Tui không biết sau khi bà nội mất, chuyện tình duyên của ông nội thế nào, chỉ biết là khi tui ra đời (năm 1959) thì tui có bà nội. Ba má tui dạy rằng đó là bà nội nhỏ.
Tui là đứa cháu nội đầu tiên, nên bà nội thương tui lắm. Tui cũng thương bà lắm.
Bà nội nhỏ không phải dân Bình Định, cũng không phải người Kinh. Hồi đó tui còn quá nhỏ để biết bà quê quán ở đâu, dân tộc gì, chỉ biết người lớn nói rằng bà là người Thượng.
Ở nhà ông nội có treo một chiếc gùi của bà. Và tui nhớ, thỉnh thoảng bà lại mang gùi đi. Đi chân không, Bà nói rằng bà về quê ít bữa. Tui cũng không biết bà về quê là đi đâu, nhưng chắc là hơi xa. Dáng bà nhỏ thó, mang gùi, đi chân trần trên những con đường đất đỏ Long Khánh, đi xa lắm vào nương rẫy, buôn làng ở đâu đó.
Người phụ nữ mang gùi trên đường phố Kontum. Ảnh: Phạm Hoài Nhân - 2009
Hồi đó nhà nghèo, lại thời buổi chiến tranh nên mộ bà khi chôn chỉ được đắp tạm và cắm mộ bia làm dấu. Chưa kịp xây mộ thì một trận đánh lớn xảy ra ở khu vực ấy (trận đánh ở đồn Hoàng Diệu, Long Khánh tháng 5/1969). Tất cả tan hoang, không còn vết tích gì cả. Mộ bà mất luôn từ đó.
Thời gian chồng chất trên cuộc đời, giờ đây tui không còn nhớ gì nhiều về bà nội. Không có ảnh, không có mộ để thắp nhang. Tui chỉ còn nhớ dáng bà mang gùi đi chân trần trên đường mòn đất đỏ.
Người phụ nữ mang gùi lên nương rẫy ở Pleiku. Ảnh: Phạm Hoài Nhân - 2013
Đôi khi trên bước đường phiêu lãng, nhìn thấy những phụ nữ người dân tộc mang gùi tui lại nhớ bà nội của mình. Hai đứa con tui - những đứa trẻ mà có lẽ chưa hề thấy chiếc gùi - chắc sẽ ngạc nhiên lắm nếu tui chỉ cho chúng những người phụ nữ ấy và nói: Bà nội của ba ngày xưa như vậy đó con!
Ông nội, bà nội tui đã mất từ lâu. Ba tui cũng vừa mới mất. Những ký ức này giờ đây trên cõi đời chỉ còn mình tui lưu giữ, nên tôi ghi tản mạn lại đây. Cho chính mình, và cho những đứa con...
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét