Xe U-Oát
Tiếc là hồi đó chả có phương tiện như bây giờ, máy chụp hình (máy cơ) là của hiếm, máy vi tính cũng còn chưa có nữa chớ đừng nói tới Internet hay blog... Còn bản thân mình thì chưa có tí kiến thức gì về du lịch, đi đây đi đó... nên chẳng ghi nhận được gì nhiều, dù rằng chuyến đi đó tới nửa tháng và chẳng những đến Hà Nội mà còn đến tận vùng quê Hải Dương, Nghệ An (là quê của vị cán bộ miền Bắc trưởng đoàn).
Thiệt tình mà nói, dù lúc đó miền Nam còn khổ và rất háo hức được ra thăm thủ đô nhưng tui vẫn thấy miền Bắc nghèo và chán hơn hẳn so với tưởng tượng của mình!
Thôi, chuyện đó lúc nào sẽ kể sau, nay tui chỉ muốn kể chút chuyện về lý qua cầu thôi!
Ra Hà Nội, tụi tui ở nhà khách Bộ Vật tư bên Gia Lâm (cũng tại nơi này, lần đầu tiên trong đời tui ăn thịt chó, chả là các bác cán bộ miền Bắc về quê thèm đặc sản ấy mà!).
Chiều đông Hà Nội rét căm căm, tui mặc sơ mi phong phanh đi bộ từ Gia Lâm ra nội thành (hic, thiếu kinh nghiệm tới mức không đem theo áo lạnh!). Hồi đó cầu Chương Dương mới xây xong (cầu khánh thành năm 1985, đưa vào sử dụng năm 1986).
Cầu Chương Dương hiện nay
Những năm 80 của thế kỷ XX, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Làn đường ôtô quá nhỏ, cầu quá xưa nên cảnh ách tắc luôn xảy ra. Cầu Thăng Long khánh thành năm 1985, nhưng quá xa trung tâm. Vì vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một, cầu Chương Dương ra đời từ đây. Cầu Chương Dương khánh thành ngày 30-6-1985. cầu dài 1.230 met.
Chiếc cầu mới xây xong nhìn rất đẹp và hoành tráng, bên dưới là dòng sông Hồng nước đỏ ngầu cuộn chảy. Tui khoái chí đi bộ qua cầu, vừa đi vừa ngắm sông, tự hào nghĩ thầm về đến quê nhà sẽ kể lại cho người thân: Tui đã đi qua sông Hồng trong một chiều đông Hà Nội lộng gió!
Tui ngạc nhiên là chiếc cầu thênh thang vậy chỉ có một mình mình đi bộ qua cầu. Dân Hà Nội đi đâu hết rồi ta? Thôi kệ, chẳng cần quan tâm làm gì, hãy cứ tận hưởng thú tiêu dao trên cầu vậy!
Cầu Chương Dương
Đi hơn 1200 met qua cầu, tôi quay nhìn lại. Lúc bấy giờ mới thấy... bảng cấm người đi bộ qua cầu! Thảo nào không thấy ai qua cầu như mình. Đầu cầu bên này có người đứng gác, nhưng hình như lúc nãy mình đi bên kia đâu có ai cản lại đâu! Hi hi, vậy là lập được thành tích là một trong những người hiếm hoi đi bộ qua cầu Chương Dương! Ra Bắc lần đầu tiên mà lập được thành tích như vậy đâu đến nỗi tệ, phải không?
Đi vòng vòng bên Hoàn Kiếm một hồi, tôi quay về. Lần này thì bị cấm thật sự, không cho đi bộ qua cầu Chương Dương nữa. Vậy là đành đi bộ qua cầu Long Biên. Vậy là trong buổi chiều đầu tiên ở Hà Nội, tôi có dịp đi bộ qua 2 chiếc cầu lịch sử: cầu Long Biên và cầu Chương Dương.
Cầu Long Biên
Hồi đó còn quá non nớt nên chưa thấy hết ý nghĩa lịch sử của cầu Long Biên, chỉ thấy nó mang một dáng vẻ cũ kỹ, cổ kính. Sau này mới thấy cầu Long Biên có quá nhiều nét giống với cầu Gành ở Biên Hòa.
- Cả 2 đều là những chiếc cầu xưa nhất ở địa phương của mình, và có tuổi đời gần tương đương nhau (cầu Long Biên khánh thành năm 1902, cầu Gành năm 1904).
- Cả 2 đều là cầu thép (trước đây người ta cho rằng cả 2 cây cầu này đều do công ty của Eiffel thiết kế, tuy nhiên sau này đã xác định rằng cầu Long Biên do công ty Daydé & Pillé thiết kế, công ty Eiffel chỉ gia cố thêm vào năm 1938)
- Cả 2 đều là cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Cầu Long Biên
Cầu Gành ở Cù lao Phố
Ba thập niên qua rồi. Cầu Chương Dương đã chừng ấy tuổi, chớ không phải còn trinh nguyên như ngày nào mình đi bộ qua cầu. Cầu Long Biên và cầu Gành đã bước qua tuổi trăm năm. Còn mình? Ừ, đương nhiên cũng già đi rồi. Thời gian như nước trôi qua cầu... Ừ, thì hát Lý qua cầu vậy!
Còn tìm đâu theo thời gian nước trôi qua cầu
Nỗi sầu đành ôm với kỷ niệm yêu dấu
Phạm Hoài Nhân
2013
2013
anh tả cứ như là anh mới vừa đi về vậy đó :)
Trả lờiXóaỦa, vậy hả?
XóaNhưng mà thiệt 100% đó, không có bịa chút nào.
Hi hi hi!