24 thg 11, 2014

Đền Ấn Độ Administ Pagode Chetty ở Sài Gòn

Giữa thế kỷ 19, người Pháp chiếm đóng Nam kỳ lục tỉnh. Đến cuối thế kỷ này họ đưa người Ấn Độ ở nhượng địa của mình đến để tham gia công việc kinh doanh. Những người Ấn này có 2 nhóm chính: một nhóm gốc người Bombay, Delhi, Benares thường kinh doanh vải sợi, người Việt thường gọi là Chà Bombay; nhóm còn lại là người Tamil ở Nam Ấn thuộc cộng đồng người Chetty thường cho vay và kinh doanh địa ốc, người Việt thường gọi là Chà Chetty.

Chính những người Chà Chetty này đã xây dựng nên những ngôi đền Ấn Độ nguy nga ở Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của mình từ cuối thế kỷ 19. Hiện nay ở TPHCM còn 3 ngôi đền Ấn Độ.

Ngôi đền Ấn Độ ở 66 Tôn Thất Thiệp, quận 1 có tên là Administ Pagode Chetty. Đền này thờ thần Murugan là tên của thần Subramaniam Swami lúc trẻ, ngoài ra còn thờ các vị thần khác của đạo Hindu như Shiva, Vishnu, Brahma... (Chữ ghi trên cửa đền là Sri. Thendy Yutthapani)


Chùa Ấn giáo ở 66 Tôn Thất Thiệp

Để có thể tìm hiểu một cách sâu sát, tôi quyết tâm vào chùa với tư cách một tín đồ. Người phụ nữ trực ở cửa chùa hỏi tôi: đi tham quan hay đi cúng? Tôi nói: Đi tham quan và cúng luôn! Nhưng mà... cúng làm sao hè? 

Chị ta hướng dẫn tôi mua dầu, đèn, nhang và chỉ cách thức cúng. Cũng đơn giản, thắp nhang và khấn vái tương tự chùa Việt, cặp đèn thì đặt ở bàn thờ và thắp đèn nếu ở đó chưa có đèn (có rồi thì thôi, chỉ đặt đèn ở đó), còn dầu ăn thì châm vào 2 ly ở bàn thờ (nếu đã đầy quá thì khỏi châm). Thấy tui đứng lóng ngóng. chi ta biết ngay rằng đây là ông khách... ham vui chớ chẳng phải tín đồ thành tâm thành kính gì hết nên đứng dậy và nói: Đi theo tui, tui chỉ cho mà làm!

Chánh điện đơn sơ và thoáng

Bàn thờ chính ở ngay chính điện. So với chùa Phật giáo thì đơn giản hơn rất nhiều

Tín đồ Ấn giáo giả hiệu, tay chân co ro chẳng biết làm gì!

Sau nghi thức ở bàn thờ chính xong, người đi lễ sẽ đi theo hướng tay trái của mình dọc hành lang đến cuối đền và vòng ra theo hành lang phải lần lượt cúng trên các bàn thờ khác.

Điều đáng chú ý là không như chùa Phật có rất nhiều tượng và tượng rất to, chùa Ấn gần như không có tượng. Ở bàn thờ nếu có tượng thì chỉ là tượng nhỏ như ta thấy trong ảnh. Thay cho tượng là những tranh thờ trong khung kiếng hoặc tranh đắp nổi thôi.

Tượng thờ khá khiêm tốn ở bàn thờ chính

Tranh đắp nổi trên tường gạch men


Các tranh thờ thay cho tượng

Ở bàn thờ cũng chỉ có tranh chứ không phải tượng

Không chỉ là tranh thờ các vị thần, mà cả các vị chức sắc tôn giáo đương đại

Bàn thờ thần Ganesha chỉ có một tượng thần nhỏ cạnh những bức tranh thờ

Tôi đi tới đâu cũng thấy ly dầu đã được châm đầy nên... để luôn nguyên chai dầu ăn ở một bàn thờ, khỏi cầm theo nữa!

Khá bất ngờ, khi phía sau đền là một pho tượng to, và đó lại là tượng Phật Bà Quan Âm.

Tượng Phật Bà Quan Âm trong chùa Ấn Độ

Hành lang chùa rộng, thoáng, tường bên là gạch men và ở cột lại vẫn là các bức tranh thờ.


Ở bên hông chùa, có một cỗ xe ngựa thần, không rõ ý nghĩa là gì.


À, còn điều này nữa: Ở chùa Ấn Độ không có trống, không có chuông. Thật ra chỉ có cái chuông nhỏ xíu ở lối ra vào thôi.

Cái chuông nhỏ xíu ở góc trên bên phải

Cùng đi lễ với tôi có một tín đồ người Ấn dáng vẻ trí thức. Khi đã đi một vòng làm lễ xong, anh ta kéo nhẹ dây chuông. Tôi hỏi thì được biết đó là một nghi thức khi kết thúc cuộc lễ,

Tôi suy nghĩ thử xem mình có nên kéo dây chuông không, nhưng cuối cùng lại thôi. Vì thật ra mình có biết cúng lễ gì đâu chứ, đi tới đi lui trong chùa, xớ rớ mà chẳng biết thần nào thánh nào. Thần chưa quở là may, kéo chuông chi cho rộn chuyện. Thế là xong, đi về.

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. phục anh quá anh Nhân ơi, vào những nơi như thế này chắc em phải đi chung với ai đó nữa thì mới dám mở miệng quá :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình mở miệng ra và nói: "Tui hổng biết, làm ơn chỉ dùm tui đi!". Thế là người ta chỉ mình thôi Bố Susu ơi! :-)

      Xóa