30 thg 5, 2014

Tin nóng: Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đến Việt Nam

Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, viết tắt là IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) là tổ chức bảo vệ thiên nhiên, là nơi công bố Sách đỏ hàng năm, trong đó ghi tên các loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.


Sáng nay người ta vừa thấy một phái đoàn của IUCN do đích thân bà Julia Marton-Lefèvre - tổng thư ký - dẫn đầu đã đáp máy bay đến Hà Nội.

28 thg 5, 2014

Định luật bảo toàn năng lượng

Hai cha con ngồi rù rì trò chuyện. Con đang ngồi xem bài vật lý, đến đoạn nói về Định luật bảo toàn năng lượng. Cha ngó qua, rồi biểu con đọc lại định luật này cho mình nghe.

Năng lượng không sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.



Cha vốn là một kỹ thuật viên máy tính từ thuở xa xưa, nghe xong thì gật gù rồi trầm ngâm kể lại chuyện xưa…


Hồi xưa khi mới có máy vi tính, người ta sử dụng chưa quen nên cứ phải đem máy tính tới cho ba sửa hoài. Thiệt ra trong rất nhiều trường hợp máy tính đâu có hư, chẳng qua là người ta không biết xài nên đổ lỗi tại cái máy tính. Gặp những trường hợp này ba kiên nhẫn hướng dẫn cho khách hàng và tự rút ra một bài học dựa trên định luật bảo toàn năng lượng. Đó là Định luật bảo toàn HƯ: cái hư không tự sinh ra cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Khi khách hàng nói máy hư mang đến cho ta, thì lúc bấy giờ nếu không phải máy hư ắt phải là người hư!


26 thg 5, 2014

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

Câu ca dao này rất quen thuộc, và 2 địa danh Gia Định, Đồng Nai cũng rất quen thuộc với mọi người. Gia Định và Đồng Nai ở sát bên nhau như 2 người anh em.

Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ ta sẽ phát hiện một điều hết sức bất ngờ: Gia Định và Đồng Nai với tư cách là những tỉnh - thành chưa bao giờ tồn tại cùng một lúc! Có Gia Định thì không có Đồng Nai, có Đồng Nai thì không có Gia Định!

Thời nhà Nguyễn độc lập, miền Nam Việt Nam có 6 tỉnh và thường được gọi là Nam kỳ lục tỉnh. 6 tỉnh đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.


Nam kỳ lục tỉnh, thời kỳ ổn định 1841-1862. Ảnh: Wikipedia

20 thg 5, 2014

Đổi chác

Những ngày này, trên Facebook các hình ảnh tự sướng, hình đồ ăn thức uống, những dòng status vớ va vớ vẩn bỗng nhiên giảm hẳn. Thay vào đó là các liên kết dẫn đến các bài báo trong nước lẫn nước ngoài về tình hình giàn khoan HD981 của Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những dòng status đã chuyển thành những cảm xúc mãnh liệt căm phẫn trước hành động khiêu khích của Trung quốc và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Các ảnh bìa, ảnh avatar của Facebooker cũng được thay đổi bằng những hình ảnh thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước, lên án Trung quốc xâm lược. Chẳng những thế, các Facebooker còn kêu gọi lẫn nhau thay đổi avatar để thể hiện tấm lòng của mình.

19 thg 5, 2014

Ông tên Kha Vạn Cân hay Kha Vạng Cân?

Ở Thủ Đức có một con đường lớn mang tên Kha Vạn Cân.

Kỹ sư Kha Vạn Cân (16/10/1908 - 18/1/1982) là một trí thức yêu nước nổi tiếng của Nam bộ. Ông đã từng là Đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn của chính phủ Trần Trọng Kim từ 1945. Sau Cách mạng tháng 8, khi chính quyền Trần Trọng Kim sụp đổ, ông được Ủy ban Nhân dân Nam bộ cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn-Chợ Lớn, chủ tịch thành phố đầu tiên của chính quyền cách mạng. Ông là Bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một nhân vật quan trọng như vậy mà khi đặt tên đường lại bị ghi sai tên! Sai như thế nào?


Hầu như tất cả các thông tin chính thức đều ghi tên ông là Kha Vạng Cân chứ không phải là Kha Vạn Cân. Dưới đây là 2 thông tin chính:

Giấy chứng nhận của Thủ tướng chính phủ ghi tên ông là Kha Vạng Cân, bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ

16 thg 5, 2014

Vậy mà không phải vậy

1.
  • Mày không phải là thằng ngốc chứ?
Để trả lời câu hỏi này, nếu bạn dùng vắn tắt Phải hoặc Không thì e rằng dễ bị lộn!

Nếu trả lời Phải, thì có thể hiểu là: Phải, tao không phải thằng ngốc!, nhưng cũng có thể hiểu là Phải, tao là thằng ngốc chứ!

Nếu trả lời Không, thì có thể hiểu là Không, tao không phải thằng ngốc!, nhưng cũng có thể hiểu là Không, điều đó không đúng. Mà điều đó là không phải thằng ngốc, vậy phủ định của nó là: Tao là thằng ngốc.

Tóm lại, đường nào thì bạn cũng là… thằng ngốc cả!

Cũng tại tiếng Việt ta không có quy ước rõ ràng với cú pháp này. Không như tiếng Anh, cho dù câu hỏi phủ định (như câu trên, Aren’t you an idiot?) hay xác định (Are you an idiot?) thì cứ trả lời Yes là xác định, còn No là phủ định.

8 thg 5, 2014

Cớ sao buồn này em?

Bữa nay mặt mày chú em Ba Trợn của Hai Ẩu tệ hơn đưa đám. Nó vừa bị giựt mất cái laptop!

Mặt xanh lè, Ba Trợn rên rỉ không thành tiếng: Chết em rồi. Bao nhiêu cái project, bao nhiêu cái kế hoạch làm việc, bao nhiêu dữ liệu nằm trong đó hết trơn. Bây giờ làm sao làm việc? Bây giờ lấy gì cày để kiếm cơm? Bây giờ làm sao mà sống đây trời?

Mặt chuyển sang đỏ bừng, Ba Trợn gầm lên: Đồ ác nhơn, đồ thất đức, nỡ lòng nào mà chúng bây giựt mất cái laptop cưng của ta chứ!


...

7 thg 5, 2014

Gành Hào ơi...!

Tôi không phải dân Bạc Liêu hay Cà Mau nên không gắn bó gì với tên sông Gành Hào hay huyện Gành Hào, nhưng tôi thích nghe bài Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang của Vũ Đức Sao Biển nên nhập tâm hai tiếng Gành Hào. Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang

Bạc Liêu ơi có nhớ chăng ai? 
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng

Và rồi khi đi qua Cà Mau, Bạc Liêu, được giới thiệu rằng mình đang đi trên sông Gành Hào thì nghe lòng xao xuyến lạ: đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang...


6 thg 5, 2014

Cà phê sáng Sài Gòn

Ít ra tôi cũng đã có gần 6 năm làm "cư dân Sài Gòn", từ tháng 9/1977 (khi bước chân vào ĐH Bách khoa) đến tháng 3/1983 (khi thôi không làm giảng viên ở trường nữa).

1983, về Biên Hòa, lúc đầu đôi khi vẫn nhớ Sài gòn, về lại đấy, ở đêm...

Thời gian thấm thoát trôi qua... Sài Gòn chỉ cách Biên Hòa 30 km, công việc của tôi cũng liên quan đến nhiều đối tác, bạn bè ở sài Gòn, nên hầu như tuần nào cũng có việc đi SG.

Đi công tác, đi dự hội thảo, đi đám cưới, đám tang, đi thăm bệnh... Kể cả những chuyến đi công tác đến các tỉnh xa, hay đi nước ngoài, SG vẫn là một "trạm trung chuyển". Đủ thứ lý do để đến SG. SG là chốn tôi lui tới nhiều nhất sau... Biên Hòa.


Sài Gòn - Biên Hòa gần gũi như vậy (cả về cự ly lẫn công việc), cho nên... Thật bất ngờ, tôi chợt phát hiện ra rằng từ 1984 tới giờ - 25 năm - hầu như tôi chưa bao giờ ở lại đêm tại Sài Gòn! Có những lần đi công việc đến 1 - 2 giờ sáng, vẫn tìm cách về lại Biên Hòa. Vì Biên Hòa gần Sài Gòn quá mà!


5 thg 5, 2014

Mì Quảng Phan Thiết

Một trong những món đặc sản được nhắc nhở khi tới Phan Thiết là mì Quảng Phan Thiết. Lưu ý là có 2 loại: mì Quảng Phan Thiếtmì QuảngPhan Thiết. Loại thứ nhất là mì Quảng đã được chế biến lại theo kiểu Phan Thiết, loại thứ hai là mì Quảng chánh hiệu được ăn tại Phan Thiết.

Mì Quảng chánh hiệu xuất phát từ Quảng Nam và giờ đã được bán khắp nơi trong cả nước rồi, nay mình tới Phan Thiết thì phải ăn mì Quảng Phan Thiết, tức là mì Quảng cải biên theo kiểu Phan Thiết cho nó đúng điệu!

Người ta giới thiệu rằng Phan Thiết có món mì Quảng vịt rất độc đáo. Độc đáo vì mì Quảng thứ thiệt thì hổng có vịt. Tô mì Quảng vịt đây:


4 thg 5, 2014

Bánh căn Phan Thiết

Tui từng được bạn hiền Lâm văn Lẫy chiêu đãi món bánh căn Phan Rang và rất kết món ăn nhà quê nhưng ăn bắt ghiền này. Vì thế, có người bạn từ nước ngoài về, đi Phan Thiết, tôi liền dẫn đi ăn bánh căn (Phan Thiết hay Phan Rang thì cũng là... Phan, ở gần nhau ấy mà!). Món ăn dân dã mà độc đáo này, ở nước ngoài đố mà có được!

Tự hào là mình đã biết ăn bánh căn, tui chuẩn bị giải thích cho anh bạn về món ăn. Thế nhưng quán bưng ra lần lượt hết tô này đến tô khác: một tô nước dùng trong đó có xíu mại và trứng luộc, một dĩa da heo, một tô cá nục kho, một tô nước mắm, một tô hành phi và tóp mỡ, một dĩa xoài sống xắt mỏng... Không thấy cái bánh căn nào cả! Tui lúng túng hỏi chủ quán: Ăn làm sao? Bánh căn đâu?




3 thg 5, 2014

Ngày xưa, có một ông tiên…

Ngày xửa ngày xưa, có một cô bé ngồi khóc thút thít dưới cột đèn. Như thường lệ, nếu có đứa bé nào khóc thì ông tiên hay ông Bụt sẽ hiện ra. Lần này một ông tiên râu tóc bạc phơ xuất hiện. Ông tiên sửa tướng, tằng hắng lấy giọng rồi cất giọng trầm ấm hỏi cô bé:
  • Tại sao con khóc?
Cô bé trố mắt ngó ông tiên, hỏi:
  • Uh, ông là tiên ah?


Ông tiên khoan khoái đáp lại: Ừa!

Cô bé lại òa khóc nức nở, nói:

  • Hu hu, seo ông ko hỏi: Tại seo kon hók? mừ lại hỏi Tại sao con khóc?

2 thg 5, 2014

Quay mặt về Tây

Dọc theo quốc lộ 51 đi Vũng Tàu có rất nhiều chùa. Chùa, thiền viện, tịnh xá rải đều từ Long Thành (Đồng Nai) tới Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chùa ở đây nhiều đến nổi các tour du lịch hành hương viếng 10 cảnh chùa thường chọn đây là khu vực viếng, bởi vì chỉ cần... đi chút xíu là được 10 chùa rồi!


Chùa Phật Tích Tòng Lâm trên QL 51, ở gần trạm dừng chân Bò sữa Long Thành

Có một điều đáng chú ý là dọc bên đường quốc lộ 51 có rất nhiều chùa, nhưng không phải hai bên đường, mà chỉ một bên đường thôi! Theo hướng đi Vũng Tàu thì các chùa nằm ở bên trái, còn bên phải hầu như không có ngôi chùa nào! Sao vậy kìa?