1 thg 9, 2022

Hôm qua em đi chùa... Hang, hoa cỏ vậy mà hơi... sang!

Trước khi nói chuyện "Hôm qua em đi chùa... Hang", ta cùng nghe bài Em đi chùa Hương (nhạc Trung Đức, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp) để thư giãn nghen.


Thiệt ra nói đi chùa Hương là đi chùa Hang cũng... chấp nhận được, bởi vì hành trình đến chùa Hương cũng sẽ đến động Hương Tích, nơi được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động. Ngoài ra dọc suối Yến có rất nhiều chùa, trong đó không ít chùa nằm trong hang.


Tuy vậy, người ta không gọi chùa Hương là chùa Hang, mà gọi là chùa Hương (chùa ở vùng Hương Sơn) hay chùa Thiên Trù (tên chữ của chùa, nghĩa là bếp trời). Thôi, không kể đến chùa Hương thì khắp đất nước ta, từ Bắc chí Nam cũng đã có vô số ngôi chùa mang tên Chùa Hang rồi!

Có lẽ chùa Hangtên chùa xuất hiện nhiều nhất tại Việt Nam! Dễ hiểu thôi, người tu hành thường tìm nơi vắng vẻ hẻo lánh để tu tập, nên thường đến các hang động. Các hang ấy trờ thành chùa, và vì thế nên gọi là chùa Hang.


Để tui kể ra chừng chục ngôi chùa Hang nghen, ý là chỉ xét những ngôi chùa khá nổi tiếng, được nhiều người biết (và tui biết) chớ kể cho hết thì chắc là vô số. Ta đi từ từ, từ Nam ra Bắc nghen.

1. Chùa Hang ở Kiên Giang

Đây là ngôi chùa ở khu vực Hòn Phụ Tử, tên chữ là Hải Sơn Tự, là một ngôi chùa cổ nằm trong hang đá sâu khoảng 40 m, thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Tam quan chùa Hang - Hải Sơn tự

2. Chùa Hang ở An Giang

Ngôi chùa tọa lạc trên triền núi Sam, thuộc địa phận khóm Vĩnh Tây I, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, có tên chữ là chùa Phước Điền. Gọi là chùa Hang vì chùa vốn được xây dựng trong một hang đá thiên nhiên. Chùa Hang này gần miếu Bà Chúa Xứ, Tây An cổ tự.

Bên trong chùa Hang - Phước Điền

8. Chùa Hang ở Bình Thuận

Chùa Hang còn gọi là Cổ Thạch tự thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, ở khu vực biển Cổ Thạch. Chùa tọa lạc trong một hang động trên đồi núi cao trên 64 m.

Chùa Hang - Cổ Thạch

4. Chùa Hang ờ Nha Trang

Chùa có tên là Hải Ấn, tọa lạc tại khu vực Tháp Bà, Nha Trang. Người dân gọi là chùa Hang vì trong chùa có một cái hang sâu ăn lên núi.

Cổng chùa Hang (Hải Ấn tự) ở Nha Trang

5. Chùa Hang ở Phú Yên

Chùa Hang nằm trên sườn phía Tây, trên đỉnh núi Chóp Chài, thuộc xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Chùa có tên chữ là Minh Sơn. Chùa có kiến trúc dựa theo cấu tạo sẵn của thiên nhiên, gồm những tảng đá to dựng thẳng đứng tạo thành vách và mái che rất kín đáo; phía ngoài cửa vào chùa có hai tảng đá nhoài ra với mái che bằng phẳng như một hành lang trước khi bước vào chánh điện.

Bên trong chùa Hang (Minh Sơn tự) Phú Yên

6. Chùa Hang ở Bình Định

Chùa Hang thuộc địa phận thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hoà, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Chùa còn có tên chữ là Thạch Cốc Tự, Thiên Sanh Thạch Tự. Chùa vốn là hang động thiên nhiên có chu vi 76 m, hang nằm ở lưng chừng núi, mặt hướng về phía Ðông và có đường thông lên núi và ra biển.

Mặt tiền chùa Hang (Thiên Sanh Thạch tự) Bình Định

7. Chùa Hang ở Lý Sơn - Quảng Ngãi

Chùa Hang thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tên chữ của chùa là Thiên Khổng Thạch tự. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang động lớn nhất trên đảo Lý Sơn. Muốn đến chùa phải men theo con đường độc đạo cheo leo vách núi sát mép biển lên cao dần rồi xuống hơn 40 bậc mới đến đươc.

Bên trong chùa Hang (Thiên Khổng Thạch tự) trên đảo Lý Sơn

8. Chùa Hang ở Yên Bái

Chùa Hang tọa lạc ở làng Úc, xã Tân Lập, huyện Lục Yên nên được gọi là chùa Hang Úc. Chùa nằm trong một hang núi thiên nhiên ở lưng chừng núi Thâm Then (núi Chùa), cao khoảng 60 m. Lòng hang dài 23 m, cửa hang cao 11 m mở về phía Nam, trông ra sông Chảy.

Lối vào chùa Hang Úc, Yên Bái.

9. Chùa Hang ở Tuyên Quang

Chùa Hang có tên chữ là chùa nằm dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Chùa Hương Nghiêm nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.

Chùa Hang (Hương Nghiêm) ở Tuyên Quang

10. Chùa Hang ở Thái Nguyên

Chùa Hang là thắng cảnh thuộc thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Chùa có tên chữ là Kim Sơn tự, ngoài ra còn được gọi là Tiên Lữ Phật động vì nằm trong động Tiên Lữ. Chùa Hang (động Tiên Lữ) là một hang lớn nằm trong lòng núi đá, trong lòng hang có những nhũ đá lớn, được đặt tên như: cột trụ chống trời, bụt mọc, hổ chầu, voi phục.

Lối vào chùa Hang Thái Nguyên

Vậy là đã đủ chục ngôi chùa Hang rồi đó. Để tỏ lòng hào phóng tui xin bonus thêm 2 ngôi chùa Hang nữa cho chẵn chục mười hai.

11. Chùa Hang ở Trà Vinh

Chùa Kompong Chrây ở huyện Châu Thành, Trà Vinh được người dân gọi là chùa Hang. Đây là ngôi chùa Hang lạ lùng nhứt, bởi vì không phải ngôi chùa nằm trong hang và từ ngoài vô trong chùa không có cái hang nào hết. Vậy sao kêu là chùa Hang?


Trăm sự là do cái cổng chùa này đây. Nhìn nó giống cái hang, nên người dân gọi là chùa Hang. Vậy thôi!

12. Chùa Hang ở Biên Hòa

Đi đâu rồi cũng quay về Biên Hòa. Biên Hòa cũng có chùa Hang như ai, đó là chùa Long Sơn Thạch động ở Bửu Long. Nghe Thạch động là biết hang rồi, phải hông?

Chánh điện chùa Long Sơn Thạch Động ở Bửu Long, Biên Hòa

Vì đây là chùa nhà, nên tui xin ưu ái dành một bài riêng cho nó sau nhé.

Hôm sau tui đi chùa Hang
Tui kể nhiều chuyện lan man...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét