8 thg 9, 2022

Chùa Hang ở Trà Vinh

Theo lẽ thường, một ngôi chùa được gọi là chùa Hang nếu ngôi chùa đó nằm trong hang, hay trong khuôn viên chùa có (những) cái hang. Ấy vậy mà ở Trà Vinh có một ngôi chùa ai cũng kêu là chùa Hang mà chùa không hề nằm trong hang và đi khắp khuôn viên chùa cũng không thấy cái hang nào ráo trọi.

Sao kỳ vậy ta?

Là vầy: Chùa có tên (bằng tiếng Khmer, tất nhiên) là Kompong Chrây. Người Việt không quen đọc tiếng Khmer nên kêu là chùa Mồng Rầy. Kêu vậy cũng chưa thấy thuận miệng cho lắm, và thấy tam quan chùa được xây giống hình cái hang như vầy:


cho nên họ gọi là Chùa Hang cho tiện. Với lại cổng tam quan này nằm ngay mặt tiền quốc lộ 54 (đường Hai tháng Chín) nên để tiện nhận dạng người ta cứ nói đi ngoài lộ thấy cái hang là tới chùa Hang!

Chuyện về cái hang của chùa Hang Trà Vinh có nhiêu đó thôi, nhưng chùa có rất nhiều cái hay khác không liên quan đến hang. Xin kể ra nghen.

Chùa Hang tên đúng là Kompong Chrây, tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer). Theo nhiều tư liệu, chùa được khai sơn từ năm 1637 (gần 400 năm).


Như hầu hết các ngôi chùa Khmer khác ở miền Tây, chùa Hang nằm trong một khuôn viên rất rộng, ước chừng 2 ha. Chung quanh chùa là rừng sao, dầu, me với rất nhiều chim, cò về làm tổ.

Lũ cò ở đây nhiều tới mức tui nghĩ rằng nơi đây xứng đáng được đặt tên là chùa Cò. Trà Vinh cũng có một ngôi chùa được người dân gọi là chùa Cò, đó là chùa Phnôdol ở huyện Trà Cú, do có rất nhiều cò. Tuy nhiên tui có tới đó rồi và thấy số lượng chim cò ở đó thua xa chùa Hang.

Cò bay nhởn nhơ bên tháp chùa



Giờ nào cũng có chim cò trong vườn chùa, nhưng về chiều thì nhiều hơn

Những cư dân rừng xanh này bay lượn và ríu ra ríu rít inh ỏi cả khu vườn. Và nếu bạn không cẩn thận, chúng sẽ rải phân trắng lên đầu, lên tay bạn. Thí dụ như trong hình này, tui vừa tranh thủ lượm một chiếc lông cò rụng để làm kỷ niệm thì đâu đó trên trời rớt xuống một giọt trắng trắng.


Còn nếu đậu xe hơi ở khu vực lý tưởng thì khi về nhà chịu khó rửa xe vì trên mui sẽ có nhiều đốm trắng.

Điều thú vị thứ hai là chùa Hang còn là ngôi trường dạy nghề và xưởng chế tác đồ gỗ rất đẹp. Năm 2002, khi chùa Hang xây dựng lại ngôi chánh điện đã mời nghệ nhân Thạch Buôl ở xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long về vẽ các hoa văn, họa tiết và thực hiện điêu khắc một vài tác phẩm để trang trí. Nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc từ gỗ rất đẹp của nghệ nhân Thạch Buôl, sư cả Thạch Suông đã mời ông ở lại để truyền nghề cho các vị sư trẻ. Nghề dạy nghề, các nhà sư trẻ trở nên lành nghề và nhà chùa đã mở lớp đào tạo nghề điêu khắc gỗ cho thanh thiếu niên Khmer trong vùng

Hiện nay vào chùa bạn có thể tham quan các tác phẩm điêu khắc gỗ rất độc đáo được các sư sãi trong chùa tạo nên.


Vài tác phẩm điêu khắc do nhà chùa tạo nên

Các nhà sư đang tạo tác

Khách đứng chụp hình ké bên tác phẩm điêu khắc gỗ

Một điều lạ là ở chùa có cụm tượng 12 con giáp. 12 con giáp này tương tự như 12 con giáp trong lịch Việt Nam, chỉ khác là con trâu (sửu) được thay bằng con bò và con mèo (mẹo) được thay bằng con thỏ. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhóm tượng 12 con giáp ở chùa Hang là yếu tố văn hóa dân gian xâm nhập vào Phật giáo, bởi về nguyên tắc các chùa của người Khmer theo hệ phái Nam tông không có.

Vì tượng đặt trên cao nên dù tui cố gắng đứng gần con heo (là tuổi của mình) mà vẫn thấy... khiêm tốn quá. Mọi người có thấy tui hông?

Cụm tượng 12 con giáp

Quả thiệt là tui đã ghé thăm khá nhiều chùa Nam tông Khmer ở miền Tây rồi nhưng chỉ mới thấy duy nhứt chùa Hang có cụm tượng 12 con giáp. Thế nhưng khi về Đồng Nai tui lại thấy có tượng 12 con giáp trong một ngôi chùa Nam tông Việt, đó là Thiền viện Phước Sơn. Chuyện 12 con giáp trong chùa Nam tông xin để lại dịp khác vậy, chuyện về chùa Hang Trà Vinh tới đây đã quá dài rồi.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét