10 thg 9, 2022

Chùa Hang ở Cổ Thạch

Cổng chào Khu Du lịch Cổ Thạch ghi là: Khu Du lịch Chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh, như hình.


Có 2 điều lưu ý:

Một là đừng có xớn xác thấy ghi Bình Thạnh thì nghĩ Cổ Thạch ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Bình Thạnh này là một xã ven biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 90 km về phía Đông Bắc.

Hai là mặc dù ghi tên khu du lịch chùa Cổ Thạch nhưng thực chất du khách đến đây để ngắm cảnh biển và tắm biển Cổ Thạch, một bãi biển rất đẹp có nhiều bãi đá cổ. Cùng với đó là viếng ngôi chùa ở trên đồi cao ven biển mang tên chùa Cổ Thạch, người dân quen gọi là Chùa Hang.

Theo lời kể, chùa lúc đầu chỉ là một thảo am do Tổ Hải Bình – Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Tổ Bảo Tạng từ núi Linh Sơn, Vĩnh Hảo đến vùng Bình Thạnh chọn một hang đá trên đồi núi để tu hành. Nơi đây, Tổ đã độ cho hương hào Hồ Công Điểm, nhà giàu có nhưng không con, đến quy y và cầu tự. Sau đó, vợ ông Điểm sinh được một trai, một gái. Mang ơn đó, ông bà Điểm cho xây dựng ngôi chùa khang trang, đặt tên là Cổ Thạch.

Chùa nằm trên đồi cao 64 m, nằm bên cạnh bãi biển Cà Dược - hay như người ta vẫn quen gọi là bãi biển Cổ Thạch. Trên đồi này có nhiều khối đá, nhiều hang hốc nên ngoài ngôi chùa chính nằm trong một hang người ta còn tận dụng nhiều hang khác làm nơi thờ cúng. Nhìn tổng thể đây là vùng đồi nhấp nhô những khối đá, miếu thờ, tượng thờ, phía xa là biển cả mênh mông rất ấn tượng.

Tam quan chùa, phía trước là tượng voi - hổ.

Tam quan chùa, phía trước là... bạn tui!

Một điện thờ được xây trong hốc núi


Tháp mộ và miếu thờ với những điêu khắc đặc sắc


Những tượng điêu khắc được xếp đặt rải rác khắp trên đồi

Những tảng đá to được vẽ trang trí các sự tích về Đức Phật

Trước đây từ đường lộ (chỗ đậu xe) lên chùa phải đi một đoạn khá dài và leo dốc. Sau này, ngay từ lối vào người ta xây dựng lên một ngôi chánh điện khang trang để tiện cho khách hành hương lạy Phật.

Ngôi chánh điện mới

Họa tiết trên mái chùa cho thấy chùa xây năm 2550 PL, tức năm 2006 DL.

Từ ngôi chánh điện mới ở lối vào cho đến khu vực chùa cũ và các công trình phụ là cả một... cái chợ. Nơi đây bày bán đủ thứ, chủ yếu là cây thuốc dược liệu, vật phẩm tâm linh, vật phẩm lưu niệm và tất nhiên là có điểm ăn uống.



Dọc lối vào chùa là cả một cái chợ bày bán đa phần là dược liệu

Đi Cổ Thạch, chẳng những bạn tắm biển, leo núi, viếng chùa mà còn... đi chợ nữa. Thú vị quá phải không? 

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét