ngang giữa hùng vĩ đại ngàn, dòng nước cuồn cuộn đổ tung bụi nước mịt mù dưới chân thác như khói sương ngút ngàn. Đó là lý do người Ê đê gọi tên thác là Thác Khói (trong tiếng Ê đê Dray là thác, Sap là khói).

21 thg 11, 2013

Về phương Nam lắng nghe...

Tôi đến thăm Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở Mỹ Tho (Tiền Giang) với niềm tôn kính và một sự thắc mắc lớn. Rằng nhà văn Sơn Nam sinh quán ở Kiên Giang, sống và qua đời ở Sài Gòn, an táng tại nghĩa trang Bình Dương, thế sao Nhà lưu niệm lại ở Tiền Giang?

Thắc mắc ấy rồi cũng được giải đáp. Khu đất xây nhà lưu niệm là nơi sinh sống của vợ chồng người con gái nhà văn Sơn Nam. Hai người đã xây dựng khu lưu niệm này để tưởng nhớ thân sinh của mình.

Giải đáp thắc mắc này xong, một sự tò mò khác lại đến. Bên cạnh nhà lưu niệm là nhà ở của gia đình anh chị Nghị - Hằng (con rể và con gái nhà văn Sơn Nam), chính diện tầng trên của ngôi nhà này là một gian thờ tự có biển ghi Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa.


Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa

19 thg 11, 2013

Phát minh mới dành cho xì-mát-phôn

Có một chuyện Hai Ẩu cần báo gấp cho Ban biên tập eChip M! để xin ý kiến. Số là hôm qua có một ông tự xưng là nhà phát minh của một hãng điện thoại tới kiếm Hai Ẩu. Ổng tưởng Hai Ẩu phụ trách giới thiệu sản phẩm nên tới giới thiệu mẫu smartphone mới. Hai Ẩu vốn… ẩu, nên tỉnh bơ ngồi nghe!


Nhà phát minh khoe là hãng của ổng sắp tung ra thị trường một loại xì-mát-phôn mới với tính năng độc đáo chưa từng có trên bất kỳ mô-đen nào khác trên thế giới. Tính năng này tạo một bước ngoặt mới trong lịch sử sản xuất điện thoại, do đó sản phẩm của ổng đáng được xếp vào một chủng loại mới, đó là vé-ri xờ-mát-phôn!

18 thg 11, 2013

Khổng Tử đi mua nệm giường

Thầy Tử Cống - môn đồ của Khổng Tử - một hôm bỗng tìm đến sư phụ.

Khổng Tử điềm đạm hỏi: Con học nơi ta đã thành tài, nay hà cớ chi phải đến tìm ta nữa?

Tử Cống lễ phép đáp: Thưa thầy, thầy dạy con về đạo làm người, con đã hiểu. Ngặt nỗi, thời buổi này mà không hiểu về công nghệ thông tin thì không ổn, vì vậy con đến xin thầy dạy thêm cho con một khoá về IT để thích nghi với thời đại a còng ạ!

Khổng Tử lắc đầu: Con sai rồi! Ta là thầy con, nhưng chỉ dạy con về đạo làm người thôi chứ ta biết gì về còm-piu-tơ mà dạy. Chuyện gì ra chuyện đó, đâu phải ỷ làm thầy rồi muốn dạy gì thì dạy hở con?

Tử Cống lại lễ phép đáp: Dạ thưa thầy, con đã hiểu. Vậy mong thầy chỉ giúp con chỗ nào dạy đàng hoàng để con đăng ký học ạ.

17 thg 11, 2013

Ai là sư phụ?

Tui là sư phụ!

Đúng vậy, tui là thầy giáo dạy công nghệ thông tin trong một trường cấp 3. Thầy dạy giỏi hẳn hoi đó nghen. Học trò tui đi thi Tin học không chuyên của thành phố, toàn quốc rinh về cả đống giải thưởng. Hàng trăm đứa học sinh của tui thi đậu vào đại học. Mỗi năm cứ đến ngày 20 tháng 11 là tụi nó lại nhớ tới thầy, đến nhà chúc mừng thật đông. Tui vui và hãnh diện được là sư phụ của chúng!



Là thầy giáo dạy công nghệ thông tin, hiển nhiên tui có một blog để bọn học sinh vào đó trao đổi thông tin, cũng là nơi để chúng hỏi bài, tui giảng bài cho chúng. Tui bắt mỗi đứa phải làm một blog. Thầy trò trao đổi với nhau về lập trình, về đủ thứ. Thế rồi khi bọn chúng ra trường rồi, blog ấy vẫn còn giữ, bọn chúng vẫn tiếp tục liên hệ với tui qua mạng. Có khi hỏi về kiến thức, có khi là tâm tình thầy trò… Tui tiếp tục là sư phụ của chúng trên không gian ảo.

15 thg 11, 2013

Ngồi bên dòng sông

Dọc bờ sông Đồng Nai ở thành phố Biên Hòa có rất nhiều quán cà phê. Mỗi quán mỗi vẻ, tùy gu hoặc thói quen của từng người mà bạn sẽ chọn quán phù hợp. Đặc điểm chung của các quán là đều nhìn ra sông Đồng Nai, mà đoạn sông Đồng Nai ấy thật là hữu tình với những cây đa buông rể lòa xòa bên sông, những cây bàng đổ lá trôi theo dòng nước.


Sông Đồng Nai. Ảnh: PHN

Ngồi bên dòng sông, bạn không chỉ hưởng làn gió mát, ngắm sông nước hữu tình mà còn lặng nhìn dòng lịch sử chảy dài, như dòng thời gian từ mấy trăm nước miệt mài chảy mãi đến ngày hôm nay.

13 thg 11, 2013

Chuyện tào lao

Nè, biết tin gì chưa? Blogger QC vừa đưa lên tường nhà Phây-búc của ổng một đường link mới kìa. Mới ba chục phút mà đã có cả trăm cái còm-men! Rút điện thoại ra, vô Phây-búccòm liền đi cho kịp với người ta!

Hả? Hổng biết blogger QC là ai hả? Quê một cục! Ổng nổi tiếng lắm mừ, tui có tên trong friend list của ổng đó (nghĩa là tui… cũng nổi tiếng!!!). Vô Phây-búc để còm-men trên trang của ổng đi, để chứng tỏ mình sành điệu đi!

Hả? Hổng biết đưa đường link lên tường Phây-búc là sao hả? Sao mà củ chuối vầy nè trời? Để tui giải thích cho mà nghe: là ổng viết cái gì đó trên trang web hay blog của mình, rồi ổng dán cái đường link trang đó trên tường Phây-búc kèm theo lời dẫn dắt tóm tắt. Khi mình click vô đường link đó thì sẽ được dẫn tới để đọc bài viết. Hiểu chưa? Khi mình đọc bài đó xong thì góp ý, nhận xét lên tường, gọi là còm-men. Hiểu chưa?




12 thg 11, 2013

Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ chẳng bao xa, nhưng đi chợ nổi thì phải đi sớm vì chợ mau tan lắm. Đi cỡ 5, 6 giờ sáng là vừa - trễ hơn nữa ra tới đó chỉ còn thấy sông chớ không thấy chợ nữa.

Ai chở các bạn đi? Tui - Hai Ẩu - chớ còn ai nữa. Ráng bình tĩnh mà giữ mạng đi nha!


Ra tới chợ nổi rồi nè. Cái "cửa hàng" rau quả này nhiều hàng ứ hự luôn, thấy hông. Cửa hàng này không xài bảng hiệu, mà chào hàng - tiếp thị bằng một cây sào trên đó treo toòng teng các sản phẩm - hàng hóa của mình. Dân miền Tây kêu là bẹo hàng.

10 thg 11, 2013

No Question!

Hai Ẩu được mời tham dự một buổi hội thảo về giải pháp ứng dụng phần mềm. Đầu buổi, Hai Ẩu còn lờ mờ hiểu được vấn đề, nhưng càng nghe, càng lơ mơ, và cuối cùng là mù tịt, hổng hiểu gì hết. Sợ người ta nhìn thấy gương mặt ngơ ngác của mình sẽ biết mình... ngu, nên Hai Ẩu len lén chuồn ra ngoài, kiếm chỗ ngồi “nghỉ mệt” ở hành lang phòng họp.

Vừa bước ra ngoài, Hai Ẩu đã gặp một anh chàng ngồi sẵn đó từ hồi nào. Thầm nghĩ, chắc thằng cha này giống mình, thậm chí còn "ngu" hơn mình nữa vì hắn chuồn ra trước cả mình kia mà, Hai Ẩu bỗng thấy đồng cảm và nảy ra ý muốn làm quen.

Lân la đến gần anh ta, Hai Ẩu bắt chuyện: Nội dung hội thảo cao siêu quá, hả anh?

Anh ta lườm Hai Ẩu, nói: Trò trẻ con ấy, nghe mà phát chán!

8 thg 11, 2013

Tư vấn sửa chữa máy tính

Chuyện này xưa rồi, giờ quởn kể lại nghe chơi.

Đường dây nóng reo lên, phía bên kia một giọng nói nằng nặng phàn nàn:
  • Alô, công ty X phải không? Cho người tới kiểm tra bảo hành dùm máy của tui!
  • Dạ, xin anh cho biết tình trạng của máy để chúng tôi tư vấn. 
  • Cái “quọt” trên máy bị đứng rồi, không chạy được nữa. Mấy anh tới thay dùm tôi!

3 thg 11, 2013

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

Hồi mới giải phóng, lứa tuổi teen như tôi (teen là nói theo kiểu bây giờ cho dễ hiểu, chớ hồi đó không có khái niệm teen à nghen!) khoái hát bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp - thơ: Phạm Tiến Duật). Khoái hát bởi vì đó là bản nhạc trữ tình lãng mạn và êm ái hiếm hoi giữa vô số những bài hung hăng, gào thét khác (Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Bão nổi lên rồi...).

Bài hát mở đầu nhẹ nhàng như lời tâm sự:

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây

và kết thúc bằng âm điệu vút cao tha thiết

Từ bên em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến
như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn


2 thg 11, 2013

Chuyện rất là "chuối"

Tui sinh ra và lớn lên ở Long Khánh, xứ có nhiều chuối.

Chuối và đậu là 2 loại cây ngược nhau. Trồng đậu làm tốt đất, còn chuối làm mất sức đất. Bởi vậy, người ta ít trồng chuối ở vùng đất màu mỡ mà tận dụng trồng ở những vùng đất đá, là nơi không trồng được các loại nông sản khác (các bạn thấy chuối trên những vùng đèo cao, cũng là vì lý do này).

1 thg 11, 2013

Bi kịch của Kiều Phong

Trích Thiên long bát bộ của Kim Dung - Hồi 15

Trong rừng hạnh ngoài thành Vô Tích, bang chủ Cái bang Kiều Phong đang đứng giữa bang chúng, Đoàn Dự cùng các cô nương Vương Ngữ Yên, A Châu, A Bích ở bên ngoài.


Kiều Phong gằn giọng hỏi:
  • Kẻ nào buông điều tiếng về Kiều mỗ, và đã nói những gì, xin các huynh đệ hãy thẳng thắn cho Kiều mỗ biết