Sách Biên Hòa sử lược (1972) của cụ Lương văn Lựu xếp chùa Gò Sỏi vào loại chùa cổ, với những mô tả như sau:
Chùa được dân làng tự xây dựng từ lâu đời, trên một cái gò có nhiều sỏi đỏ nên được gọi là chùa Gò Sỏi. Chung quanh chùa có những gốc xoài cổ thụ, to ba người ôm mới giáp, chứng tỏ chùa được xây dựng đã hàng trăm năm.
Trong sách, cụ Lương văn Lựu "quên" không nói chùa nằm đâu ở Hóa An và tên chữ chính thức của chùa là gì, khiến kẻ hậu sinh đặt câu hỏi: hơn 40 năm sau khi cụ viết những dòng trên chùa Gò Sỏi có còn không, và đang ở đâu?
Hóa ra là còn, nhưng ngôi chùa không còn nằm trên gò sỏi nữa, và bây giờ tên chính thức của chùa là chùa Tân Quang.
Chính điện chùa Tân Quang
Từ Biên Hòa đi qua cầu Hóa An, tới chợ Hóa An rẽ phải theo đường Hoàng Minh Chánh khoảng 400 - 500 met nhìn bên phải bạn sẽ thấy một ngôi chùa thật to. Đó là chùa Tân Quang. Con đường Hoàng Minh Chánh phía bên Hóa An là con đường hẹp, rải đá lởm chởm, mùa mưa nước lấp xấp. Chợ Hóa An là một ngôi chợ nhỏ (phải thế thôi, vì cho đến bây giờ Hóa An vẫn còn là xã chứ chưa được là phường như các nơi khác). Thế nên giữa xóm nghèo ấy ngôi chùa đồ sộ dễ tạo nên sự chú ý.
Hình tượng rồng trên mái chùa
Thông tin sau đây trích từ trang Facebook của chùa:
Chùa Tân Quang tọa lạc 186 Hoàng Minh Chánh, ấp An Hòa , xã Hóa An , thành phố Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai.
Ngôi chùa được nhân dân trong làng xây dựng cách đây gần 200 năm tại khu đất gò sỏi thuôc ấp Cầu Hang xã Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thế nên Chùa thường được gọi là Chùa Làng hay Chùa Gò Sỏi.
Trong Chánh Điện của chùa tất cả những tượng Phật ,tượng Bồ Tát , tượng La Hán , tượng Thập Điện Diêm Vương, Tứ Thiên Vương.....đều làm từ đất sét nung chín. Tất cả đều rất đẹp. Những hoa văn họa tiết trên thân tượng thể hiện sức sáng tạo , nét tài hoa , tính mỹ thuật cao và bàn tay khéo léo của người Biên Hòa xưa.
Sau giải phóng, do nhu cầu khai thác đá của xí nghiệp đá Phương Mai, chùa được di dời về địa chỉ hiện nay từ năm 1984 đến nay. Trong suốt thời gian trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc khai thác đá nên những pho tượng xưa phần lớn đều không còn.
Từ năm 1984 đến năm 2000, chùa được nhân dân trong làng trông coi nên vẫn được gọi là chùa Làng. Được sự nhất trí thỉnh cầu của nhân dân trong làng và UBMTTQ xã Hóa An, từ tháng 6 năm 2000 đến nay Chùa được đại đức Thích Minh Cang về làm trụ trì.
Do quá trình di dời và tận dụng những cây gỗ từ chùa xưa nên chẳng bao lâu Chánh Điện của chùa xuống cấp rất trầm trọng. Tháng 01 năm 2010, ngôi bảo điện chùa Tân Quang được xây dựng lại cho đến ngày hôm nay.
Tượng Phật Quan Âm trước sân chùa
Mặt bên chùa
Phù điêu ở mặt bên chùa
Trước cửa chùa
Khi tôi đến đây (tháng 9/2014) chùa lại đang trùng tu.
Bài và ảnh: Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét