13 thg 9, 2014

Hiền hòa như Biên Hòa, hùng hổ như Biên Hùng!

Tên gọi Biên Hùng thường được dùng để chỉ vùng đất Biên Hòa. Đi ngược dòng thời gian một chút tên Biên Hùng có vẻ còn được ưa chuộng hơn Biên Hòa nữa. Trong bộ sách nổi tiếng Biên Hòa sử lược toàn biên của mình, cụ Lương văn Lựu đã đặt tựa tập 2 là Biên Hùng oai dũng, còn nhà văn Thái Thụy Vi thì đã viết bộ sách về Biên Hòa mang tên Biên Hùng liệt sử. 

Vì sao lại có 2 cái tên mang ý nghĩa hơi ngược nhau như vậy nhỉ? (Hòa là hiền hòa, còn Hùng là hùng dũng)

Có 2 chi tiết đáng chú ý:
  • Tên gọi Biên Hùng có trước tên gọi Biên Hòa
  • Biên Hòa là một địa danh hành chính chính thức, còn Biên Hùng chỉ là một tên gọi tự xưng.
Thuở ban đầu vùng đất Biên Hòa ngày nay có tên Trấn Biên, được đặt từ thời chúa Nguyễn. Trấn nghĩa là gìn giữ, cũng là đơn vị hành chánh có tính quân sự cấp tỉnh. Biên  là chỗ giáp giới bờ cõi. Đến năm 1808, vua Gia Long đổi tên dinh Trấn Biên thành Biên Hòa. Hòa là bình yên, hòa thuận, với mong muốn vùng đất nơi biên cương này được trấn giữ chắc chắn, thuận hoà.

Biên Hùng là tên gọi không chính thức của Biên Hoà chỉ trong khoảng hơn 20 năm cuối thế kỷ XVIII. Tên gọi này xuất phát từ một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đó là Lý Tài.


Lý Tài là một thương nhân người Hoa (có tài liệu nói là hải tặc) cùng với Tập Đình đem quân tham gia hàng ngũ Tây Sơn và lập được nhiều công trạng. Nhưng rồi Lý Tài lại bỏ quân Tây Sơn để đi theo nhà Nguyễn. Sau đó lại bất hòa với tướng Đỗ Thành Nhân của nhà Nguyễn mà bỏ ra đi. Lý Tài kéo quân về núi Châu Thới, hùng cứ một phương, tự xưng là đại vương và truyền đổi tên Trấn Biên thành Biên Hùng Trấn, nhằm nêu bật sự oai hùng của mình.Sự kiện này xảy ra khoảng năm 1776.

Năm 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân vào Nam đánh thắng quân chúa Nguyễn, Lý Tài được cho rằng đã chạy về Ba Giồng (Tiền Giang ngày nay) và bị giết chết tại đây. Đông Định Vương Nguyễn Lữ  đổi dinh Trấn Biên thành Biên Trấn. Khi Nguyễn Huệ rút về, Nguyễn Lữ không đủ khả năng giữ đất nên sau đó nơi này lại rơi vào tay quân Nguyễn. Từ đó đến khi có tên chính thức là Biên Hòa năm 1808, người dân Trấn Biên vẫn quen gọi tên vùng đất của mình là Biên Hùng theo tên Lý Tài đã đặt từ năm 1776.

Lý giải cho việc sử dụng tên Biên Hùng của mình, cụ Lương văn Lựu cho rằng tên Biên Hùng thể hiện được khí chất hào hùng của vùng đất và con người Biên Hòa - Đồng Nai. Nghe cũng phải, khi nào muốn hiền hòa ta sẽ xưng mình là dân Biên Hòa, còn khi nào cương lên thì ta sẽ xưng mình là dân Biên Hùng.

Dù sao đi nữa tên Biên Hùng cũng đã và đang được sử dụng khá nhiều ở Biên Hòa.


Trước năm 1975, có rạp hát Biên Hùng ở khu vực đường Hưng Đạo vương, Trịnh Hoài Đức và Quốc lộ I (bùng binh Biên Hùng)


Rạp Biên Hùng trước 1975

Sau 1975, rạp được đổi tên thành Nam Hà, và bây giờ là Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Biên Hòa. (Từ khi đổi thành Hòa thì nó hết Hùng rồi và hoạt động yếu xìu!).

Nội ô Biên Hoà có ngã năm Biên Hùng, đây là giao lộ có 5 hướng ra các con đường: Hà Huy Giáp, Hưng Đạo Vương, 30 tháng Tư. 


Vòng xoay ngã Năm Biên Hùng trước 2010. Biểu tượng này bị chọc quê là giống một con rồng không ra rồng, rắn không ra rắn, bị trói và chúc đầu vô bình rượu để cắt tiết!

Năm 2010, biểu tượng con rắn bị trói đã được thay bằng tháp đồng hồ 4 mặt. Theo thiển ý của tui, biểu tượng này cũng chẳng có gì đặc sắc.

Sát Ngã Năm Biên Hùng là Công viên Biên Hùng. Trong công viên Biên Hùng có hồ nước lung linh rất đẹp được người dân địa phương  gọi là Hồ Biên Hùng.


Hồ Biên Hùng rất đẹp, nhưng mặt nước lung linh này được xác nhận là nhiễm dioxin nặng!

Bên hông công viên Biên Hùng, trên đường Trịnh Hoài Đức có chợ đêm được hình thành từ cuối năm 2005, được gọi là Chợ Đêm Biên Hùng.
Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét