Cổng chùa Long Tân, chữ Chùa Hút Gió màu trắng đắp nổi phía dưới. Ảnh: Panoramio
Tại sao có tên là chùa Hút Gió?
Nói đến hút gió người ta nghĩ đến quạt hút gió trong công nghiệp hoặc trong nhà. Hay là ngôi chùa này có khả năng thu hút gió bốn phương về đây? Không có lý! Vị trí và kiến trúc của chùa không cho thấy chùa có khả năng đặc biệt đó.
Hút gió còn là phương ngữ Nam bộ, đồng nghĩa với huýt sáo. Hơ, nhưng không lẽ đây là chùa huýt sáo? Tên gì mà ngộ vậy?
Vậy mà đúng đó bạn. Chùa Long Tân còn có tên là chùa hút gió chính là mang ý nghĩa huýt sáo, đọc theo tiếng Nam bộ chính cống đó!
Cổng chùa, trong ảnh này tấm băng-rôn Đại lễ Vu lan đã che mất chữ Chùa Hút Gió. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Sách Biên Hòa sử lược của Lương văn Lựu kể rằng:
Năm 1916, ông Hứa văn Lòng là một nông dân, nằm mơ thấy Phật hiện ra, bảo: "Hãy lập một ngôi chùa làm nơi chữa bịnh cứu người. Cứ đi về hướng Tây Bắc, sẽ gặp vật linh thiêng".
Sáng ra, ông Lòng vác cuốc lên vai theo hướng Phật chỉ, đi về chợ Biên Hòa. Tới chùa Bửu Sơn, ông ra phía sau chùa đào bới ở một khoảng đất trống, và tìm thấy một lưỡi tầm sét và hai tượng ông Tà bằng đá.
Đem về ông Lòng bắt đầu lập chùa và trị bịnh. Ông trị bịnh bằng cách mài lưỡi tầm sét và làm phép trước hai ông Tà rồi cho uống. Vậy mà công hiệu! Đặc biệt, trước khi chữa bịnh, ông hút gió ba lần. Vì thế người dân gọi ông là ông thầy hút gió, còn tên chùa thì thây kệ chùa có tên là Long Tân, người dân gọi là chùa Hút Gió luôn cho tiện!
Tượng Phật Quan Âm nhỏ, đặt ở một góc chùa. Ảnh: PHN
Ông Hứa văn Lòng, hay thầy Lòng, có pháp danh là Thích Thiện Hóa chính là vị tổ khai sơn của chùa Hút Gió. Sau khi thầy Lòng viên tịch, vị trụ trì tiếp nối là thầy Bảy Còn, pháp danh Thích Thiện Quả, thầy ngoài việc tiếp nối chữa bệnh bằng hút gió, còn có thêm phép chữa bịnh khác và nuôi con nít rất hay. Sau khi thầy Bảy Còn viên tịch, vị sư trụ trì đời thứ 3 là Thượng toạ Thích Thiện Thạnh (thường gọi là thầy Sáu Trọng), tiếp nối nghề cứu chữa bệnh của các vị tổ sư. Nhờ truyền thống bốc thuốc chữa bệnh, giai đoạn 1980 - 1990 xa gần biết tiếng tìm đến chữa bịnh. Năm 2001, Thượng toạ Thích Thiện Thạnh viên tịch sau một cơn bạo bệnh. Từ đó đến nay chưa có vị trụ trì nào kế nghiệp chữa bịnh được nữa, chùa thưa vắng và xuống cấp dần.
Mặt tiền chùa rất đơn sơ. Ảnh: PHN
Nếu bạn là người dân Bửu Hòa xa quê đã lâu, hay là người đã từng chữa bịnh tại chùa Hút Gió thì về nơi đây viếng lại chùa sẽ gợi cho bạn nhiều kỷ niệm xưa. Còn nếu bạn là khách phương xa đến Biên Hòa, có lẽ ngôi chùa này không có gì thu hút bạn đâu. Nếu có chăng là tên gọi chùa Hút Gió của nó, thì tôi đã kể bạn nghe ở trên rồi vậy!
Phạm Hoài Nhân
Thiệt tình, đọc bài của Phạm Hoài Nhân nhưng lại cứ tưởng là... Hai Ẩu đang nói giỡn.
Trả lờiXóaNgười Nam bộ không nói "huýt sáo" mà nói "huýt gió"; tuy nhiên, phần lớn đều phát âm "dễ dãi" nên nghe "huýt" thành "hút". Cả hai cách nói, "huýt sáo" và "huýt gió" đều mô tả hành động dùng má và môi (miệng) tạo ra âm thanh khi miệng thổi khí ra, trong khi "hút" là hành động ngược lại.
Xem ra, chẳng có "phương ngữ" nào ở đây cả. Câu chuyện này cũng gợi nhớ tấm bảng biệu "Sữa Honda" treo bên cạnh quán giải khát hồi năm 1975 đã khiến có người tự tin kêu chủ quán "Cho một ly sữa hon đa".
Trong phần góp chuyện này, tui không đề cập đến Long Tân Tự (vì không biết thì chỉ dựa cột mà nghe thôi). Chỉ xin bàn chút xíu về việc CHỮ trong NÓI và ViẾT mà thôi. Khi một người miền Tây viết theo phát âm của mình mà CÁI RỔ thành CÁI GỔ là sai chính tả chứ không biến thành phương ngữ được.