24 thg 1, 2016

Rồi sẽ có trăng soi bên thềm

Rồi sẽ có trăng soi bên thềm
Về với bóng tre xanh êm đềm...

Đó là lời ca khúc Rồi sẽ thấy - rồi sẽ có của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.


Dạo ấy khoảng 1972 - 1973, tôi đang học lớp 8, cùng với sự ra đời của bài hát Thương quá Việt Nam (vẫn được yêu thích đến tận bây giờ) là bài hát Rồi sẽ thấy - rồi sẽ có cùng của Phạm Thế Mỹ.

Dạo ấy trong lớp học chúng tôi thường hát những bài này. Giữa buổi, cuối buổi, liên hoan văn nghệ... và nghêu ngao cả ở nhà.


Như nhiều ca khúc khác của Phạm Thế Mỹ, ca từ của bài hát thấm đậm hình ảnh quê hương và phảng phất chút thiền.

Là một ca khúc phản chiến, với một số hình ảnh chiến tranh (Ngày tiếng súng im ru trong làng/ Ngày xác chết thôi phơi ruộng vàng...), nhưng với những đứa trẻ 12, 13 tuổi như chúng tôi ngày đó in sâu vào đầu là những hình ảnh thơ mộng đáng yêu, nhất là những hình ảnh quê hương yên lành:


Rồi sẽ có trăng soi bên thềm
Về với bóng tre xanh êm đềm
Và bắp lớn, và măng non
Mùa lúa chín nuôi dân cả nước

hay

từng chiếc lá, từng bông hoa
cười đón bước chân vui mẹ già

Rồi sẽ có bao nhiêu chợ làng
và mắt sáng xinh xinh cô hàng
nhiều quán mới, đời thêm tươi
đèn đuốc sáng qua bao ngõ tối

Mùa nước rút con sông thật hiền 
Bãi cát trắng em thơ thả diều 
rồi tắm mát, rồi rong chơi 
rồi nắng ấm trên môi nụ cười...

Rồi sẽ thấy, rồi sẽ có... nghĩa là bây giờ chưa có, không có. Những chú bé cứ tưởng tượng và ước mơ...


Hơn 40 năm trôi qua. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, có lẽ các bạn cũng như tôi, những khi buồn rầu, thất vọng, tê tái... vẫn thường tự nhủ thầm: Rồi sẽ thấy, rồi sẽ có... như những lời động viên, an ủi.

Riêng tôi, mỗi khi nhủ lòng Rồi sẽ thấy, rồi sẽ có... lại nhớ những lời ca này.

Những khi mỏi mệt vì mải bôn ba trên đường đời, quay cuồng vì những xao động trong đời lại mong muốn quay về chốn bình yên xa xôi nào đó.



Rồi sẽ có trăng soi bên thềm 
Về với bóng tre xanh êm đềm...



Hy vọng và ước mơ là động lực giúp ta vững tin và vươn tới, nhưng hơn 40 năm qua rồi mà vẫn chỉ là Rồi sẽ thấy, rồi sẽ có... thì có đáng buồn không nhỉ?



Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét: