4 thg 9, 2022

Chùa Hang ở Kiên Giang

Chùa Hang nằm ở khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử, thuộc tỉnh Kiên Giang. Xưa nay người ta vẫn nhớ rằng Hòn Phụ Tử là một cảnh đẹp của Hà Tiên, và mặc nhiên hiểu rằng Hòn Phụ Tử và cùng với đó là chùa Hang cũng đều ở Hà Tiên. Thế nhưng điều đó không đúng, hay nói chính xác hơn là: Chùa Hang - Hòn Phụ tử thuộc Hà Tiên theo địa giới hành chính ngày xưa còn bây giờ thì không phải. Theo địa giới ngày nay, khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ Tử nằm trên địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương, và Kiên Lương thì nằm ở phía Đông Nam của Hà Tiên.

Chùa Hang ở Kiên Lương, Kiên Giang

Miền Tây Nam bộ là vùng đồng bằng, không có núi. Không có núi thì không có hang. Không có hang thì... không có chùa Hang. Ý nhưng may quá, có 2 tỉnh có núi, đó là An Giang và Kiên Giang. Núi ở An Giang thì khá hoành tráng, nổi bật là cụm Thất Sơn. Còn ở Kiên Giang, ngoài đảo Phú Quốc có nhiều núi khá cao thì ở đất liền có những ngọn núi thấp và núi đá vôi (cao chừng vài chục mét). Một trong những ngọn núi như vậy ở xã Bình An, nằm bên bờ biển, là An Hải Sơn.

Từ An Hải Sơn nhìn ra biển là Hòn Phụ Tử nổi tiếng cùng nhiều hòn khác. Còn bên trong, trong lòng núi An Hải Sơn là một hang động dài độ 50 met, cửa hang cũng thông ra biển. Từ thế kỷ 17 đã có một vài nhà sư thấy địa hình hang động thích hợp nên đã mang tượng Phật đến và tạo thành ngôi chùa, tu hành tại đây. Vì ở trong hang, chùa được gọi tên là chùa Hang. Sau này, chùa có thêm tên chữ là chùa Hải Sơn. Tên này cũng rất hợp, vì chùa ở trong núi (Sơn) và nhìn ra biển (Hải).


Từ chùa Hang nhìn ra là Hòn Phụ Tử. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Từ ngoài cổng chính, ta qua tam quan và đi vào trong hang, đây là phần chính của ngôi chùa.

Lối đi trong chùa Hang

Qua tam quan, khách hành hương vào lễ điện Quan Âm. Ở đây có thờ tượng Bồ tát Chuẩn Đề, Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Địa Tạng. Ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m. Điện Phật có nhiều bàn thờ, đặc biệt có hai tượng Phật Thích Ca (kiểu thức tượng Phật giáo Nam Tông Thái Lan). Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, hai bên có hai tượng Phật khuyến thiện, trước có tượng Đản sanh. Một bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thành đạo, trước có các pho tượng nhỏ là tượng Thích Ca lúc còn là Hoàng tử và bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí). Ở trong hang còn có bàn thờ tượng đức Phật Thích Ca thiền định, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Bồ tát Địa Tạng và hai tượng nhỏ Hộ Pháp, Tiêu Diện… và một quả đại hồng chung.

Thạch nhũ trong hang. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bàn thờ Bồ Tát Quan Âm trong hang. Ảnh: Võ văn Tường

Ra khỏi hang, chúng ta đi qua cổng chùa phía Nam, nhìn ra xa là hòn Phụ Tử nổi tiếng, cảnh biển Hà Tiên xinh đẹp.

Ngoài Hòn Phụ Tử, nơi đây còn những hòn khác. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nếu thích, ngoài việc vãn cảnh chùa, ngắm cảnh biển, bạn còn có thể leo trèo lên núi...

Khỉ leo trèo trên bờ tường của chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Còn đây là ảnh leo trèo trên núi, nhưng không phải khỉ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét